Công đoàn Thủ đô sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động

15:52 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: 6 tháng đầu năm, với những dự báo chính xác, điều chỉnh kịp thời, nhiều giải pháp, cách làm mới nên hoạt động công đoàn Thủ đô có nhiều đổi mới tích cực, hướng vào chiều sâu, hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào hoạt động cốt lõi của tổ chức Công đoàn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với kết quả đạt được khá tích cực.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ Khẳng định vị thế Công đoàn trong thực hiện “mục tiêu kép”

Chiều nay (15/7), tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ chín khóa XII, thay mặt đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chia sẻ với các cấp Công đoàn toàn quốc kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm.

Chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch

Về công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh của các cấp Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Toàn hệ thống Công đoàn Thủ đô 6 tháng đầu năm vất vả hơn, nhưng khí thế hơn, đoàn kết, hoạt động cụ thể, rõ hướng hơn và vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Thủ đô được đánh giá, nhìn nhận sáng rõ.

Công đoàn Thủ đô sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động
Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại hội nghị. Ảnh: LN

Cụ thể, ngay khi đợt dịch thứ tư xuất hiện, trước tình hình diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh, nguy cơ đứt gẫy sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Trung ương “chống dịch như chống giặc” và thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tập trung cao độ, xác định tham gia phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và 5 “Tổ công tác đặc biệt” bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung “kịch bản” ứng phó phù hợp. Đồng thời, đã quyết định tăng cường lực lượng nhóm cán bộ từ các Ban Liên đoàn Lao động Thành phố biệt phái xuống 9 Khu Công nghiệp để ứng trực, hỗ trợ cho trọng điểm là Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất trong công tác phòng, chống dịch và nắm bắt tình hình quan hệ lao động.

Liên đoàn Lao động Thành phố đã chủ trương thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp và trọng tâm tại Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất. Được sự đồng tình, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, 30/30 quận, huyện của Hà Nội đã có văn bản liên tịch thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong các doanh nghiệp. Riêng Liên đoàn Lao động Thành phố đã ký kết 2 văn bản chỉ đạo liên tịch với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trong chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch trong Khu Công nghiệp và Chế xuất với những hướng dẫn cụ thể, có gắn trách nhiệm các chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở với kết quả thực hiện.

“Chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội đã thần tốc chỉ đạo thành lập được hơn 11.151 “Tổ An toàn Covid-19” tại 4.148 doanh nghiệp, với 49.440 công nhân lao động tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt, là cánh tay nối dài trong công tác phòng dịch tại doanh nghiệp, có nhiệm vụ như “Tổ Covid cộng đồng” ở các khu dân cư với thành viên là cán bộ Công đoàn tại cơ sở, an toàn vệ sinh viên và công nhân nòng cốt. Thực tế thời gian qua cho thấy, mô hình “Tổ An toàn Covid” tại doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Thủ đô, được cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp ghi nhận”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết.

Bên cạnh đó, để động viên, khích lệ các “Tổ An toàn Covid-19” hoạt động hiệu quả, Liên đoàn Lao động Thành phố đã quyết định hỗ trợ mỗi công đoàn cơ sở có “Tổ An toàn Covid-19” 2 triệu đồng, kể cả những doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở nhưng thực hiện đóng kinh phí Công đoàn. “Thông qua rà soát thành lập “Tổ An toàn Covid-19” cũng là điều kiện để Công đoàn thiết lập mối quan hệ với chủ doanh nghiệp, tạo tiền đề thành lập công đoàn cơ sở mới, đồng thời củng cố hệ thống hiện có”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết: Hoạt động thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Công đoàn Thủ đô cũng được đổi mới, thông qua các “Infographic”, mạng xã hội, nhóm Zalo để nhanh chóng chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn và “Tổ An toàn Covid-19”. Trong thời gian ngắn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 3.340 “Nhóm Zalo Công đoàn” được thành lập, với 100.981 người tham gia; các nhóm Zalo đều có sự tham gia của cán bộ Công đoàn cấp trên, đảm bảo nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, thông suốt.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng, phát hành Clip hướng dẫn “Hoạt động tổ An toàn Covid-19” phát trên Đài Truyền hình Hà Nội hằng ngày, tạo sức lan tỏa rất nhanh; xây dựng 3 Clip “Hướng dẫn tổ chức: Hội nghị cán bộ công chức, viên chức; Hội nghị Người lao động; đối thoại tại nơi làm việc”; in ấn, phát hành 15.000 tờ áp phích “An toàn Covid-19 tại nơi làm việc” phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.

Công đoàn Thủ đô sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: LN

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Qua thống kê của tổ chức Công đoàn Thủ đô, có tới 35.000 lao động trên địa bàn Thủ đô mất việc làm và thiếu việc làm, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống và quan hệ lao động.

Với tinh thần trong lúc đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn càng phải thực hiện rõ nét hơn, Liên đoàn Lao động Thành phố đặc biệt quan tâm tới công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động.

Thực hiện Quyết định 2606-QĐ/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành các hướng dẫn để hỗ trợ người lao động. Tính đến thời điểm hiện nay, Liên đoàn Lao động Thành phố đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn ủng hộ “Quỹ vắc xin cho công nhân” và hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền 26,2 tỷ đồng. Tính cả nguồn xã hội hóa, hoạt động hỗ trợ của các cấp Công đoàn Thủ đô đã lên tới 50 tỷ đồng.

Song song với đó, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng có những chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến quan hệ lao động, nắm chắc tư tưởng công nhân lao động, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, sát cơ sở và sẵn sang xử lý các tình huống phát sinh.

Cụ thể hóa 10 hoạt động trọng tâm và 10 nhiệm vụ trọng điểm

Chia sẻ về hoạt động Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết: Từ cuối năm 2020, căn cứ bối cảnh, tình hình và những thách thức của tổ chức Công đoàn, Công đoàn Thủ đô đã xác định phải hành động, đổi mới thực chất hơn để có thể biến “nguy” thành “cơ”, chuyển hướng hoạt động Công đoàn Thủ đô vào những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, ngay đầu năm 2021, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng Chương trình công tác với “10 hoạt động trọng tâm và 10 nhiệm vụ trọng điểm”, đặc biệt trong 10 nhiệm vụ trọng điểm, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập 10 Tổ công tác để thưc hiện, triển khai nhiệm vụ với tiến độ cụ thể. Đến nay, Liên đoàn Lao động Thành phố đã triển khai 4 Đề án thí điểm; ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.

Xác định thành lâp tổ chức Công đoàn và phát triển đoàn viên là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Hỗ trợ khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”.

Theo đó, cùng với cơ chế hỗ trợ của Thành ủy (7 triệu đồng/công đoàn cơ sở), Liên đoàn Lao động Thành phố cũng có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ mỗi công đoàn cơ sở thành lập mới là 5 triệu đồng; cán bộ Công đoàn trực tiếp vận động, phát triển thành lập được hỗ trợ 1 triệu đồng/1 công đoàn cơ sở. Kết quả, 6 tháng đầu năm, tuy tình hình dịch bệnh phức tạp, song chỉ tiêu thành lập công đoàn cơ sở vẫn đạt 50,12%; kết nạp đoàn viên đạt 51,13% kế hoạch năm.

Hướng về công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động Thành phố đã xây dựng và phát hành Đề án thí điểm in ấn, phát hành trên 10.800 bản tin “Hướng dẫn hoạt động công đoàn cơ sở” tới các công đoàn cơ sở trên địa bàn Thành phố, bước đầu phát hành 1 quý/1 số. Qua 2 kỳ phát hành, ấn phẩm đã mang lại hiệu ứng tích cực, được công đoàn cơ sở, đặc biệt là công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đón nhận nhiệt tình.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai, thực hiện Đề án thí điểm về “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp” với cơ chế tài chính hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trong thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, với mức hỗ trợ 8,5 triệu đồng/1 bản Thỏa ước lao động tập thể loại A; 6 triệu đồng/1 bản Thỏa ước lao động tập thể loại B.

Công đoàn Thủ đô sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động
6 tháng đầu năm, với sự vào cuộc chủ động, sáng tạo và quyết liệt, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đạt những kết quả tích cực, hiệu quả.

Đến nay, qua đánh giá, Đề án triển khai đã có tác động tích cực, số lượng Thỏa ước lao động tập thể 6 tháng đầu năm ký mới là 331 bản, bằng cả năm 2020; chất lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể được nâng lên với bản xếp loại A, B tăng thêm 16%.

Đặc biệt, thực hiện chủ đề công tác năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố triển khai Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”, trong đó tập trung đối tượng là các Chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp có đông công nhân lao động, doanh nghiệp FDI.

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã thông qua 2 Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước” và “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” để thực hiện các nhiệm vụ của Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới; với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, thu tài chính công đoàn, thực hiện tốt hơn đại diện chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố và 7 Sở, ngành gồm: Liên đoàn Lao động Thành phố - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Sở Y tế - Bảo hiểm xã hội Thành phố - Cục Thuế - Công An - Thanh tra Thành phố, giai đoạn 2020-2025, qua đó tạo cơ chế trong công tác phối hợp từ Thành phố đến công đoàn cơ sở, doanh nghiệp.

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” tới các cấp Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết: Được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ, Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy tham mưu xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị”.

Hiện nay, Dự thảo Kế hoạch đang được xin ý kiến của các ban Đảng, các cơ quan liên quan. Dự kiến, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành, triển khai “Kế hoạch hành động Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị” vào ngày 28/7 - đúng Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; sau đó sẽ được triển khai quán triệt tới cấp ủy trên toàn Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết, theo Dự thảo Kế hoạch hành động, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ xây dựng Quy chế phối hợp, và phấn đấu thực hiện ký kết Quy chế phối hợp với 30/30 quận, huyện, thị ủy trong năm 2021, trong đó tập trung 3 nội dung chính: Phát triển tổ chức Công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và triển khai công tác cán bộ công đoàn.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này