Những vi phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19

Kỳ 4: Khai báo gian dối về dịch bệnh - Xử lý nghiêm để răn đe

09:14 | 17/07/2021
(LĐTĐ) Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lây lan dịch Covid-19 là do không tìm được nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Nhiều người dân chủ quan về dịch bệnh, không trung thực khi khai báo y tế, thậm chí có những cá nhân che giấu bệnh của chính mình và của người thân. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

Nhiều trường hợp bị xử lý

Dư luận hẳn chưa quên vụ việc, cặp vợ chồng giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội đã có những hành vi khai báo không trung thực về lịch trình đi lại của mình sau đó bị nhiễm Covid-19. Hậu quả, vị giám đốc này đã phải kiểm điểm nghiêm khắc tại đơn vị để làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố...

Tại quận Nam Từ Liêm, ngày 9/2/2021, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đã ra Quyết định số 405/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh nhân mắc Covid-19 số 2009, có địa chỉ tại chung cư Garden Hill, 99 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với cá nhân đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính che giấu không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh thuộc nhóm A, quận Nam Từ Liêm đã quyết định xử phạt bệnh nhân số 2009 với số tiền là 15 triệu đồng.

Đầu tháng 5/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố sau kỳ nghỉ lễ. Trong đó có yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế khi trở lại thành phố. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực. Về phía ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, công điện yêu cầu phải tăng cường công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền đến các cơ quan và người dân trên địa bàn bắt buộc cài đặt mã QR Code, phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng ứng dụng công nghệ thông tin/khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Gần đây nhất, ngày 6/7, Công an huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã khởi tố bà Võ Thị Thảo (46 tuổi, ngụ xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.

Trước đó, ngày 26/6, bà Thảo cùng chồng từ huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh - nơi đang xảy ra dịch bệnh, về nhà tại thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Thay vì khai báo trung thực, 2 người nói trên chỉ khai đi, về từ Gia Lai. Sau khi truy vết, cán bộ phát hiện sự việc nên 2 vợ chồng bà Thảo mới đến cơ quan y tế. Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm bà Thảo và cho kết quả dương tính với SARS-COV-2. Bà Thảo là bệnh nhân số 17951 được Bộ Y tế công bố ngày 2/7...

Trên đây chỉ là số ít những người bị xử lý vì khai báo không trung thực, cố tình che giấu thông tin cá nhân của mình có liên quan đến dịch Covid-19. Mặc dù, không có con số thống kê chi tiết, nhưng qua thực tế, chắc ai cũng có thể nhìn nhận thực tế nhiều người vẫn còn gian dối trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Khai báo y tế là nghĩa vụ của công dân

Có thể khẳng định, khai báo y tế là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng, đặc biệt, đối với những người từng tiếp xúc với người mắc Covid-19. Việc mạnh tay xử lý các trường hợp khai báo gian dối khiến nguy cơ lây lan dịch Covid-19 của các lực lượng chức năng thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Để tiếp tục ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả, mỗi người cần thực hiện nghĩa vụ công dân đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật, tránh vi phạm pháp luật về khai báo y tế…

Kỳ 4: Khai báo gian dối về dịch bệnh - Xử lý nghiêm để răn đe
Xét nghiệm Covid-19, khai báo y tế là trách nhiệm của công dân. (Ảnh minh họa)

Nói về tầm quan trọng của việc khai báo y tế, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, việc kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên, đồng thời nhắc nhở người dân khai báo y tế trung thực là rất cần thiết. Tại các cơ quan, đơn vị đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên nhắc nhở, bắt buộc người dân việc khai báo y tế và khai báo trung thực, để giúp ích cho công tác chống dịch.

“Quan trọng nhất là cơ quan chức năng cần phải nắm được thông tin tên tuổi, địa chỉ thực tế của người khai báo y tế, để có thể truy vết được khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Ví dụ, tên tuổi, số căn cước công dân, số hiệu chuyến bay... là không thể khai báo sai được. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ một ca bệnh Covid-19 dương tính thì buộc phải truy vết nhanh nhất, truy ngược lại từ khai báo y tế là rất quan trọng”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết.

Liên quan đến chế tài xử phạt hành vi khai báo y tế gian dối, theo luật sư Nguyễn Ngọc Linh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Đối với người có hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế quanh co, che giấu lịch trình di chuyển làm ảnh hưởng đến quá trình truy vết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo quy định ở khoản 7 Điều 3 Nghị định 117/2020. Nếu hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng có thể bị truy tố hình sự theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Được biết, trước đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.

“Những đối tượng cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh sẽ là nguy cơ rất lớn để lây nhiễm dịch Covid-19 với cộng đồng, đặc biệt là lây lan sang những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có sức khỏe không tốt… Hành vi che giấu dịch bệnh vô tình sẽ dẫn đến hậu quả chết người. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng cần tiếp tục kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe”, luật sư Nguyễn Ngọc Linh cho biết.

Thu Trang

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này