Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời

21:47 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị về việc để các doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời để chủ động xử lý tình huống phát sinh F1 và F0.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giá rau củ, quả ngoài thị trường cao hơn siêu thị 30%-50% Từ 7/6-15/7: Ghi nhận thêm 69 ca tử vong do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh Huy động tổng lực ngành y tế phục vụ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp ưu tiên thực hiện “mục tiêu kép”

Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị hỗ trợ cấp thiết cho các doanh nghiệp, nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn.

Theo Hiệp hội, đến 12h ngày 15/7, thực hiện theo Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Vì thế, các doanh nghiệp đều giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh và tổ chức ăn ở, đi lại cho công nhân theo quy định mới

Theo thống kê, Khu công nghệ cao có 70/85 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động; Khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với 8.000 công nhân/65.000 công nhân;…

Trong khi đó, Khu chế xuất Linh Trung 1 có 13/32 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động; Khu chế xuất Linh Trung 2 có 10/30 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động; Khu công nghiệp Hiệp Phước có 15/159 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động với tổng số 2.595 công nhân;…

Trong khi đó, một nhà máy tại khu Tân Thuận giữ tại chỗ hơn 1.200 công nhân để duy trì sản xuất, nhưng sáng 15/7 kết quả xét nghiệm nhanh phát hiện hàng chục công nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời
Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị để doanh nghiệp xây dựng khu cách ly tạm thời.

Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly

Liên quan đến việc thực hiện “3 tại chỗ” theo Chỉ thị của Thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, thời gian qua cơ quan y tế đã tổ chức xét nghiệm cho công nhân. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp được huấn luyện thực hiện “y tế tại chỗ”, doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty, tự tổ chức test cho công nhân. Sau đó, các mẫu lấy được sẽ gửi về cho cơ quan y tế và tự nhận kết quả tại doanh nghiệp.

“Khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời nhằm chủ động xử lý tình huống phát sinh F1 và F0 ngay trong nhà máy”, Hiệp hội kiến nghị.

Bên cạnh đó, thành phố, chính quyền các quận/huyện cần quan tâm hỗ trợ cho nơi tạm trú cho công nhân. Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Tuy nhiên, việc bố trí nơi ở cho công nhân là khó khăn nhất.

Theo Hiệp hội, thực tế doanh nghiệp có nhiều điểm đón do thuê nhiều khách sạn. Vì vậy, mỗi xe đưa rước có chung 1 điểm đến, nhưng tỏa đi nhiều điểm đón khác nhau.

“Mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước”, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp nêu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị chính quyền cùng đoàn thể các cấp cần quan tâm và hình thành ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.

Về giao thông vận chuyển hàng hóa, theo Hiệp hội, giao nhận hàng tại sân bay và các Cảng đều theo lịch trình quy định chuyên ngành, hải quan giám sát và thông quan theo giờ hành chính. Vì thế quy định chỉ được vận chuyển từ 22h đến 5h sáng là không phù hợp. Hiệp hội kiến nghị nên áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo cho xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân,… để cơ quan chức năng dễ kiểm soát.

Các doanh nghiệp ngưng hoạt động cũng kiến nghị Thành phố cần làm rõ quy trình hoạt động lại, kể cả doanh nghiệp bị phong tỏa hoạt động. Các quy định về khử khuẩn, vệ sinh phòng dịch, thời gian kết thúc phong tỏa,… cần công bố quy định rõ ràng để doanh nghiệp có thể chủ động.

Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời
Công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nên được đưa vào là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.

Hiệp hội Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu một số kiến nghị như:

Các công ty, nhà máy có ngành nghề khác nhau, cách sử dụng lao động và giờ giấc làm việc, điều kiện ăn ở khác nhau, kiến nghị các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù, quan trọng.

Nhiều tổ chức có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, vì vậy dù kiểm tra đột xuất hay định kỳ cũng chỉ nên 1 đoàn.

Tiếp tục đưa công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là một trong những đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin.

“Chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” đồng nghĩa với tinh thần “mỗi nhà máy/doanh nghiệp là một pháo đài tự phòng chống dịch bệnh” mà Chính phủ đã nêu, nhưng trong thực tiễn còn nhiều vấn đề cần sự quan tâm của các ban, ngành”, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp nhấn mạnh.

Tối 13/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.

Thành phố chỉ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm " 3 tại chỗ ": Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm " 1 cung đường - 2 địa điểm ", chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này