Cuộc sống người lao động thành phố Hồ Chí Minh đảo lộn, vợ chồng “chia đôi” chống dịch

08:53 | 17/07/2021
(LĐTĐ) Nhiều gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh phải tạm xa nhau để vào nhà máy ăn ở làm việc tại chỗ nhằm đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ tối đa thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh: Khẩn trương đưa lương thực đến người lao động

“Chia đôi” gia đình để bảo đảm sản xuất

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp. Theo đó, Thành phố chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ và phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” để vận chuyển tập trung người lao động từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã sẵn sàng phương án “3 tại chỗ” cho người lao động ở lại công ty làm việc.

Công ty Nidec Sankyo Việt Nam (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) là doanh nghiệp có khoảng 6.000 người lao động. Tính đến ngày 16/6, công ty này ghi nhận khoảng 20 ca F0 làm việc trong công ty. Các F1 và F2 liên quan đã được cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, công ty không thể ngừng hoạt động. Vì vậy, khoảng một tuần trước khi thực hiện chỉ đạo của thành phố Hồ Chí Minh, người lao động Công ty Nidec Sankyo đã được tạm nghỉ để công ty sửa chữa lại một số địa điểm, đảm bảo an toàn phòng dịch sau khi công nhân quay lại làm việc.

Cuộc sống người lao động thành phố Hồ Chí Minh đảo lộn, vợ chồng “chia đôi” chống dịch
Người lao động Nidec Việt Nam từng phải ở tạm trong nhà để xe khi công ty bị phong tỏa. Ảnh: Hải Long

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nidec Việt Nam cho biết, công ty đã sẵn sàng đón khoảng 800 người lao động trở lại làm việc theo ca, mỗi ca 12 tiếng. Theo ông Hồng, trong ngày đầu tiên thực hiện “3 tại chỗ”, 350 người lao động đã trở lại làm việc.

“Chúng tôi cũng đang chờ kết quả xét nghiệm của một số công nhân, nếu âm tính sẽ quay lại làm việc. Toàn bộ chi phí xét nghiệm sẽ do công ty chi trả”, ông Hồng nói.

Được biết, trước khi thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân Nidec Việt Nam đã có thời gian cách ly tại công ty sau khi xuất hiện nhiều ca F0. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã sử dụng một số khu xưởng bỏ không để làm chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi cho người lao động.

Anh Vũ Đức H. (36 tuổi) - công nhân Nidec Việt Nam sống tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức cho biết, trước đó những công nhân bị cách ly từ 3/7 - 5/7 phải ngủ trong lều dã ngoại đặt ở nhà giữ xe công ty. Đồng thời, tình trạng thiếu nhà tắm, nhà vệ sinh cũng xảy ra. Tuy nhiên, lần này công ty đã tạm thời khắc phục được tình trạng này. “Thật sự phải ở tại nhà máy rất vất vả, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua để an toàn cho bản thân và cộng đồng, vừa đảm bảo sản xuất cho công ty”, anh H. chia sẻ.

Anh Phúc (25 tuổi), ngụ phường Trường Thọ, cho biết, anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính nên rất yên tâm làm việc. Tuy nhiên, ở lại công ty sẽ không thoải mái như ở nhà. “Tôi chỉ mong dịch sớm chấm dứt, tôi muốn cuộc sống bình thường sớm quay trở lại”, anh Phúc nói.

Còn chị Dương Thị T. (31 tuổi), ngụ phường Linh Xuân (thành phố Thủ Đức) cho biết: “Dù có lo lắng nhưng tôi vẫn muốn đi làm để nhận đủ lương, vì còn nhiều chi phí sinh hoạt phải lo. Hơn nữa nếu ở lại công ty làm việc thế này độ an toàn chắc sẽ cao hơn, vì chúng tôi cũng chỉ tiếp xúc quanh quẩn với nhau”.

Cuộc sống người lao động thành phố Hồ Chí Minh đảo lộn, vợ chồng “chia đôi” chống dịch
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đưa người lao động vào trong nhà máy để ở lại, phục vụ sản xuất. Ảnh: Hải Long

Anh Tâm (33 tuổi), không giấu nổi sự nhớ nhung và lo lắng cho vợ con ở nhà. Theo anh Tâm, vì cuộc sống nên anh vào công ty làm việc rồi ở lại luôn. Vậy nhưng những ngày qua thành phố Hồ Chí Minh liên tục có hàng ngàn ca F0, tình trạng lương thực khó khăn, anh lo cho vợ con ở nhà sẽ không thể xoay sở được.

“Lo lắm, mình ở trong này ít nhiều còn có công ty lo cho, vợ ở nhà không biết xoay sở thế nào với 2 đứa con. Từ lúc thành phố bùng dịch, vợ tôi không đi làm nữa, nhưng con tôi còn nhỏ, mà giờ chợ thì đóng cửa, siêu thị lại xa. Chỉ mong thành phố mau khống chế được dịch cho chúng tôi được về nhà”, anh Tâm ngậm ngùi.

Nỗi lo người ở nhà

Không chỉ người xách va ly vào công ty làm việc lo lắng, người ở nhà cũng có những nỗi lo sợ thường trực cùng khó khăn đủ đường.

Chị Nguyễn Thị T.H (ngụ quận Gò Vấp) là phóng viên một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh, sau thời gian nghỉ sinh, chị quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch trở lại. Với công việc đặc thù, chị H. ngoài việc phải sản xuất tin tức để đảm bảo thông tin, còn phải chăm con và đi chợ.

“Trước khi có dịch bùng phát mạnh như hiện nay thì có mẹ với chồng phụ giúp, nên cũng còn thời gian nghỉ ngơi, nhưng bây giờ thì cuộc sống đảo lộn hoàn toàn”, chị H. cho biết.

Chồng chị H. làm việc tại một doanh nghiệp IT, từ khi dịch bùng phát, mức lương của chồng chị H. cũng bị cắt mất 5 triệu đồng. Không chỉ bị giảm thu nhập, chồng chị phải ở lại luôn công ty để làm việc. Không có chồng phụ giúp, mẹ của chị H. cũng đã lớn tuổi, vì thế chị H. ngoài thời gian làm việc, chăm con còn đi chợ để mua thực phẩm.

Cuộc sống người lao động thành phố Hồ Chí Minh đảo lộn, vợ chồng “chia đôi” chống dịch
Hiện nay việc đi siêu thị mua lương thực của nhiều khu vực gặp khó khăn vì lượng hàng hóa thiếu cục bộ.

“Mấy ngày thành phố thực hiện giãn cách việc đi chợ khó khăn vô cùng, có hôm 5h tôi đã dậy đi ra siêu thị nhưng mà xếp hàng cả buổi cũng không đủ đồ. Nhất là trứng, đi 4 -5 cái siêu thị mà lần nào cũng hết. Người lớn thì sao cũng được, nhưng mà trẻ con mới lo”, chị H. tâm sự.

Ngoài nỗi lo về lương thực, chị H. còn cho biết, do nhà chị ở cạnh một khu xây dựng tập trung nhiều đối tượng lạ, vì thế chị khá lo lắng cho sự an toàn của ba bà cháu. “Nhà toàn phụ nữ, hôm nào trước khi ngủ tôi cũng khóa trái cửa, kiểm tra cẩn thận. Giờ chỉ mong yên ổn qua nốt mấy ngày thực hiện Chỉ thị 16 để chờ chồng về”, chị H. nói.

Không chỉ chị H., rất nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải chịu cảnh “chia đôi gia đình” như thế.

Chị Vũ Thị Hương, ngụ Quận 12 cho biết, chồng chị đã vào công ty ở Khu Công nghệ cao ở để làm việc từ ngày 15/7, còn chị và 2 con ở nhà. Chị cùng chông làm chung công ty, tuy nhiên chị đã được công ty cho nghỉ vì còn 2 con nhỏ ở nhà.

“Tôi ở ngoài này cũng gặp khó khăn một chút vì vấn đề lương thực, nhưng mà còn xoay sở được. Lo nhất vẫn là chồng tôi trong công ty, không biết ăn uống, sinh hoạt có đảm bảo không. Nhất là công ty đông công nhân, sợ bị lây nhiễm chéo lại khổ”, chị Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Quốc Toản, 27 tuổi, quê Hà Tĩnh – đây là năm thứ 11 anh sống đời đời công nhân nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi vào nhà máy ăn ở và làm việc tại chỗ để đảm bảo sản xuất đã được 3 ngày. Hai con nhỏ của chúng tôi được gửi về quê ngoại ở Bến Tre, tôi mong sớm có Vaccine để chồng an tâm sản xuất, cả công ty tôi vẫn chở để được tiêm Vaccine…”, anh Toản nói.

Công ty của anh Toản chuyên sản xuất ghế sofa xuất khẩu đến một số thị trường trên thế giới. Cách đây 1 tuần, vợ anh Toản cũng buộc phải ngừng việc không lương do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chị cho biết từ ngày chồng vào nhà xưởng thì gia đình chị bị đảo lộn nhưng để bảo đảm sản xuất và thu nhập của gia đình nên anh chị cùng nhau quyết tâm để vượt qua khó khăn.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của những người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện chính quyền thành phố vẫn đang nỗ lực để khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của người dân quay về bình thường. Với sự đồng lòng của người dân, chắc chắn nỗ lực của Thành phố sớm kết quả.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này