Đa số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ quy định của Thành phố về phòng, chống dịch

17:48 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Dù chịu thiệt hại không nhỏ, nhưng khi được hỏi về các quy định tại Công điện số 15 của Thành phố, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đồng tình ủng hộ. Mong muốn duy nhất của các quán ăn, chủ nhà hàng là Thành phố sớm khống chế được dịch bệnh, đưa hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.
Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa sau 21h Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong đêm Hà Nội: Kiên quyết xử lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống vi phạm phòng, chống dịch

Hàng quán ăn thực hiện nghiêm quy định bán mang về

Ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã nhanh chóng triển khai tới các phường, xã, thị trấn để người dân thực hiện theo đúng Công điện.

Đa số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ quy định của Thành phố về phòng, chống dịch
Quán cơm phở Đức Năng (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) tuân thủ quy định bán hàng mang

Theo đó, các quận, huyện, thị xã của Thủ đô đã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khảo sát thực tế của phóng viên tại một số quận, huyện như quận Tây Hồ, huyện Mê Linh, huyện Đông Anh cho thấy, các chủ quán ăn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã và đang thực hiện nghiêm các chỉ đạo.

Đa số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ quy định của Thành phố về phòng, chống dịch
Anh Lê Thế Chữ (chủ hàng ăn tại xóm 3, xã Hải Bối, huyện Đông Anh) chuẩn bị thức ăn giao cho khách.

Có mặt tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) ngày 19/7, phóng viên ghi nhận khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ của các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Do đang trong thời gian thực hiện giãn cách, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết nên lượng khách tới mua đồ ăn mang về cũng không nhiều như những ngày trước.

Chia sẻ với phóng viên, chủ quán cơm phở Đức Năng (thị trấn Quang Minh) cho biết, hàng ăn của gia đình dừng phục vụ tại chỗ và bán hàng mang về từ ngày 13/7. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, quán ăn đã dán thông báo chỉ bán mang về, đề nghị khách hàng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Cũng theo chia sẻ của chủ quán ăn, khách đến mua đồ ăn mang về cũng rất ý thức trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho chính mình nên vợ chồng ông cũng yên tâm phần nào.

Đa số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ quy định của Thành phố về phòng, chống dịch
Khách hàng tuân thủ việc sát khuẩn tay khi đến mua hàng mang về.

Còn tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh), các loại hình dịch vụ kinh doanh không thiết yếu đã tạm dừng hoạt động. Các chủ hàng ăn đã trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng, chống dịch tại nơi bán hàng mang đi. Trao đổi với chúng tôi về biện pháp phòng, chống dịch tại quán ăn, anh Lê Thế Chữ (chủ hàng ăn tại xóm 3, xã Hải Bối) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, anh đã bố trí các chai rửa tay sát khuẩn tại trước cửa quán ăn và tạo chỗ ngồi cho khách cách xa nơi chế biến đồ ăn. "Trong suốt quá trình chế biến đồ ăn cũng như giao dịch với khách hàng tôi luôn đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện, giao tiếp. Hàng ngày, tôi thường xuyên khử trùng, vệ sinh bàn ghế bằng cồn để đảm bảo an toàn cho khách đến mua hàng mang về" - anh Chữ chia sẻ.

Cũng giống như huyện Mê Linh và huyện Đông Anh, các quán ăn trên địa bàn quận Tây Hồ cũng đã tuân thủ các quy định của Thành phố, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình bán hàng. Tại các địa điểm như phường Nhật Tân, phường Tứ Liên, phường Yên Phụ…đều không xảy ra vi phạm, các chủ cửa hàng đều tuân thủ nghiêm việc bán hàng mang về.

Ủng hộ chủ trương của Thành phố

Từ khi thực hiện quy định tạm dừng phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, các quán ăn trên địa bàn Thành phố đã chịu không ít thiệt hại. Theo vợ chồng ông bà Đức Năng (chủ hàng ăn tại thị trấn Quang Minh), từ khi bán hàng mang về doanh thu hàng ăn của vợ chồng ông bà đã giảm khoảng 60-70%. Khi được phục vụ tại chỗ, cửa hàng bán được hơn 100 suất cơm mỗi ngày. Khi bán mang về chỉ bán được khoảng 20 suất. Từ sáng 19/7, Thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách nên vợ chồng ông bà chỉ bán được khoảng chục suất cơm. Khách hàng mua chủ yếu là các lái xe qua khu vực thị trấn Quang Minh, không còn đông công nhân đến mua như trước.

Không những không có doanh thu, nhiều hàng ăn còn phải chịu lỗ vì chi phí thuê mặt bằng quá lớn. Đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) được biết đến với nhiều quán ăn, nhà hàng ngon có tiếng. Tuy nhiên, hiện tại, các nhà hàng lớn đã đóng cửa vì chi phí duy trì quá lớn.

Theo anh Lê Huy (chủ quán Lẩu Cua Đồng 685), nhà hàng đã đóng cửa từ 1 tháng nay để tránh các chi phí phát sinh như tiền thực phẩm, tiền thuê nhân viên. “Mỗi tháng nhà hàng phải trả từ 50-60 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Trong khi đó, người dân cũng ít đặt lẩu mang về nên cách tốt nhất là đóng nhà hàng để không chịu lỗ thêm”- anh Huy cho hay.

Đa số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ quy định của Thành phố về phòng, chống dịch
Dù chịu thiệt hại về kinh tế, thế nhưng nhiều quán ăn quyết định đóng cửa để cùng Thành phố chống dịch.

Để giữ chân khách hàng và duy trì hoạt động của quán cho đến khi có thông báo mới, các quán ăn mang về phải điều chỉnh lượng thực phẩm dựa trên sức mua của khách hàng. Với mặt hàng kinh doanh là thức ăn nhanh, anh Lê Thế Chữ (chủ hàng ăn tại xóm 3, xã Hải Bối) phải phân chia thành nhiều đợt chế biến dựa theo tình hình thực tế. Thông thường, anh sẽ chia làm 2 đợt chế biến đồ ăn trong ngày là buổi sáng và buổi chiều. Nếu bán hết đồ buổi sáng anh sẽ tiếp tục chế biến thêm để bán trong buổi chiều. Khi lượng đồ ăn còn nhiều, anh sẽ bán đến tối và không chế biến thêm để tránh làm đồ ăn bị hỏng. Cùng đó, anh Chữ cũng tăng cường bán hàng online, sẵn sàng ship hàng khi khách có nhu cầu.

“Việc bán hàng online sẽ giúp khách hàng hạn chế việc phải đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Cùng đó, hàng ăn cũng có thêm doanh thu trong mùa dịch” - anh Chữ cho hay.

Dù chịu thiệt hại không nhỏ về kinh tế khi phải đóng cửa, nhưng khi được hỏi về chủ trương giãn cách của Thành phố, các chủ hàng ăn đều đồng tình ủng hộ. Các chủ dịch vụ ăn uống mong muốn Thành phố sớm khống chế dịch bệnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong trạng thái bình thường mới. Việc các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhân dân chấp hành nghiêm Công điện 15 của Thành phố cũng như chỉ đạo của địa phương là phương thức hữu hiệu đóng góp không nhỏ trong việc cùng lực lượng chức năng khống chế đại dịch.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này