Doanh nghiệp nhỏ “thờ ơ” gói hỗ trợ thuế, vì sao?

10:35 | 15/07/2021
(LĐTĐ) Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp tiền thuê đất, thuế thu doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 đã được Chính phủ ban hành từ ngày 19/4/2021 nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa nắm bắt được các chính sách này, nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ. Trong khi, chính những nhóm doanh nghiệp này bị ảnh hưởng rất lớn do hệ lụy của đại dịch Covid-19.
BIDV hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số Bổ sung kinh phí phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa

Muốn được hỗ trợ, nhưng chưa nắm bắt hết thông tin!

Làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội, một lần nữa đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn. Trước khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã đưa ra một số quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp trước tình hình bình thường mới, điển hình là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuế thu doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2021.

Doanh nghiệp nhỏ “thờ ơ” gói hỗ trợ thuế, vì sao?
Nhiều doanh nghiệp lo chi phí mặt bằng hơn lo nộp thuế. Ảnh: BT

Tuy nhiên, khi được hỏi về các chính sách giãn thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ông Đinh Văn Hải - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Anh Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do công ty hiện đã trả trụ sở, làm việc theo hình thức online vì không đủ tiền chi trả mặt bằng nên không biết đến các chính sách này. Sản phẩm của công ty liên quan đến dịch vụ giáo dục nên khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học nghỉ sớm hoặc chuyển sang hình thức học online, dịch vụ của công ty cung cấp chỉ đạt 30%, trong khi tiền thuê mặt bằng trước đây mỗi tháng phải chi trả 50 triệu đồng. Khi thu không đủ bù chi, công ty đã cắt giảm nhân sự và làm việc theo hình thức online toàn bộ.

Tuy nhiên ông Hải cũng cho rằng, dù có được giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng. “Nếu như có chính sách gia hạn tiền thuê đất, thì cũng nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiền thuê mặt bằng, văn phòng, điều này sẽ làm giảm áp lực để chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động”, ông Hải đề xuất.

Là một hộ kinh doanh cá thể chuyên sản xuất đồ gỗ nằm trên địa bàn huyện Thường Tín, ông Nguyễn Anh Xuân cho hay: “Tôi chỉ nghe mang máng có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể về thuế nhưng cũng chưa thực sự hiểu rõ mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không, hỗ trợ cái gì. Hiện nay chúng tôi gánh nặng nhất là tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, còn nhân công thì do dịch đã cho nghỉ một nửa vì lượng hàng bán ra chỉ còn 50%, trong khi tiền thuê mặt bằng thì phải trả theo năm, giờ doanh thu thấp, khó duy trì sản xuất”.

Một số doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp thời gian qua, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, đình trệ sản xuất và sụt giảm doanh số, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ cá thể đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động nên chính sách giãn, hoãn thuế ít được quan tâm. Các hộ kinh doanh mong muốn có chính sách miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT xuống mức thấp nhất có thể.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Ngày 21/5, Cục Thuế Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn người nộp thuế thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo từng nhóm đối tượng. Theo đó, Nghị định đã quy định bổ sung đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng, cũng nằm trong đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Thời hạn nộp thuế được gia hạn là 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng Ba đến tháng Sáu và quý 1, quý 2; gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng Bảy; gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng Tám.

Nghị định cũng quy định gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. (Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế). Ngoài ra, Nghị định quy định gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 và thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5.

Để được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP, người nộp thuế phải nộp đủ số tiền theo từng sắc thuế được gia hạn bao gồm cả các khoản nợ phát sinh trước khi được gia hạn và các khoản nợ được gia hạn theo Nghị định số 41 (theo đúng thứ tự thanh toán tiền thuế tại Điều 57 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019) trước ngày 30/7. Bên cạnh đó, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo quy định.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết, tính đến hết ngày 23/6/2021 cơ quan thuế đã nhận được 52.384 đơn đề nghị gia hạn, trong đó, có 47.514 doanh nghiệp, tổ chức nộp đơn xin gia hạn; có 3.547 đơn cá nhân xin gia hạn. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 33.032 tỷ đồng. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn đã nộp ngân sách là 9.834 tỷ đồng. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn còn phải nộp ngân sách là 23.197 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021 Bộ Tài chính đã chỉ đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tiếp cận và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu và ở Việt Nam, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó, các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách sẽ gặp nhiều thách thức.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bà Vũ Thị Mai yêu cầu ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thuộc thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó lưu ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền những quyền lợi của người dân, doanh nghiệp được hưởng trong các gói hỗ về thuế, phí để người dân nắm bắt và thực hiện quyền lợi của mình đúng quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế để đề xuất các giải pháp về các sắc thuế cụ thể, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này