Thành phố Hồ Chí Minh: Giá rau củ, quả ngoài thị trường cao hơn siêu thị 30%-50%

18:45 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Mặc dù có nguồn hàng dự trữ ổn định, nhưng do lượng người vào siêu thị mua nhiều, nên trong ngày 14/7 tại siêu thị các loại rau, củ, trứng,... đã rơi vào tình trạng chưa kịp cung ứng. Trong khi đó, một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%, không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị.
Tetra Pak được vinh danh Top 50 công ty tiên phong về Bền vững và khí hậu Hơn 60.000 người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh nhận được tiền hỗ trợ Nguồn cung hàng hoá tại các tỉnh phía Nam được cải thiện, siêu thị hàng hoá tương đối đầy đủ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo lực lượng quản lý thị trường, việc cung ứng hàng hoá rất căng thẳng, do có tin đồn Thành phố sẽ bị phong toả từ ngày 15/7/2021. Vì thế, ngay từ sáng ngày 14/7/2021 người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm, nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến mua hàng nhưng đến trưa, chiều có rất nhiều người không nhận được phiếu hẹn do số người có nhu cầu vào siêu thị quá đông nên không thể phục vụ.

Ở một số siêu thị không phát phiếu hẹn, có hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị. Do người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui. Đến tối có rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa dược vào siêu thị.

Một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%, không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị.

Thành phố Hồ Chí Minh: Giá rau củ, quả ngoài thị trường cao hơn siêu thị 30%-50%
Thành phố Hồ Chí Minh rau, củ, quả ngoài thị trường bán cao hơn siêu thị 30%-50%.

Tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ, các hệ thống siêu thị đang có nguy cơ thiếu hàng bởi, không đáp ứng được nhu cầu của người dân do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đặt tại thành phố Cần Thơ, trong khi xe thực phẩm từ thành phố Hồ Chí Minh về yêu cầu tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19, nhưng hiện nay bên y tế không xét nghiệm hoặc không có chỗ xét nghiệm và quy định là tài xế ở Cần Thơ ra thay tài xế của xe từ thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố, nên tài xế không đồng ý và một số xe đã quay ngược về lại Thành phố; giấy xét nghiệm các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, đến sáng ngày 15/7/2021, sức mua của người dân đã dần ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ. Theo thống kê sơ bộ thì lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay đã giảm so với các ngày trước. Nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh.

Về mặt hàng khẩu trang y tế, các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi. Về mặt hàng gạo, nguồn cung gạo dồi dào đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng trên địa bàn, giá cả một số địa bàn tăng nhẹ 200-500đồng/kg.

Đối với thực phẩm mì ăn liền, đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Hiện nay riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng. Trong khi đó, nhóm hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá cả tăng từ 5.000đồng-10.000đ/kg so với trước khi giãn cách. Nguyên nhân do thương lái phân phối tăng giá.

Đối với thị trường Bình Dương, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá,... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày 14/7/2021 giá cả một số mặt hàng đã giảm từ 10% đến 40% so với ngày 01/7/2021, sức mua và bán cũng giảm khoảng 50% do tiểu thương tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, các chợ truyền thống bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 35%.

Về công tác tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng chống dịch, kiểm tra, kiểm soát, các Đội Quản lý thị trường đều công khai đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống Covid-19.

Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các Cục Quản lý thị trường còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này