Công đoàn Thủ đô: Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động ứng phó với dịch

11:07 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Để có góc nhìn toàn cảnh về những hoạt động mà tổ chức Công đoàn Thủ đô đã, đang và sẽ triển khai để đồng hành cùng doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên báo Lao động Thủ đô xung quanh nội dung này.
Công đoàn Thủ đô sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động Các cấp Công đoàn Thủ đô: Chấp hành nghiêm Điều lệ Công đoàn Việt Nam Công đoàn Thủ đô sáng tạo, quyết liệt trong mọi hoạt động

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn Thủ đô?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Năm 2020 và đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào và tiêu dùng. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ngừng trệ, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng. Các lĩnh vực dệt may, điện tử, dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Công đoàn Thủ đô: Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động ứng phó với dịch
Đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội (Ảnh: Mai Quý)

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan nhanh vào các khu công nghiệp, chế xuất khiến nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố, lúc cao điểm đã có trên 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần 50.000 người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, nghỉ luân phiên.

Phóng viên: Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động. Trước thực tế đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có những hoạt động gì để đồng hành cùng doanh nghiệp phòng, chống dịch và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Với tinh thần Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và 5 “Tổ công tác đặc biệt”, bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; xây dựng nhiều văn bản, hướng dẫn, tuyên truyền người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, quy định 5K của Bộ Y tế; tăng cường lực lượng cán bộ xuống 9 khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố để ứng trực, hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội ban hành 2 văn bản chỉ đạo liên tịch về công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và chế xuất…

Ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Sau khi thành lập, Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành quy định về hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”. Đây chính là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.

Tính đến nay, đã có trên 11.000 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) với hơn 49.000 công nhân lao động tham gia. Việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” đã được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là mô hình sáng tạo của Liên đoàn Lao động Thành phố được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hà Nội ghi nhận, Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai, áp dụng.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Sau khi thành lập, Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành quy định về hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”.

Tính đến nay, đã có trên 11.000 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) được thành lập với hơn 49.000 công nhân lao động tham gia. Đây chính là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.

Về công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thông qua Công đoàn cơ sở để rà soát, nắm chắc số lượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin cho công nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động khi họ gặp khó khăn.

Ngoài ra, Công đoàn cũng đã tham gia xây dựng phương án sản xuất, phương án lao động và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động ở những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tuyên truyền cho người lao động biết những chế độ chính sách được hưởng để yên tâm làm việc và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền.

Công đoàn Thủ đô: Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động ứng phó với dịch
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao hỗ trợ cho cán bộ y tế của Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 (Ảnh: Mai Quý)

Phóng viên: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Xin đồng chí cho biết tổ chức Công đoàn sẽ làm gì để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết này?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho công nhân lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP và quyết định số 23/QĐ-TTg để người sử dụng lao động và người lao động nắm được để thực hiện; tranh thủ mạng xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhóm Zalo Công đoàn để truyền tải thông tin đến với người lao động nhanh chóng, kịp thời.

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động, căn cứ Nghị quyết 68/NQ-CP và quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rà soát đối tượng đảm bảo điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã hỗ trợ kịp thời đảm bảo không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng.

Đồng thời, Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các cấp chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để trường hợp vi phạm lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi./.

Mai Quý (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này