Đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch

14:38 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, chuyển đổi số về du lịch là cần thiết để phát triển ngành Du lịch thông minh trong tình hình mới.
Bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Phát huy sức mạnh phong trào thi đua yêu nước Dấu ấn ngoại giao văn hóa

Ngày 14/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 nhằm tổng kết những kết quả đã đạt được trong 6 tháng qua và đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm. Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, đợt sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, gây cản trở nhiều hoạt động du lịch trên cả nước. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các cấp Bộ, ngành văn hóa, du lịch, đã có các kết quả khả quan.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm, chú trọng. (Ảnh chụp tại thời điểm an toàn về dịch)

Hiện nay, cả nước có 2.193 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 807 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp liên doanh, 1.353 công ty trách nhiệm hữu hạn và 6 doanh nghiệp tư nhân.

Trong 6 tháng đầu năm, chuyển đổi số về du lịch phát triển nhanh với việc truyền thông về hình ảnh Du lịch Việt Nam trên nền tảng số. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác về triển khai các giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh cho du lịch Thanh Hóa, Hà Giang; xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.

Các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã chủ động triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia; triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Tính đến nay, đã có 10.048 cơ sở lưu trú trên 63 tỉnh, thành phố đã kết nối với hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia.

Cùng với đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm, chú trọng. Tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 và triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia. Triển khai thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp, tham gia với các tỉnh/thành phố trong việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát.

Trước tình hình dịch bệnh và kinh nghiệm từ kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã có các kế hoạch cụ thể trong giai đoạn cuối năm, đó là: Xây dựng Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”; sửa đổi Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; đề xuất các nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19;

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch
Cần xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện phục hồi, phát triển du lịch. (Ảnh chụp tại thời điểm an toàn về dịch)

Hoàn thiện Kế hoạch triển khai Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong đó cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh;

Triển khai dự án Chuyển đổi số trong ngành du lịch, thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu thông qua các kênh e-marketing và website vietnam.travel;

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường khách du lịch nội địa và các thông điệp để định hướng, kích cầu thị trường du lịch nội địa ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch.

Từ đầu năm đến nay, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng khách nội địa và doanh thu suy giảm mạnh đúng dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính cạn kiệt.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Phải xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện bằng được du lịch của chúng ta trong thời điểm khó. Vừa phải đối mặt với dịch bệnh, phải cơ cấu lại thị trường khách, chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa, từng bước xem xét thí điểm mở cửa du lịch quốc tế mà đã được Bộ Chính trị cho phép làm thí điểm. Số hóa trong du lịch phải được thực hiện nhanh nhất, quyết liệt nhất, không còn độ trễ cho sự chờ đợi".

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này