Công nhân lao động ngoại tỉnh: Âu lo mùa cưới

10:22 | 18/09/2014
LĐTĐ -Mùa cưới đã về với những náo nức của biết bao bạn trẻ, nhưng với những cặp uyên ương công nhân thì đi cùng với náo nức ấy là những lo toan, trăn trở.

Ảnh minh họa

Người cưới đau đầu

Trưa chủ nhật một ngày đầu tháng 9, bằng chiếc xe máy cà tàng, Tùng chở Loan đi lòng vòng khắp mấy con phố trong khu vực Lệ Mật, Việt Hưng, Sài Đồng chọn đồ cưới. Nắng nóng, bụi đường và bữa sáng nhịn đói khiến Loan mệt lả, tuy vậy cô cũng chẳng nản lòng, giục Tùng cố gắng tìm cho bằng được nơi có giá cả phù hợp nhất.  Trò chuyện với phóng viên, Loan cho biết: “Từ sáng đến giờ, chúng em đi gần chục cửa hàng cho thuê váy cưới  rồi mà chỗ nào cũng nói giá quá cao. Một chiếc váy cưới xê-rê trắng họ hét 1,2 triệu đồng; bộ áo vét của chú rể 400.000 đồng, hoa cưới 600.000 đồng. Thuê cho bố mẹ hai bên ở quê ra mỗi bên một bộ vest và áo dài hết hơn 800.000 đồng, trang điểm mặt 600.000 đồng. Mấy khoản ấy đã xấp xỉ 5 triệu đồng, bằng gần 2 tháng lương của em, ấy là chưa kể đến thiệp cưới, xe hoa, xe khách rồi đặt tiệc...

Tùng an ủi vợ: “Cưới là phải vui, sao mặt mũi cứ rầu héo thế. Kiểu gì rồi đâu cũng có đó”. An ủi vợ như vậy, nhưng trong lòng của Tùng cũng ngổn ngang những lo âu. Tùng  (quê Thanh Hóa) và Loan (quê Nghệ An) cùng làm công nhân trong khu công nghiệp Sài Đồng đã được 5 năm và yêu nhau hơn 3 năm. Gia đình nhiều lần giục giã chuyện cưới xin nhưng Tùng- Loan cứ khất lần, vì điều kiện công nhân xa nhà khó khăn quá. Năm nay, khi Loan đã 27 tuổi, Hùng cũng tới con số 30, không thể chần chừ hơn nữa, họ quyết định làm đám cưới. “Người ta tính chuyện trăm năm dạt dào hạnh phúc, mình thì cũng  mừng nhưng mà lo toát mồ hôi”- Tùng bộc bạch.

Bố mẹ hai bên đều nghèo, lại ở xa, không thể hỗ trợ, mọi việc từ nhỏ tới lớn xung quanh đám cưới, Tùng và Loan đều phải chủ động hết, trong khi đó lương công nhân lại hạn hẹp, chỉ ba cọc ba đồng. “Tiết kiệm chắt bóp lắm mới để ra được hơn 5 triệu đồng lo đám cưới, thế mà tính sơ sơ giản tiện nhất cũng phải đôi ba chục triệu. Bọn em lại phải vay mượn, cắm cả bằng lái xe để có tiền trang trải. Ngày cưới đã cận kề rồi mà mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu, chủ yếu là do không có tiền, vợ chồng em lo đến mất ăn mất ngủ”-  Loan nói.

Không phải chỉ có mối lo tài chính, Tùng- Loan và các cặp uyên ương công nhân còn có nhiều nỗi lo khác. Nguyễn Văn Nam - KCN Bắc Thăng Long tâm sự: “Em cưới vợ đã 3 năm rồi, nhưng thật lòng bây giờ nhìn thấy các bạn chuẩn bị cưới, em vẫn thấy sợ. Bởi ngoài những lo toan về tài chính, đám cưới của em còn gặp phải sự cố “vỡ trận” khiến vợ chồng được phen hú vía”. Nam kể, ngày đó, dù đã liệu cơm gắp mắm, chỉ đặt 8 bàn tiệc mời các bạn bè đồng nghiệp cùng khu trọ và công ty, nhưng đến giờ chót, khách khứa đến chỉ vừa được 4 bàn, cỗ thừa lại một nửa. Đồng nghĩa với đó, là khoản tiền mừng không đủ bù cho tiền đặt cỗ nên hai vợ chồng phải gánh thêm một khoản nợ tới giờ vẫn chưa trả xong.

Sau này, hai vợ chồng Nam mới biết nguyên nhân là do đám cưới của mình tổ chức vào ngày cuối tháng, thời điểm công nhân phải thanh toán tiền phòng, tiền điện, tiền nước cùng nhiều khoản chi tiêu, nên nhiều người không đi ăn cưới.  “Thế đấy, người ta cưới thì xem ngày đẹp, tuổi hợp; còn công nhân cưới thì phải xem ngày lĩnh lương, hoặc là ngày nghỉ, ngày không phải tăng ca. Theo em, công nhân nên chọn ngày cưới vào chủ nhật, đầu tháng là ngày được lĩnh lương, ai được mời cũng đỡ đắn đo.”- Nam chia sẻ.

Người được mời lo ngay ngáy

Đối  với đám cưới công nhân, không chỉ có cô dâu chú rể phải đau đầu tính toán, mà những  người được mời dự cưới cũng lo ngay ngáy. Luyến, công ty Canon, KCN Bắc Thăng Long tâm sự: “Nhiều khi nhận được thiệp cưới, miệng nói chúc mừng nhưng trong bụng thì lo. Nếu không đi thì không được vì có quý mình họ mới mời. Đi thì cũng khó vì không biết lấy đâu ra tiền. Lương thì thấp, đủ thứ tiền phải chi, tháng nào nhận được một, hai thiếp còn đỡ, tháng nào “son” dính 5,6 cái thì méo mặt”.  Cũng chính vì khó xử nên nhiều công nhân rất tính toán: Với những người bạn thân, họ buộc phải mượn tiền đi ăn cưới, còn với những người không thân lắm thay vì đến dự tiệc mất tiền mừng 200.000 đồng (mức tiền mừng cưới phổ biến hiện nay trong công nhân) thì họ chọn giải pháp gửi bạn bè mừng giúp với số tiền chỉ bằng... một nửa. Với những công nhân còn độc thân, nếu túng tiền quá có thể “lặn” luôn nhưng với những đôi vừa mới cưới thì phải đi trả nợ. Đức,  Công ty Denso – KCN Bắc Thăng Long, chia sẻ: “Họ mới vừa dự đám cưới mình thì không có lý do gì từ chối khi họ mời. Vì thế, sau đám cưới, vợ chồng tôi phải dành sẵn ít tiền để đi ăn cưới dần”.

Lo toan trĩu nặng, nhưng không phải không còn niềm vui, hạnh phúc trong đám cưới công nhân. Thực tế cũng đã có nhiều cặp uyên ương công nhân vẫn tổ chức được đám cưới giản dị mà không kém phần ấm cúng, hạnh phúc theo khả năng của mình. Như cặp vợ chồng Hiền- Hưng (KCN Vĩnh Tuy). Một người ở Quảng Bình, người lại ở vùng Tây Bắc, ngày cưới, vợ chồng Hiền không thể đủ khả năng mời người thân, họ hàng ở quê ra dự, cũng không thể đặt tiệc linh đình, dù chỉ ở một nhà hàng bình dân. Bởi vậy, vợ chồng Hiền đã mượn sân tập thể của khu trọ để mời.  Vậy là từ sáng tinh mơ ngày chủ nhật, công nhân cả dãy trọ đều đến phụ giúp nấu nướng. Ngày hạnh phúc diễn ra trong không khí giản dị nhưng thật ấm cúng.
Đám cưới là chuyện quan trọng cả đời người, do đó mỗi công nhân nên có sự chuẩn bị kỹ. Đừng để đám cưới trở thành gánh nặng cho cô dâu, chú rể lẫn khách mời.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này