Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân

17:54 | 10/07/2021
(LĐTĐ) Sáng 10/7, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Sự kiện do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức.
Viettel đã sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia Dự kiến sẽ có 8 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam trong tháng 7/2021 Hà Nội chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thần tốc

Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh, đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc xin hằng năm.

Cùng dự lễ phát động có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và Đại sứ quán một số nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân
Thủ tướng trao đổi với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về vấn đề vắc xin tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm Sở Chỉ huy Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng đặt tại khuôn viên trụ sở Bộ Quốc phòng. Thủ tướng cũng tham dự lễ trao hai triệu liều vắc xin Moderna của Hoa Kỳ tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Trong bối cảnh đó, vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Sự ra đời của Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay, Quỹ đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vắc xin phục vụ nhân dân.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân
Thủ tướng chỉ đạo và động viên với 63 tỉnh, thành, 7 quân khu qua hình thức kết nối trực tuyến tại đầu cầu Trung tâm chỉ huy chiến dịch. (Ảnh: VGP)

Trong thời gian qua, nguồn cung vắc xin khan hiếm và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả cho nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc xin. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong thực hiện ngoại giao vắc xin, nhất là việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều trong năm 2021. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng đang đạt được những bước tiến rất tích cực, tiềm năng. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc xin.

Mọi người đều bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin

Theo Thủ tướng, việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả.

“Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này vắc xin chưa có nhiều, hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, thể hiện tình đồng chí, đồng bào nồng nhiệt, ấm cúng, tình cảm tương thân tương ái của dân tộc ta. Đó là lý do tại sao những lô vắc xin tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vắc xin được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở phía Nam”, Thủ tướng bày tỏ. Ngay trong hôm nay, sẽ có 1,5 triệu liều vắc xin được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Mục tiêu của Chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Thủ tướng yêu cầu, khi đã có vắc xin, phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng.

Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vắc xin về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, để thực hiện Chiến lược vắc xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc xin hằng năm.

Huy động tổng lực các lực lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, các cấp, các ngành và Bộ Y tế, Việt Nam có được 105 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7/2021, hơn 9 triệu liều vắc xin được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Tất cả các vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp nhận ủng hộ của tổ chức quốc tế. (Ảnh: VGP)

Theo Bộ trưởng, nhận thức rõ tầm quan trọng của vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh, đại đa số người dân đều có chung mong muốn được tiêm chủng vắc xin. Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vắc xin cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tinh thần này cũng được thể hiện rất rõ trong việc người dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như sẵn sàng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian qua. Đây là yếu tố thuận lợi, đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành y tế và các Bộ, ngành liên quan, để triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông vận tải. Các cơ quan đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Theo đó, thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.

Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Tại buổi Lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế cùng các Bộ quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam”.

Hà Văn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này