Giả mạo cán bộ xử lý hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo:

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác

10:03 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo, giả mạo cán bộ phụ trách công tác xử lý hành chính, cụ thể là các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo Cảnh giác khi mua hàng online

Thời gian qua, khi cơ quan chức năng áp dụng hình thức “phạt nguội” trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thì xuất hiện tình trạng một số người dân nhận được các cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát giao thông thông báo việc “phạt nguội” do có hành vi vi phạm. Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản thì cung cấp thông tin cá nhân để thông báo số biên bản, số tiền xử phạt.

Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Và đặc biệt khi gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được. Nhiều người dân khi được nghe thông báo này, rất hoang mang, lo sợ nên đã “sập bẫy”, mất tiền.

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội xác minh chủ phương tiện vi phạm và gửi thông báo về nơi cư trú. (Ảnh: PL)

Trao đổi với báo chí, Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội khẳng định riêng đối với việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình thức “phạt nguội”, các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo đến những trường hợp vi phạm, cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Khi phát hiện các trường hợp gọi điện như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Dũng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông) thì tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (“phạt nguội”). Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở Công an làm việc. Do đó, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail…) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

Luật sư Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết cách kiểm tra xem có bị “phạt nguội” hay không là mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ http://www.csgt.vn/ ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Tiếp theo, nhập biển số xe cần kiểm tra, lựa chọn loại phương tiện (ô tô, xe máy, xe đạp điện) và mã bảo mật (ghi rõ chữ hoa và chữ thường) tương ứng rồi nhấn Tra cứu. Nếu có vi phạm, màn hình sẽ ngay lập tức hiển thị thông tin chủ xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm, số điện thoại để bạn liên hệ giải quyết. Nếu không vi phạm, trang web sẽ xuất hiện thông báo “Không tìm thấy kết quả”. Việc tra cứu “phạt nguội” này sẽ giúp người dân nắm được chính xác thông tin mình có vi phạm lỗi giao thông nào không và ngăn ngừa được tình trạng giả danh công an để lừa đảo tiền của người dân.

Được biết, để phục vụ cho công tác xử lý những vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội luôn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, sắp xếp cán bộ, chiến sĩ tiếp dân nhiệt tình chu đáo, hướng dẫn giải quyết xử phạt hành chính. Mọi người dân khi đến làm việc, nộp phạt nếu có thắc mắc về lỗi, vị trí vi phạm đều được xem lại hình ảnh vi phạm đã được hệ thống camera ghi lại chính xác, rõ ràng về chi tiết ngày giờ, địa điểm.

Vì đặc thù là gửi giấy phạt đến tận địa chỉ người vi phạm theo đường bưu điện nên mỗi lần gửi thông báo, Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông đều đánh dấu, ghi rõ số lần gửi. Nếu trong trường hợp thông báo gửi đi quá 3 lần, người vi phạm không đến giải quyết, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ có biện pháp mạnh để xử lý. Như vậy, chắc chắn sẽ không có trường hợp vi phạm nào trốn tránh được việc bị xử phạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong trường hợp các phương tiện giao thông mang biển kiểm soát ở tỉnh, thành phố khác, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Cảnh sát giao thông các địa phương để xác minh, gửi thông báo mời chủ phương tiện hoặc lái xe vi phạm lên làm việc. Đối với các phương tiện sau khi mua bán mà không sang tên, chuyển chủ đăng ký lại theo quy định, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ gửi lên Cục Cảnh sát giao thông để ra thông báo đến lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc hỗ trợ xử phạt khi phát hiện chiếc xe đang lưu thông.

Để xử lý triệt để những chủ phương tiện vi phạm có thái độ chây ì, trốn tránh nộp phạt, Phòng Cảnh sát giao thông cũng sẽ gửi công văn, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan dừng không đăng kiểm đối với những phương tiện này, khi nào người vi phạm đến trụ sở Cảnh sát giao thông nộp phạt mới tiếp tục cho phép đăng kiểm để lưu hành. Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông cũng kiến nghị các cơ sở đăng ký xe trên toàn quốc không cho đăng ký, sang tên, đổi chủ đối với những phương tiện trên cho đến khi quyết định xử lý vi phạm được lái xe thực hiện.

Do vậy, hoàn toàn không có chuyện cảnh sát giao thông gọi điện thoại để thông báo việc bị “phạt nguội” rồi yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào tài khoản nào đó. Người dân cần đề cao cảnh giác đối với thủ đoạn lừa đảo này.

Không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã ra thông báo khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không làm theo yêu cầu từ số điện thoại lạ, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi giả mạo hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này