Từ 0h ngày 19/7: 19 tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội

11:17 | 18/07/2021
(LĐTĐ) Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0h ngày 19/7/2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.
Nghệ An dỡ phong tỏa thêm nhiều khu dân cư ở huyện Nam Đàn và Quỳnh Lưu Hàng hóa cung ứng cho các tỉnh phía Nam tăng mạnh trong ngày đầu giãn cách xã hội Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hoá cho vùng dịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Từ 0h ngày 19/7: 19 tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước. (Ảnh: VPG)

Tính mạng của nhân dân là trên hết

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.

Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ thị 16, đồng thời kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong"; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu về giãn cách, không để xảy ra tụ tập đông người.

Song song đó, quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông...

Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng vi rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường... với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, thay mặt Thủ tướng giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền. Các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch.

Từ 0h ngày 19/7: 19 tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ chuẩn bị mọi kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 khi thực hiện Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố miền Nam (Ảnh: Trần Minh)

Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực để chống dịch

Để chuẩn bị các phương án đáp ứng vấn đề xét nghiệm và điều trị tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm với người bệnh cũng như để phát hiện sớm các ca bệnh.

“Ở đây, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng để tách ra ngay khỏi cộng đồng để giảm lây nhiễm tại cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, về điều trị, sẽ chia 3 tầng điều trị. Với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình.

Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị tại các cơ sở y tế, các cơ sở này từ bệnh tuyến huyện trở lên. Với bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

Song song với đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều bệnh nhân nặng nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Chia sẻ về công tác đảm bảo trang thiết bị và vật tư tiêu hao, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Y tế đã chuẩn bị tích cực về trang thiết bị. Trong ngày 17/7, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế đã giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho các địa phương. Đồng thời, điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Mặt khác đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho phòng, chống dịch.

“Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch khu vực này. Các địa phương cũng đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị trang thiết bị thời gian qua. Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch tại đây cũng như các địa phương khác trên toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Y tế cũng khuyến cáo các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 16. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện.

Bộ Y tế khuyến cáo với người dân là ở tại nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà, hạn chế mọi sự tiếp xúc của mình với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và theo Chỉ thị 16 là không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

“Với tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao đảm bảo tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ thị 16 cũng nhấn mạnh, đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Chúng tôi cũng đã đề nghị, yêu cầu các địa phương phải triển khai phương án này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Phúc Chương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này