Bà nội trợ "quay lưng" khi Bách Hóa Xanh tăng giá mạnh trong dịch Covid-19

12:36 | 17/07/2021
(LĐTĐ) Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng hóa mùa dịch khiến dư luận bức xúc, trong đó nhiều bà nội trợ tuyên bố tẩy chay hệ thống siêu thị này.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giá rau củ, quả ngoài thị trường cao hơn siêu thị 30%-50% Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh nhận được tiền hỗ trợ Nguồn cung hàng hoá tại các tỉnh phía Nam được cải thiện, siêu thị hàng hoá tương đối đầy đủ

Cục Quản lý Thị trường thành phố Hồ Chí Minh vừa có buổi thực tế kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh sau khi có nhiều thông tin cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng hóa trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra. Cụ thể, đoàn kiểm tra đã đến 2 cửa hàng ở trên đường Đặng Văn Bi và đường Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).

Bà nội trợ tẩy chay Bách Hóa Xanh

Trước thông tin Bách Hóa Xanh tăng giá bán vào giữa cao điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều bà nội trợ tại thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra không hài lòng và cho biết sẽ tẩy chay hệ thống siêu thị này.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh), giá bán thực phẩm tại Bách Hóa Xanh bình thường đã cao hơn so với các siêu thị khác như Big C, Co.op Food. Tuy nhiên, lợi điểm là cửa hàng của Bách Hóa Xanh gần nhà, tiện mua nên chị cũng thường xuyên ghé mua hàng và là khách hàng trung thành ở đây nhiều năm. Thế nhưng khi dịch bệnh đang diễn ra, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, Bách Hóa Xanh lại viện đủ lý do để tăng giá bán khiến chị không hài lòng.

“Tôi không thấy có thông tin là nông sản ở chỗ nào mất mùa cả, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như trước dịch, có thể do ảnh hưởng dịch nên việc vận chuyển có chậm hơn nhưng lấy đó là lý do tăng giá là không hợp lý. Có lẽ tôi sẽ không mua hàng Bách Hóa Xanh nữa, chịu khó đi xa một chút đến các siêu thị khác vậy”, chị Hồng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, chị Võ Thị Hồng Duyên (công nhân tại Quận 12) bức xúc cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá là tàn nhẫn với người lao động khó khăn. “Không thể lợi dụng lúc các chợ bị tạm đóng, người dân cần thức ăn lại tăng giá vậy được. Mọi lý do đều chỉ ngụy biện, đáng lẽ lúc này các công ty thực phẩm phải hỗ trợ người dân nhiều hơn mới đúng”, chị Duyên bức xúc.

Bà nội trợ
Bách Hóa Xanh vừa bị người tiêu dùng tố nâng giá bán trong mùa dịch.

Không chỉ các bà nội trợ, cộng đồng mạng cũng lên tiếng đòi tẩy chay Bách Hóa Xanh vì cho rằng doanh nghiệp này lợi dụng tình hình để tăng giá bán hàng. Cũng theo chị Duyên, những ngày qua, nhiều lần chị đi mua hàng tại Bách Hóa Xanh không được tươi, ngon mà luôn trong tình trạng “chợ chiều”. Đến lúc thấy giá hàng hóa cao hơn so với trước dịch, chị hỏi nhân viên Bách Hóa Xanh thì được biết là giá đã niêm yết trên kệ.

“Bách Hóa Xanh nhiều lần tự hào chia sẻ về mô hình quản trị, triết lý kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp tại nhiều sự kiện cho các doanh nghiệp tham khảo, học hỏi. Thế mà lần này được cơ hội kinh doanh thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác trong mùa dịch, Nhà nước giao nhiệm vụ bình ổn giá, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân lại đi tăng giá. Có phải họ sẵn tư duy tranh thủ kiếm lợi nhuận và bỏ qua sự khó khăn của người tiêu dùng?”, tài khoản Ngô Đình Đức nhận xét.

“Những lý do Bách Hóa Xanh đưa ra đều là ngụy biện, giai đoạn dịch bệnh, người dân gặp khó khăn, kinh tế đi xuống vậy mà họ không hề biết chia sẻ. Kiếm lời lúc người dân gặp khó khăn là kinh doanh không có đạo đức, từ nay Bách Hóa Xanh sẽ không còn trong từ điển của tôi”, người dùng mạng Quốc Vương chia sẻ.

“Từ nay tôi sẽ tẩy chay Bách Hóa Xanh, dịch dân thì khổ mà giá trong Bách Hóa Xanh còn nâng cao, xong tôi mua thịt cá 2 lần đều bị hư phải bỏ, cân thì điêu đến khi nói thì chỉ trả lại tiền và xin lỗi qua loa do bấm tính tiền nhầm 2 lần. Sáng nay có bé hàng xóm nói chị đi Co.op Food đi, hàng tươi ngon, đi rồi mới thấy không bị thất vọng, giá cả bình ổn, rau thịt đều tươi ngon”, một tài khoản Facebook khác chia sẻ.

Bách Hóa Xanh nói tăng giá vì lý do khách quan

Liên quan đến sự việc, ngày 16/7, Bách Hóa Xanh cho biết: "Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, và chúng tôi cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống".

Bách Hóa Xanh cho rằng chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại thành phố Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập vào. Đồng thời, Bách Hóa Xanh cũng cần đảm bảo toàn tính cân bằng và hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng với việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn dịch bệnh. Trong đó, bao gồm các yếu tố như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.

Cụ thể, Bách Hóa Xanh cho biết, thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh. Cùng với tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.

Nhân sự của Bách Hóa Xanh cũng tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục, từ kho đến cửa hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.

Nhân sự tài xế, kho bãi với số lượng hàng ngàn người bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm cách 3 ngày một lần. Ngoài ra, việc xét nghiệm liên tục này cũng áp dụng cho hàng trăm nhân viên bắt buộc di chuyển ở 2 tỉnh lân cận.

Bà nội trợ
Cục Quản lý thị trường kiểm tra Bách Hóa Xanh.

Bách Hóa Xanh phải bảo đảm chỗ ở cho nhân viên ở gần kho, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhân viên nhiễm bệnh hoặc bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa, dẫn đến thiếu nhân sự và buộc phải tạm dừng hoạt động kho, cửa hàng.

Hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông,...

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh doanh đường dài là tạo khách hàng gắn bó. Bách Hóa Xanh và một số siêu thị khác ồ ạt tăng giá bán lúc này là hành động quay lưng với người tiêu dùng lúc khó khăn. "Lẽ ra đây là cơ hội bằng vàng để tăng giá trị thương hiệu cho Bách Hóa Xanh bằng các kỹ thuật đơn giản như rau xanh giảm 10%, hỗ trợ dân Sài Gòn chống dịch... Vì sao rau củ có thể giảm 10%? Vì hiện nay các nơi sản xuất rau củ bị giảm thu mua do dịch, chỉ có Bách Hoá Xanh có thể thu mua lớn, và giá mua giảm 10%... Làm vậy thì Bách Hoá Xanh sẽ nhận được sự ủng hộ lâu dài của khách hàng, đằng này tăng giá, kiếm lời không đáng với một nhà phát triển chuỗi. Còn giải thích về khó khăn trong đợt cao điểm dịch bệnh thì các đối thủ khác của họ", vị này nói.

Trước đó, một người phụ nữ lên mạng xã hội kể chuyện đi Bách Hóa Xanh mua mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng,... đã thu hút tới gần 3 triệu lượt xem và hơn 41.000 bình luận chỉ sau 2 ngày đăng tải.

Người phụ nữ công khai hóa đơn mua hàng tại Bách Hóa Xanh và bày tỏ thái độ bức xúc: "Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3 - 4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế.

Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không, có thương dân không? Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng. Món cuối cùng là nấm ngọc châm nâu, 2 hộp giá 54.000 đồng".

Dưới video đã có không ít tài khoản tuyên bố tẩy chay siêu thị này sau khi dịch kết thúc.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này