Những vi phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19

Kỳ 2: Cảnh giác với tin giả

11:30 | 14/07/2021
(LĐTĐ) Tin giả (fake news) là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Điều đáng nói, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 sẽ khiến nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị gặp nhiều khó khăn…
Những vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Xử lý nhiều vi phạm

Mới 6h30 sáng, tại sân chơi công cộng thuộc quận Đống Đa đã xôn xao thông tin Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch. Ngay lập tức, anh Vũ Khắc Long (ở phường Trung Tự, quận Đống Đa) đã nhanh nhảu cập nhật thông tin lên ngay trang Facebook cá nhân. Chỉ trong vài phút, thấy số người vào like và comment nhiều, chủ yếu xác thực thông tin, anh Long giật mình lo lắng và gỡ ngay bài.

Sau đó, dạo quanh mạng xã hội, đọc một số tờ báo chính thống trên internet, anh Long thở phào nhẹ nhõm khi mình đã kịp thời gỡ thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 mà không rõ nguồn gốc. Nếu không kịp thời gỡ bài, có lẽ anh Long đã bị cơ quan công an triệu tập và xử phạt hành chính về hành vi đăng thông tin sai sự thật...

Sự lây lan của tin giả, nhất là trên mạng xã hội là vấn nạn trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Những thông tin sai sự thật cũng giống như những “con vi rút” lan truyền chóng mặt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Không ít trường hợp vì nhiều lý do khác nhau đã đăng tải những thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 và đã bị xử lý. Điển hình, khi xuất hiện các ổ dịch mới tại các bệnh viện, ngày 4/5/2021, trên một kênh Fanpage có tên Hà Nội Phố đã chia sẻ lên trang Facebook cảnh phố phường Thủ đô với nội dung: “Hà Nội thông thoáng trong ngày đầu phong toả”. Thế nhưng, thông tin này là hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, đã nhanh chóng xác định được đối tượng thông tin sai sự thật và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử phạt theo quy định. Trường hợp của Fanpage Hà Nội phố chỉ là một trong rất nhiều những tài khoản đăng tin sai sự thật bị xử phạt.

Kỳ 2: Cảnh giác với tin giả
Ảnh minh họa.

Từ ngày 12 đến 14/5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đối tượng đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội facebook. Các cá nhân bị xử phạt gồm: Nguyễn Thị Xuân, địa chỉ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, chủ tài khoản facebook "Kho sỉ Hà Xuân"; Trần Thanh Bình, địa chỉ Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, chủ tài khoản facebook "Trần Thanh Bình"; Nguyễn Phụng Anh, địa chỉ phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội chủ tài khoản facebook "Nguyen Phung Anh"; Vũ Thị Xoan, địa chỉ Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội, chủ tài khoản facebook "Tich Chu (Xoan Vũ)"; Phùng Thị Hồng Vân, địa chỉ xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chủ tài khoản facebook "Phùng Thị Hồng Vân"; Nguyễn Tùng Lâm, địa chỉ phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chủ tài khoản facebook "Nguyễn Tùng Lâm".

Các cá nhân trên đã tự thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân thông qua việc sử dụng mạng xã hội facebook để đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Việc các cá nhân đăng tải thông tin trên đã vi phạm quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, được quy định xử phạt vi phạm hành chính tại điểm a Khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mỗi cá nhân vi phạm bị phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm...

Người dân cẩn trọng khi chia sẻ thông tin

Việc xuất hiện những thông tin giả về dịch Covid-19 là do các đối tượng có mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín để thể hiện mình biết nhiều thông tin "nóng". Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tới đây sẽ tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Trịnh Khánh Toàn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Tại Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật…

Luật đã có, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm những thông tin thất thiệt về dịch Covid-19, đảm bảo công tác phòng, chống dịch của Hà Nội. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thưc cảnh giác, cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19, tránh vi phạm pháp luật.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật.

Thu Trang

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này