Động lực để nhân lực ngành Du lịch vượt qua khó khăn

12:41 | 17/07/2021
(LĐTĐ) Suốt gần 2 năm qua, ngành du lịch đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/ 2021 của Chính phủ được xem là cứu cánh cho nhân lực ngành "công nghiệp không khói".
Nam thanh niên nhập cảnh trái phép, làm lây lan dịch bệnh Covid-19 lĩnh án 18 tháng tù Quận Đống Đa tiếp nhận vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19

Mong chờ hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19

Từng là hướng dẫn viên du lịch được “săn đón”, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) chưa từng nghĩ cuộc sống sẽ bị đảo lộn như hiện tại. Ngày chưa có dịch Covid-19, anh Tuấn Anh là một trong những hướng dẫn viên “đắt tour”. Anh chịu trách nhiệm dẫn tour khách Hàn Quốc tham quan danh thắng các tỉnh phía Bắc, trong đó đặc biệt là Lào Cai, Quảng Ninh và Ninh Bình.

Khi Việt Nam là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách Hàn Quốc, số lượng đoàn khách liên tục tăng dần và lấp đầy thời gian trong một tháng. Thậm chí vào những tháng cao điểm, những hướng dẫn viên du lịch như anh Tuấn Anh gần như không có thời gian ở nhà mà chỉ tất bật “nay đây mai đó” cùng du khách, thậm chí làm việc xuyên Tết.

Nếu khách đông và đều tour, thu nhập của nghề hướng dẫn viên có thể giúp anh Tuấn Anh dư dả chi tiêu và lo được cho gia đình với mức lương 15-20 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ đây mọi nguồn thu gần như mất trắng, biến một thanh niên 28 tuổi nhiệt huyết với nghề thành thất nghiệp.

Thất nghiệp gần 2 năm, hướng dẫn viên du lịch mong ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến ngành du lịch.

Anh Tuấn Anh nhớ lại, từ nửa cuối tháng 1/2020, anh bắt đầu nhận những thông báo hủy chuyến đầu tiên từ các công ty du lịch. Đến nay, sau gần 2 năm, anh Tuấn Anh vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ các đơn vị lữ hành bởi nhiều nơi đã dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm nhân sự tối đa để duy trì bộ máy. “Cơ hội để có việc làm như trước đây vô cùng khó khăn với những hướng dẫn viên như chúng tôi”, anh Tuấn Anh thở dài.

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự đã từng trải qua một số giai đoạn khó khăn của ngành du dịch cũng như những khủng hoảng riêng của nghề. Nhưng với chị, tất cả những gì đã xảy ra đều không “đáng sợ” bằng khoảng thời gian cả chị và hàng ngàn đồng nghiệp mất việc vì Covid-19.

Chị Hạnh rơi vào cảnh “3 không”: không có việc làm, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không có hợp đồng lao động. Do vậy, để có nguồn thu nhập, chị Hạnh chấp nhận bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, chờ cơ hội quay trở lại với nghề.

Không chỉ riêng anh Tuấn Anh và chị Hạnh, dịch Covid-19 khiến nhân lực ở các đơn vị kinh doanh trực tiếp, hướng dẫn viên du lịch và lao động trong nhiều lĩnh vực phụ trợ như cung ứng dịch vụ lữ hành, nhà hàng, khách sạn… phải lần mò tìm đường sống, dù là bất kì công việc gì. Họ hầu hết đều đã phải chuyển nghề để mưu sinh, kể cả làm xe ôm công nghệ, làm người giao hàng, bán hàng online… Những người quyết bám nghề đến cùng sẽ tận dụng vốn ngoại ngữ làm phiên dịch, chờ tương lai của ngành du lịch phục hồi.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm, tỉ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức tăng lên. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa, ước đón 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, số người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này không nhiều và chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương của Việt Nam và Hà Nội. Từ những số liệu trên có thể thấy, thời điểm này, trải qua 4 đợt dịch Covid-19, bức tranh của ngành du lịch chưa có nhiều khởi sắc. Dẫn đến nhân lực của ngành du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên vẫn đang chật vật, phải tự “ngụp lặn” vượt cơn “sóng thần” Covid-19.

Cứu cánh cho nhân lực ngành "công nghiệp không khói"

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người (trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm), khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường. Những doanh nghiệp còn giấy phép thì hoạt động cầm chừng và lâm vào tình trạng rất khó khăn.

Nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cũng được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Ngay sau khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ, anh Tuấn Anh bày tỏ sự phấn khởi. “Những ngày qua, trong các nhóm của hướng dẫn viên du lịch có chia sẻ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Chúng tôi rất mong chờ được phổ biến điều kiện hồ sơ, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này. Dù chưa biết việc hỗ trợ triển khai như thế nào nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy rất vui. Bởi nếu không được quan tâm kịp thời và đúng mức, nhân sự chất lượng trong ngành và đặc biệt là các hướng dẫn viên sẽ phải chuyển nghề để tồn tại. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch khi phục hồi trở lại”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Thất nghiệp gần 2 năm, hướng dẫn viên du lịch mong ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Mất việc do dịch Covid-19, nhiều hướng dẫn viên mong muốn được tiếp cận hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng của Chính phủ để ổn định cuộc sống.

Còn đối với chị Hạnh, đây là chính sách an sinh thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt là với nhóm ngành hướng dẫn viên du lịch như chị: “Nghe thông tin gói hỗ trợ này, bản thân tôi cũng phấn khởi. Chính sách trên đã động viên rất nhiều đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là sự quan tâm của Chính phủ đối với người lao động gặp khó khăn”.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập tổ công tác để triển khai. Các thành viên trong tổ có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.

Sau khi có Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 8/7, Sở cũng đã họp tổ công tác, đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thành phố. Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội thực hiện theo định hướng của Trung ương và phù hợp với thực tế ở từng địa phương, nhóm đối tượng. Quy trình triển khai bảo đảm linh hoạt, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, việc xây dựng tiêu chí xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng sẽ được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm đúng người

Trao đổi với báo chí về nội dung này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng. Vì thế, các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai linh hoạt, tránh trùng lặp, không bỏ sót.

“Trên tinh thần đó, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo nguyên tắc nhất quán: Điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Bạch Liên Hương khẳng định.

Với sự sẵn sàng của cơ quan chức năng và các địa phương, tin tưởng rằng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ được triển khai khẩn trương, linh hoạt và đúng đối tượng, giúp người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn sớm tiếp cận để có được trợ lực vượt qua đại dịch Covid-19.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này