Gần 900 lao động Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy bị nợ lương

Cần sớm tháo gỡ những bất cập đối với doanh nghiệp ngành Thủy lợi

12:36 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Hơn 2 tháng nay, người lao động tại Đội thủy nông số 4, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Đan Hoài (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy), ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, lay lắt chờ đợi đồng lương chính đáng từ mồ hôi nước mắt của mình. Nợ lương kéo dài khiến đời sống của người lao động rơi vào cùng cực, bế tắc…
Đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người lao động cách ly tại doanh nghiệp Khi sức khỏe người lao động được đặt lên hàng đầu

Nỗi niềm công nhân lao động

11h trưa 19/7, dưới cái nắng như đổ lửa, tại Trạm bơm Phương Bảng (xã Song Phương, huyện Hoài Đức), tốp công nhân của Đội thủy nông số 4 vẫn miệt mài dùng những chiếc gậy dài để vớt từng đụm rác bám dưới kênh chính Đan Hoài (trục kênh chính tưới thông suốt cho huyện Đan Phượng, Hoài Đức, một phần quận Hà Đông và một phần quận Bắc Từ Liêm) làm sạch lòng kênh, khơi thông dòng chảy để phục vụ bà con trong công tác tưới tiêu.

Chứng kiến người lao động làm việc tại đây mới thấy được sự khó khăn, vất vả của công nhân ngành Thủy lợi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến ai cũng cảm thấy khó thở, tức ngực. Đặc biệt khi công nhân kéo lên những bao tải có xác lợn chết, dòi bọ bò lúc nhúc khắp nơi… thì đến cả những người lao động đã quen với công việc thường nhật cũng phải quay mặt đi một lúc. Rác dưới kênh thì không thiếu thứ gì, từ rác thải sinh hoạt cho đến xác động vật chết… khiến kênh Đan Hoài ô nhiễm khủng khiếp…

Dù trời mưa hay nắng, dù khó khăn vất vả đến mấy, những công nhân thủy nông vẫn hết mình làm việc phục vụ cho bà con. Làm việc nhiều ở môi trường độc hại, nhiều công nhân bị các bệnh hô hấp, ngoài da… ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Có người không chịu được đã phải bỏ nghề.

Ông Phạm Xuân Chinh - Đội phó Đội thủy nông số 4, chia sẻ: Hàng chục năm qua, công việc thường nhật của công nhân lao động thủy nông chúng tôi là đi tuần kênh vớt rác; kiểm tra, bảo dưỡng kênh; tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống dòng kênh... Mặc dù vậy, những năm gần đây, tình trạng rác thải bị vứt xuống kênh ngày một nhiều. Vào thời điểm thu hoạch lúa hay có dịch gia súc, gia cầm thì... rơm, xác động vật tạo thành những đám lớn gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường…”.

Cần sớm tháo gỡ những bất cập đối với doanh nghiệp ngành Thủy lợi
Công nhân Đội thủy nông số 4 đang trục vớt rác tại kênh Đan Hoài

Ngoài việc phải làm trong môi trường ô nhiễm, độc hại thì những công nhân còn nỗi lo an toàn cho chính bản thân. Ông Chinh cho biết: “Trong quá trình trục vớt rác, chúng tôi vớt lên nhiều đồ nhọn, sắc, nguy hiểm, thậm chí có cả kim tiêm của các đối tượng nghiện vứt xuống kênh. Kể cả khi làm việc có găng tay, vẫn có thể bị kim tiêm đâm vào tay. Chúng tôi vẫn phải thường xuyên sát khuẩn mỗi khi đi làm về. Rồi khi đi làm vào ban đêm, anh em công nhân luôn lo sợ bị trộm, cướp xe máy…”.

Gần 30 công nhân lao động Đội thủy nông số 4 đang trầy trật với cuộc sống suốt 2 tháng qua vì bị chậm lương. Thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp thì đời sống của người lao động lại càng khó khăn gấp bội. Có những gia đình cả hai vợ chồng đều cùng là công nhân thủy nông, cùng bị nợ lương. Cuộc sống trở nên bế tắc.

Gương mặt tiều tụy, hốc hác, anh Nguyễn Đắc Quân ngao ngán chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân của Đội thủy nông số 4. Tôi làm nghề này đã 20 năm, còn vợ tôi cũng đã có 17 năm cống hiến cho ngành Thủy lợi. Công việc khó khăn, cực nhọc nhưng chúng tôi thường xuyên bị nợ lương. Thời điểm này, công nhân lao động vẫn chưa được nhận lương tháng 5, 6. Chúng tôi có hai con, một cháu năm nay thi vào lớp 10, một cháu lên lớp 4. Với tình trạng chậm lương như thế này thì chỉ 1, 2 tháng nữa là gia đình không thể xoay xở được nữa”.

Cần sớm tháo gỡ những bất cập đối với doanh nghiệp ngành Thủy lợi
Ông Phạm Xuân Chinh - Đội phó Đội thủy nông số 4: "Công nhân lao đông đã bị nợ lương 2 tháng, đời sống gặp rất nhiều khó khăn".

Ông Phạm Xuân Chinh cho biết: “Vợ tôi trước cũng làm cùng Công ty. Do công việc độc hại, lại thường xuyên chậm lương nên cũng đã nghỉ ở nhà để lo nội trợ. Năm nay, chúng tôi đang bị chậm lương hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa phải “đỉnh điểm”. Năm 2017, công nhân lao động của Công ty còn bị nợ đến 7 tháng lương. Thời điểm này, nợ lương ngày nào là công nhân khó khăn ngày đó. Mặc dù vậy, những công nhân đã gắn bó hàng chục năm với nghề như chúng tôi vẫn đang cố gắng ngày đêm tận tụy với công việc để phục vụ cho vụ mùa năm 2021 của bà con nông dân”.

Không chỉ riêng Công ty Sông Đáy, theo ông Chinh, hơn 3.000 công nhân thủy lợi ở Hà Nội cũng đang bị chậm lương.

Nợ lương lao động 8 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên, ông Doãn Văn Kính - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy, cho biết: Tính từ năm 2016 đến nay, Hà Nội còn 4 công ty thủy lợi và đều đang nợ lương người lao động. Riêng Công ty Sông Đáy, hiện đang nợ lương 2 tháng với 890 lao động. Là lãnh đạo, chúng tôi cũng cảm thấy rất chua xót. Anh em công nhân làm rất vất vả, lương đã thấp lại không được nhận lương đầy đủ.

Từ năm 2013 đến 2015, tiền lương của lao động rất ổn định, từ 8 đến 9 triệu đồng/người/ tháng. Đến năm 2016, lao động bị cắt giảm 40% nên lương rất thấp. Năm 2020 vừa rồi do bất cập từ quy định thuê các doanh nghiệp thủy lợi trên toàn quốc, phải xây dựng phương án giá mới đặt hàng được nên đến giờ chưa có địa phương nào thực hiện được. Do vậy ở Hà Nội cũng chưa có công ty thủy lợi nào xây dựng phương án giá. Đến giờ, Công ty chúng tôi mới trả được 17 tỷ đồng tiền lương, còn nợ lương lao động 8 tỷ đồng...

Cần sớm tháo gỡ những bất cập đối với doanh nghiệp ngành Thủy lợi
Ông Doãn Văn Kính - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy trao đổi với phóng viên

Gần đây nhất, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy gửi Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021: “Vụ xuân năm 2021 do mới chỉ ký hợp đồng nguyên tắc, chưa có quyết định đặt hàng chính thức nên không được tạm ứng kinh phí để hoạt động dẫn đến việc Công ty không chủ động trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

Hiện Công ty đang nợ lương người lao động, nợ tiền điện, tiền bảo hiểm, không có kinh phí để tu sửa thường xuyên các công trình xuống cấp bị hư hỏng trầm trọng cần phải khắc phục sửa chữa ngay nhưng chưa có kinh phí và chưa được sự chấp thuận của Thành phố với tổng kinh phí là 69,018 tỷ đồng. Trong đó: Tiền lương, bảo hiểm và các khoản trích nộp là trên 28 tỷ đồng; tiền điện hơn 10 tỷ đồng; tiền sửa chữa thường xuyên công trình gần 8 tỷ đồng; tiền tạo nguồn chi trả cho các hợp tác xã gần 10 tỷ đồng…”.

Tại buổi làm việc với phóng viên chiều 19/7, ông Đặng Anh Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tình trạng khó khăn của các công ty thủy lợi. Nếu sớm, trong tuần này, mọi việc sẽ được xem xét, giải quyết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ phục vụ tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, xã hội của 6 quận, huyện, gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và một phần quận Bắc Từ Liêm, các huyện Thường Tín, Phú Xuyên với tổng diện tích lưu vực khoảng 60.000 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 30.000 ha. Công ty hiện quản lý 535 tuyến kênh tưới, tiêu với hơn 900km, 4 hồ chứa nước với trên 6.300 công trình kênh…

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này