Bảo tồn phải gắn liền với phát triển

09:04 | 25/12/2014
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2014-2019, UVBCT- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh:

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, bên cạnh vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội còn là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, lớn nhất cả nước; với trên 5.000 di tích, trong đó có 2.311 di tích đã xếp hạng, 9 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.184 di tích cấp quốc gia, 1.118 di tích cấp thành phố, và một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đồ sộ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, trong đó có 391 làng nghề truyền thống, chiếm hơn 40% số làng nghề cả nước. Với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ như vậy, Hà Nội có thế mạnh văn hóa để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội thường xuyên gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Giải quyết bài toán này, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng: Một trong những vấn đề quan trọng có tính thời sự hiện nay là việc xây dựng nhận thức đúng đắn để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bảo tồn và phát triển là mối quan hệ biện chứng, tự nhiên. Bảo tồn là sự gìn giữ những giá trị di sản quí báu của quá khứ; phát triển là để tạo ra những giá trị mới, là đối tượng của bảo tồn trong tương lai. Đó là mối quan hệ vừa có tính kế thừa, vừa chọn lọc, bổ sung và phát triển liên tục. Với tinh thần đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải tiếp tục được coi là sự nghiệp của toàn xã hội.

Bên cạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền thì vai trò của nhân dân là hết sức quan trọng. Nói đến bảo tồn, không chỉ là ý chí, nguyện vọng mà cần phải có nguồn lực vật chất. Không có nguồn lực vật chất sẽ không xây được bảo tàng để bảo quản, trưng bày hiện vật, không tôn tạo được di tích, cảnh quan, khó bảo tồn được những di sản vật thể cũng như phi vật thể, cũng khó có thể phát huy các giá trị di sản để trở thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của phát triển là vì con người và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng vì con người. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể tách rời xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mà phải cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau, để di sản được bảo tồn, phát huy, và kinh tế phát triển bền vững, cùng hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì vậy, những quan niệm, nhìn nhận cực đoan, phiến diện một chiều, chỉ coi trọng, đề cao một mặt nào cũng đều không đúng. 

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này