Chuyện về người thợ từ "hai bàn tay trắng" trở thành "đôi tay vàng"

22:32 | 09/07/2021
(LĐTĐ) Đến với nghề từ hai bàn tay trắng, nhưng sự "khổ luyện" đã giúp anh Lê Văn Tính (sinh năm 1968) trở thành một trong những "bàn tay vàng" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt Kim Đông Xuân. Bởi không chỉ có trình độ tay nghề cao mà anh Tính còn luôn hướng dẫn, kèm cặp nhiều thợ trẻ, giúp họ trưởng thành, đảm đương tốt công việc được giao.
Chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể luôn đồng hành vì mục tiêu phát triển Tấm lòng nhân ái của cô giáo Phạm Bích Hạnh Người kỹ sư có sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng

Luôn tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định

Gặp anh Lê Văn Tính trong buổi trưa hè oi ả. Vừa uống trà vừa nghe anh chia sẻ về nghề dệt nhuộm - ngành công nghiệp có dây chuyền công nghệ phức tạp, áp dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

undefined
Anh Lê Văn Tính là một trong những "bàn tay vàng" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt Kim Đông Xuân. (Ảnh: NVCC)

Vừa đặt chén trà xuống, anh Tính vừa nói: "Quá trình nhuộm vải dệt kim được thực hiện trong các máy nhuộm cao áp, tùy từng loại vải mà thời gian nhuộm khác nhau, thường kéo dài từ 4 - 18 giờ. Nhiệt độ trong xưởng luôn ở mức cao, có khi lên tới 50 độ C. Nhưng người thợ phải luôn tập trung cao độ, giám sát chặt chẽ quy trình vận hành của máy móc, thường xuyên xử lý, tiếp xúc với hóa chất nhuộm, bởi chỉ cần lơ là, sản phẩm có thể không ra màu vải như mong muốn".

Anh Tính cho hay, để cho sản phẩm vải có độ bền, lên màu đẹp, phù hợp với yêu cầu khách hàng không phải điều đơn giản. Người thợ phải tuân thủ theo các quy trình rất nghiêm ngặt.

Trước khi nhuộm, các loại sản phẩm dệt mộc còn chứa nhiều tạp chất, hồ, dầu mỡ… Vì vậy tất cả các sản phẩm dệt mộc đều khô cứng khó thấm các dung dịch hóa chất khác cho nên rất khó nhuộm màu, mặc khác lại chưa có độ trắng cần thiết cho nên người ta cần xử lý vải trước khi nhuộm. Mục đích của công nghệ tiền xử lý là làm sạch các tạp chất để tăng khả năng nhuộm màu, đảm bảo sản phẩm nhuộm đều màu sâu màu và màu được tươi.

Quá trình nhuộm vải là quá trình kỹ thuật được hình thành bởi các yếu tố: Vật liệu nhuộm, thuốc nhuộm sử dụng nhiệt độ, các chất phụ trợ, áp suất, dung tỷ nhuộm, thiết bị và phương pháp tiến hành nhuộm. Mỗi loại vật liệu, sản phẩm sẽ có một quy trình và công thức nhuộm riêng tối ưu cho loại vật liệu, sản phẩm đó. Đây là công đoạn quan trọng nhất, nó quyết định màu sắc của sản phẩm và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo anh Tính, ngành dệt nhuộm là ngành công nghiệp có dây chuyền công nghệ phức tạp, áp dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau. Trong quá trình sản xuất cũng sử dụng các nguồn nguyên liệu, hóa chất khác nhau và cũng sản xuất ra nhiều mặt hàng có mẫu mã, màu sắc, chủng loại khác nhau. Vì vậy, yêu cầu người thợ có tay nghề, trách nhiệm cao khi làm việc.

"Trong quá trình dệt nhuộm phải sử dụng nhiều hóa chất phụ gia và thuốc nhuộm, nên để đảm bảo sức khỏe, tôi luôn tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định bảo hộ lao động, nâng cao cảnh giác, vì sức khỏe, tính mạng của bản thân và hạnh phúc của gia đình. Công tác bảo hộ lao động tốt thì chất lượng sản xuất kinh doanh được bảo đảm", anh Tính nói.

Tích cực "truyền nghề" cho công nhân trẻ

Kể lại hành trình đến với nghề, anh Tính cho hay, sau khi học hết cấp 2, cũng như bao thanh niên cùng thời, anh tình nguyện đi thanh niên xung phong.

Nhờ tích cực rèn luyện, năm 1990 khi trở về, anh Tính đã được Thành Đoàn Hà Nội trực tiếp giới thiệu vào làm việc tại Xí nghiệp xử lý hoàn tất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dệt Kim Đông Xuân. Từ đó đến nay, hơn 30 năm, anh gắn bó với công việc tẩy, nhuộm vải.

undefined
Anh Lê Văn Tính luôn tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định bảo hộ lao động. (Ảnh: NVCC)

"Đó là một sự tình cờ nhưng may mắn, tôi được vào làm việc cho công ty lớn. Với một người trẻ, còn non nghề, thiếu kinh nghiệm, thì việc được trao cho cơ hội làm việc, học hỏi trong môi trường đầy thử thách là một sự trải nghiệm quý báu. Có những giai đoạn khó khăn, nhưng yêu nghề nên tôi kiên định bám trụ và luôn xác định gắn bó lâu dài với công ty", anh Tính tâm sự.

Bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, nhưng sự "khổ luyện" với tinh thần ham học hỏi, kiên trì, sáng tạo, đến nay, anh Tính đã là một trong những người thợ có trình độ tay nghề cao, đạt bậc 6/6 và được coi như "bàn tay vàng" của công ty. Bởi dù chỉ là công nhân tẩy nhuộm vải, nhưng anh Tính am hiểu kỹ thuật này như kỹ sư hoá học thực thụ.

Chính vì có chuyên môn cao, hàng năm anh Tính đều nhận nhiệm vụ kèm cặp tay nghề cho nhiều sinh viên thực tập, nhiều công nhân trẻ mới vào nghề. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của anh đã có nhiều thợ trẻ trưởng thành, đảm đương tốt công việc được giao.

Đồng nghiệp trong xưởng đều rất quý mến anh Tính bởi anh là người gần gũi, không chỉ sẵn sàng chia sẻ trong công việc mà cả cuộc sống thường ngày. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp xử lý hoàn tất cho biết, anh Tính không chỉ là công nhân giỏi tay nghề, có trách nhiệm với công việc, ham tìm tòi sáng tạo, còn tích cực vận động giúp đỡ anh em trong tổ nâng cao trình độ tay nghề.

"Có thể nhiều công nhân khi sản xuất muốn nhanh, ẩu nhưng anh Tính luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Những loại vải khó, khách hàng đòi hỏi cao mà đốt cháy giai đoạn, không chỉ hỏng vải mà còn nguy hiểm cho người thợ. Nhưng với anh Tính, loại vải gì cũng đều làm được. Chỉ cần có thông tin trong phiếu sản xuất, yêu cầu cấp hóa chất như thế nào, chuẩn bị vải ra làm sao, anh đều hoàn thành đúng thời gian, mức độ", bà Huyền nói.

Trong hơn 30 năm gắn bó với công việc của mình, anh Lê Văn Tính luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, năm 2017, anh Tính được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tuyên dương là "Công nhân giỏi Thủ đô". Nhưng với người thợ tài hoa này, phần thưởng cao quý là làm ra những sản phẩm vải bền, đẹp đưa đến tay người tiêu dùng.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này