Khát vọng vươn xa

09:00 | 16/07/2021
(LĐTĐ) Một buổi sáng, trong lớp học tại xã Đức Hợp (tỉnh Hưng Yên), cô giáo Trần Thị Thúy đứng trên bục giảng nghe các học trò của mình thuyết trình câu chuyện về Tiên Dung và Chử Đồng Tử bằng tiếng Anh cho giáo viên nước ngoài nghe. Đây chỉ là một trong hàng trăm buổi lên lớp "kỳ lạ" của cô Thúy ở vùng quê yên bình này.
Tấm lòng nhân ái của cô giáo Phạm Bích Hạnh Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non Cô hiệu trưởng hết lòng vì sự nghiệp giáo dục mầm non

Cô giáo Trần Thị Thúy sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phố Hiến xưa. Năm 1999, cô Thúy tình cờ được một người anh họ từ thành phố về quê chơi tặng một cuốn tạp chí song ngữ Sunflower. Khi ấy, cô Thúy 11 tuổi, chưa hề biết tiếng Anh là gì nhưng những thông tin, câu chuyện về các lĩnh vực giáo dục, khoa học, du lịch, bí kíp học tiếng Anh... trong cuốn tạp chí đã mở ra một thế giới mới cho cô, điều mà cô luôn tò mò khám phá.

Ước mơ học ngoại ngữ theo cô Thúy suốt những năm phổ thông và là lựa chọn của cô để học tiếp đại học. Nhờ sự cố gắng, cô Thúy đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội. Bước chân vào giảng đường đại học, cô nhận thấy mình "câm điếc tiếng Anh". Sau 4 năm học tập, miệt mài tiếp cận với những tri thức và phương pháp học tập mới, cô trở lại ngôi trường phổ thông của mình để dạy tiếng Anh cho học trò với nhận thức sâu sắc rằng trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, do đó không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa với việc không nắm được cơ hội để phát triển bản thân, phát triển xã hội và phát triển đất nước. Cô quyết tâm mang kiến thức học được trở về, sẵn sàng truyền lại kiến thức của mình cho các em ở Trường Trung học phổ thông Đức Hợp.

Khát vọng vươn xa
Cô giáo Trần Thị Thúy.

Chẳng theo khuôn mẫu, cô chọn cách cho các em học sinh nghe, nói thật nhiều. Nghĩ là một chuyện, nhưng khi áp dụng cô bị phụ huynh phê bình vì nói tiếng Anh quá nhiều khiến các em không hiểu. Cô chia sẻ: "Bởi học sinh ở quê rất ngại giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài thì các em với điều kiện học tập tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế".

Những lời phê bình của phụ huynh chẳng làm cô buồn lòng. Cô bảo: "Nếu chỉ vì những lời nói ấy mà tôi bỏ cuộc thì không đáng, tôi phải làm được nhiều hơn và nghĩ nhiều hơn nữa". Bỏ qua những điều ấy, cô vẫn ngày đêm mày mò phương pháp dạy để tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh. Rồi cô tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua Skype để học sinh giao tiếp với học trò và thầy cô các nước khác trên thế giới.

Mong muốn trao cho học sinh cách học của thời kỳ hội nhập công nghệ 4.0 và điều đó đã trở thành hiện thực khi cô hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Một điều đặc biệt khác là cô tình cờ biết đến nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam MIE (Microsoft Innovative Educator) trên Facebook khi tìm thông tin ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Trong vòng một tháng, cô đã hoàn thành các lộ trình học tập trên MEC (Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng). Cô Thúy tâm sự: "Tôi muốn các em có cơ hội học theo cách học của thế kỷ 21. Tôi luôn tin rằng giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ"

Giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ. Vậy là cô Thúy kết nối với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Canada… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype. Học sinh của cô được cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách cô trò nửa vòng trái đất. Trong những giờ học này, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Đó cũng là cách để các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn và cũng là cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang định hướng.

Ông Nguyễn Văn Phê (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: "Cô Thúy là một điển hình về tinh thần sáng tạo, đổi mới mà chúng tôi muốn nhân rộng tới nhiều thầy cô giáo khác trong toàn tỉnh. Từ câu chuyện cụ thể của cô Thúy, chúng tôi có thêm niềm tin về đội ngũ giáo viên. Họ sẽ đáp ứng tốt những yêu cầu đổi mới mà ngành Giáo dục đang đặt ra".

Khát vọng vươn xa
Cô giáo Trần Thị Thúy trở lại ngôi trường phổ thông mình học khi xưa để dạy tiếng Anh cho học trò. (Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát)

Tháng 3/2017, cô Thúy được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft 2017 tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft đến từ 83 quốc gia khắp thế giới. Cô được phân vào nhóm "Dạy học sử dụng trò chơi" cùng 4 chuyên gia giáo dục sáng tạo tới từ 4 quốc gia khác. Với ý tưởng đề xuất Microsoft cải tiến công cụ kể chuyện Sway có thêm chức năng để học sinh có thể viết truyện tranh, giúp học sinh hứng thú và sáng tạo hơn với việc học, nhóm của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.

Với lời mời làm việc của ngài Anthony Salcito - Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft, cô Thúy có thể sang đất nước Canada để làm việc nhưng cô đã từ chối với lý do: "Em ra đi là để trở về". Mong muốn trở về của cô Thúy một phần là để những đứa trẻ xung quanh mình có điều kiện học tập tốt hơn. Nếu ai cũng bỏ đi tới những nơi có điều kiện tốt hơn trong khi thế giới đang ở nền công nghiệp 4.0 thì những đứa trẻ ở nơi xa xôi sẽ luôn thiệt thòi. Giáo viên nên là người kết nối để thế giới gần hơn với những học trò của mình. Hơn tất cả, cô trở về với gia đình của mình, được ở bên cạnh những đứa con và ở đó có cả tình làng nghĩa xóm.

Em Trần Thu Hà (sinh viên năm hai Trường Đại học Thương mại, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Đức Hợp) chia sẻ: "Cô là phó chủ nhiệm nhưng đồng hành với lớp trong mọi hoạt động. Chính cô đã truyền cảm hứng, giúp chúng em hứng thú học tiếng Anh, tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Và cô hơn cả một giáo viên của chúng em. Thế hệ học sinh chúng em luôn biết ơn cô".

Chẳng vậy mà trong tấm thiệp chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được đăng tải trên trang mạng xã hội của cô Thúy, học sinh Trường Trung học phổ thông Đức Hợp viết: "More than a teacher, you're my inspirer. More than a teacher, you’re our friend". Và cho đến nay cô giáo Trần Thị Thúy đã làm bạn với biết bao thế hệ học sinh của ngôi Trường Trung học phổ thông Đức Hợp. Cô đã chắp cánh cho ước mơ của các em bay cao và xa hơn nữa trên những chặng đường đầy cam go của cuộc sống.

Nhiều năm qua, cô giáo Trần Thị Thúy đã tạo cảm hứng, khát vọng vươn lên cho bao thế hệ học trò. Chính sự lan tỏa ra cộng đồng ấy mà ngày 15/11/2016, cô Thúy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen tôn vinh những tấm gương xuất sắc trong phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tích cực tiếp cận với cách thức tổ chức dạy học tiên tiến, áp dụng phương pháp dạy học sáng tạo.

Trong bối cảnh nền Giáo dục toàn cầu bước vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam có thể tiến nhanh và tiến xa khi xác định chính xác mục tiêu và giải pháp phát triển. Hơn hết đổi mới và áp dụng công nghệ vào dạy học là giải pháp mang tính đột phá và cần được nhân rộng đến thế hệ trẻ trên khắp cả nước. Những thế hệ trẻ Việt Nam như cô Thúy hay nhiều hơn nữa vẫn mong muốn được cống hiến, mong muốn được lan tỏa nhiều hơn đến xã hội.

Phương Thoa - Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này