Để thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc không còn "đất sống"

Kỳ cuối: Phải là những người tiêu dùng thông thái đến bao giờ?

18:12 | 11/07/2021
(LĐTĐ) Thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường. Để thực phẩm bẩn không còn "đất sống", vai trò của các cơ quan chức năng mang tính quyết định.
Để thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc không còn "đất sống"

Nhiều khó khăn, tồn tại

Theo Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", từ ngày 15/4 đến 15/5/2021, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, các cơ quan chức năng Thành phố đã tập trung cao độ cho công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Toàn Thành phố thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra 10.477 cơ sở, trong đó có 8.541 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 81,5%.

Tổng số có 1.936 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 536 cơ sở với số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 54 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 214 cơ sở bị hủy sản phẩm với 79 loại sản phẩm bị hủy; 189 cơ sở bị đình chỉ, nhắc nhở 943 cơ sở tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm...

Các Sở, ngành liên quan của Thành phố cũng đã lấy 276 mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, trong đó có 264/276 mẫu (chiếm 96,6%) bảo đảm an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích, 12/276 mẫu (chiếm 4,3%) phát hiện chỉ tiêu gây mất an toàn thực phẩm; đồng thời xét nghiệm nhanh 21.266/22.907 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 92,8%.

Kỳ cuối: Cần xử lý nghiêm
Các lực lượng chức năng quận Đống Đa xử lý vi phạm tại chợ cóc, chợ tạm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch Covid-19

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại: Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm; việc tổ chức hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức không triển khai được do quy định hạn chế tụ tập đông người; công tác kiểm tra an toàn thực phẩm và các hoạt động khác về an toàn thực phẩm trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" cũng không triển khai được theo đúng tiến độ…

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng: Hải quan, công an, quản lý thị trường... đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục vào nội địa; nhập lậu hoặc tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.

Các địa phương trên địa bàn Thủ đô cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng các điểm giết mổ tập trung; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trong nội thành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Xử phạt chưa đủ răn đe

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Linh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Thực tiễn đã có những bản án nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm như vụ án ngâm hoa quả vào hóa chất, vụ án trộn pin, vụ án sản xuất sữa, vụ án sản xuất thực phẩm chức năng giả…

Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 115/2018 ngày 4/9/2018 quy định Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cùng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với mức phạt nhiều triệu đồng nhưng vụ việc đưa ra xử phạt, xét xử chưa nhiều nên chưa đủ sức răn đe.

Kỳ cuối: Cần xử lý nghiêm
Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

"Việc xem xét xử lý hình sự những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm còn rất nhiều khó khăn, hạn chế bởi những quy định pháp lý chưa được đồng bộ; ý thức của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được tác hại của thực phẩm bẩn.

Để xử lý được người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, theo quy định, các cơ quan chức năng phải chặn bắt, giám định chất lượng, định giá hàng hóa vi phạm… Trình tự xử lý kéo dài nhiều ngày, cần qua nhiều cơ quan chức năng. Chi phí giám định, định giá; lưu kho bãi… đôi khi lớn gấp nhiều lần giá trị hàng hóa thu giữ… Nếu không làm theo trình tự thì không thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm vì không đủ chứng cứ… đây là khó khăn cần có cơ chế khắc phục", luật sư Ngọc Linh cho biết.

Về vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng, theo luật sư Ngọc Linh, mặc dù đã có Hiệp hội người tiêu dùng, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên cơ quan này chưa phát huy hết chức năng nhiệm vụ của mình khi chưa có những động thái mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi phát hiện sự việc, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Các cơ quan chức năng có cố gắng đến đâu cũng không thể xử lý tận gốc, vấn đề chủ yếu vẫn là ý thức của người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Người sản xuất hiểu biết pháp luật, không vì lợi nhuận mà sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; người tiêu dùng không vì "tham rẻ" mua những sản phẩm này…

Có nhiều ý kiến cho rằng, để thực phẩm bẩn không còn "đất sống", không còn cách nào khác, người dân phải là những người tiêu dùng thông thái. Nhưng đây là cách đặt vấn đề không đúng. Người tiêu dùng (là phần cầu) của thị trường, họ chỉ biết đi chợ, đi siêu thị mua đồ, mua hàng và quyền của họ là mua được thực phẩm sạch. Thực phẩm sạch, đồ sạch (phần cung) là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và nhà quản lý. Ví dụ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy chuẩn về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong nông phẩm thế nào là hợp lý (an toàn). Dựa trên tiêu chí này, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường... cứ thế đi kiểm tra. Kể cả hệ thống siêu thị lẫn chợ dân sinh, nếu phát hiện ra có sự vi phạm sẽ truy ra phạt thật nặng từ nhà sản xuất, đến khâu lưu thông.

Và hơn nữa, muốn thực phẩm bẩn không còn "đất sống" và để "chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn như vậy" - như một lời biểu cảm của một vị đại biểu Quốc hội khóa XIII, điều quan trọng đã đến lúc chúng ta phải tiến hành sửa các luật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng nặng hơn. Tùy mức độ vi phạm phải quy định các khung hình phạt tử hình, chung thân đến phạt nặng bằng tiền. Có như thế "hành vi" xem thường mạng sống của người dân mới được chấm dứt, thực phẩm bẩn thực sự không còn "đất sống".

Trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã có rất nhiều quy định cụ thể, chi tiết, tương đối chặt chẽ, đầy đủ để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như Luật An toàn thực phẩm năm 2010 được thay thế bởi Luật An toàn thực phẩm năm 2020; Nghị định 115/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; Bộ luật Hình sự 1999 trước đây không có quy định xử lý khi chưa có hậu quả chết người (2 người trở lên) hiện nay đã được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự 2015 - sửa đổi năm 2017 quy định rất nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm như Điều 137 - Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, Điều 193 - Tội sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm có mức hình phạt cao đến 20 năm, thậm chí là chung thân nếu sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Khoản 4 Điều 193).

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này