Gỡ “lỗi” văn hóa ứng xử thời 4.0

13:17 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Không thể phủ nhận những lợi ích mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho các nước, trong đó có cả Việt Nam. Công nghệ số phát triển, đồng nghĩa với việc con người được tiếp xúc nhiều hơn với mạng xã hội. Nhưng liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho cách ứng xử giữa người với người đang ngày một kém đi?
Văn hóa ứng xử

Trước hết, hãy nhìn vào khảo sát được công bố của Microsoft, đó là Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Không phải ngẫu nhiên Việt Nam lại nằm trong bảng xếp hạng này.

Lấy một minh chứng cụ thể, vào ngày 9/6, tiến sĩ Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn - cho biết ký quyết định miễn nhiệm chức vụ của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Đức Hải do vào đầu tháng 6, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp màn hình status, bình luận trên trang cá nhân có tick xanh của nghệ sĩ Đức Hải với bài viết công kích người khác với một số từ ngữ thô tục.

Gỡ “lỗi” văn hóa ứng xử thời 4.0
Ảnh minh họa

Vào ngày 3/7, MC Trác Thúy Miêu gây tranh cãi khi đăng bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về việc đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đến thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch Covid-19 và ngày 10/7, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin truyền thông) đã có văn bản đề nghị xử lý Trác Thúy Miêu do có phát ngôn gây kích động.

Hay livestream bán hàng của những nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên thóa mạ khách mua hàng với những từ ngữ không mấy dễ nghe, và dù đã được đưa lên VTV vì phát ngôn thô tục, thì những livestream như vậy vẫn cứ xuất hiện.

Từ 1 đến 2 năm trở lại đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hiện tượng mạng với những hành động và phát ngôn phản cảm như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng. Điều đáng nói ở đây là những clip của các nhân vật này lại được rất nhiều bạn trẻ “học hỏi”, lấy đó làm “lý tưởng sống” cho bản thân. Điều đó tạo ra nhiều vết rạn nứt, những mảnh vỡ đáng báo động cho nền tảng đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử của đất nước.

Còn nói gần, là cách ứng xử kém văn minh, chửi bới khá phổ biến trên Facebook, YouTube hay bất kỳ nền tảng nào cho phép bình luận. Dần dần, hành động ấy trở thành việc tấn công bắt nạt qua mạng (Cyberbullying) phát triển song song với sự lớn mạnh của Internet. Phương pháp tấn công chủ yếu thể hiện qua bình luận thóa mạ cá nhân. Điều đáng nói là những phát ngôn càng phản cảm, gây sốc càng thu hút sự quan tâm, theo dõi, like, bình luận của cộng đồng mạng.

Đó là khi ở trên mạng xã hội lên án một cá nhân nào đó, hàng ngàn bình luận tiêu cực xuất hiện, thậm chí còn tìm ra cả gia đình họ để vào nhục mạ, chửi bới. Điển hình là lùm xùm giữa Sơn Tùng - MTP, Thiều Bảo Trâm và Hải Tú. Rất nhiều group anti Hải Tú được lập trên facebook thu hút nhiều thành viên. Hàng ngàn bình luận với từ ngữ thô tục, nặng nề được những anh hùng bàn phím viết về một người và một vấn đề thậm chí người trong cuộc còn chưa lên tiếng là đúng hay sai.

Cách ứng xử kém văn minh này không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn gây ấn tượng vô cùng xấu ở nước ngoài, điển hình nhất là sau những trận đấu bóng đá. Những cái tên của trọng tài chẳng hề dễ nhớ, thế mà người Việt vẫn có thể tìm ra các trang mạng xã hội của họ để thả phẫn nộ, viết những bình luận tiêu cực khiến cho những vị trọng tài này phải khóa trang cá nhân.

Một minh chứng thứ hai cho cách ứng xử kém văn hóa đó chính là hành vi “xin link” clip nóng. Điều này có lẽ cũng lí giải nguyên nhân vì sao Việt Nam xếp thứ 2 trong số những nước có rủi ro về tình dục trên Internet thế giới. Đây không phải hiện tượng mới bởi mỗi khi có một sự kiện về một cô gái/chàng trai lộ clip nóng, từ khóa được nhìn thấy nhiều nhất là “xin link”. Dường như họ đang ám ảnh về việc bản thân sẽ trở thành “người tối cổ” mà không hề biết rằng hành động ấy chỉ đang thể hiện họ là những con người kém văn hóa và thiếu hiểu biết.

Sự xuống cấp của văn hóa ứng xử còn thể hiện ở những hành vi đổ lỗi cho nạn nhân - hay còn được gọi là “victim blaming”. Nạn nhân thường bị quy trách nhiệm khi một tội ác diễn ra, thường là hành hung hoặc cưỡng bức. Một số bộ phận cư dân mạng sẽ cho rằng nạn nhân đã có hành động, lời nói hoặc cách ăn mặc gây kích động bạo lực. Những bình luận khiếm nhã và không thể tin được là nó có thể xuất hiện như “Đáng đời”, “Nó phải làm sao thì mới bị vậy”. Sự đổ lỗi cho nạn nhân đã mở đường cho sự khắc nghiệt, cho lối sống thờ ơ vô cảm trong xã hội, gián tiếp kéo lùi xu hướng hành xử văn minh của người dân Việt Nam. Và nguy hiểm hơn, hành vi nàycòn tạo điều kiện cho tội ác xảy ra nhiều hơn. Hiện nay, với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hành vi “Đổ lỗi cho nạn nhân” (victims blaming) dường như ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cách ứng xử thiếu văn hóa còn đặc biệt nghiêm trọng khi nó xuất hiện ở ngay trong gia đình và nhà trường - 2 nguồn tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Trong nhịp sống thời đại 4.0, đất nước ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế và an sinh xã hội, nhưng dường như văn hóa ứng xử đang dần đi xuống. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận và định hướng lại về lối ứng xử văn hóa hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ./.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này