Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cải thiện đời sống người dân

12:00 | 18/12/2014
Cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, số lao động nông thôn dôi dư, thiếu việc làm nhiều. Chính bởi vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã được các cấp, ngành thành phố đặc biệt quan tâm. Xoay quanh nội dung này, bà Nguyễn Thanh Nhàn- Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố đã có cuộc trao đổi với PV Lao động Thủ đô.

PV: Công tác đào tạo nghề cho LĐNT là một chủ trương lớn của nhà nước. Xin bà cho biết, Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể nào để triển khai thực hiện chủ trương này?  

- Bà  Nguyễn Thanh Nhàn: Đào tạo nghề cho LĐNT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có vai trò rất lớn trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói  riêng. Việc đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Nhận thức điều này, các cấp, ngành của thành phố đã tích cực chỉ đạo và triển khai hiệu quả chương trình này. Được giao là cơ quan thường trực thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho LĐNT, Sở LĐ- TB&XH đã kịp thời tham mưu cho UBND thành phố; thành lập ban chỉ đạo thành phố, xây dựng kế hoạch triển khai dạy nghề cho LĐNT giai đoạn 2011 -2015 (KH số 150/KH – UBND ngày 26/12/2011). Hàng năm Sở tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch dạy nghề cho LĐNT và kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn thành phố.

Ở cấp huyện, thị, ngoài việc thành lập ban chỉ đạo ở cấp mình, các địa phương đã phổ biến Quyết định số 1956/QĐ-TTg tới cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quyết định 1956/QĐ-TTg bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như phát thanh trên hệ thống thông tin truyền thanh của địa phương, tổ chức hội nghị chuyên đề về dạy nghề cho LĐNT góp phần tác động tích cực đến nhận thức của người dân; triển khai khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Trên cơ sở kết quả khảo sát, các địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT sát với thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể nói, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã được triển khai với những giải pháp đồng bộ, tích cực.

PV: Thưa bà, với những giải pháp đồng bộ, tích cực ấy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các đơn vị, trong 5 năm qua (2010-2014)  đã tổ chức 3.246 lớp cho 110.128 người học nghề, trong đó: nghề nông nghiệp 47.233 người, nghề phi nông nghiệp 62.895 người, với các nghề: Trồng và chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi thú y, trồng rau an toàn, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, trồng lúa chất lượng cao (nhóm nghề nông nghiệp); may công nghiệp, nghề kỹ thuật chế biến món ăn; nghề điện dân dụng, nghề thủ công mỹ nghệ như: Mây tre đan, khảm trai, sơn mài (nhóm nghề phi nông nghiệp). Sau đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho 88.102 người (đạt 80%). Có thể nói, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng LĐNT, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

-PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế?  

Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Đúng vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã về công tác đào tạo nghề cho LĐ NT còn hạn chế. Không ít người lao động ngại học, còn băn khoăn về thời gian, về các khoản chi hàng ngày...và bị các công việc khác có thu nhập chi phối. Ngoài ra, còn một số khó khăn như chi phí đào tạo còn thấp; đội ngũ cán bộ của các phòng LĐ-TB&XH còn thiếu và chưa có kinh nghiệm trong dạy nghề. Đặc biệt, theo quy định của Đề án 1956/QĐ-TTg thì đối tượng học nghề là những người trong độ tuổi lao động (nữ tới 55, nam tới 60) tuy nhiên trên thực tế có những người quá độ tuổi lao động, nhưng vẫn là lao động chủ lực của nhiều gia đình và do đặc thù của một số nghề số lượng và độ tuổi cao như nghề chăm sóc cây cảnh; nghề mây tre giang đan, theo quy định lại không được tham gia học nghề.

-PV: Với cương vị người quản lý ở cơ quan thường trực, theo bà, trong thời gian tới chúng ta cần  có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT?

Bà   Nguyễn Thanh Nhàn:  Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục tăng cường hoạt động của BCĐ thực hiện Quyết định số 1956 QĐ – TTg, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT;  đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho LĐNT về học nghề và việc làm; rà soát nhu cầu học nghề của NLĐ từng địa phương, lựa chọn và phát triển nghề học và đào tạo phù hợp với cơ cấu ngành nghề và mục tiêu phát triển kinh tế của xã hội của địa phương đề ra, gắn đào tạo nghề với chỉ tiêu và phù hợp các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kiên quyết thực hiện phương châm chỉ dạy nghề cho LĐNT khi gắn với lao động – việc làm sau đào tạo. Đẩy mạnh tập trung nhân rộng mô hình điểm, nghề mũi nhọn; tiếp tục triển khai dạy nghề có địa chỉ, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; nhân rộng mô hình dạy nghề có hiệu quả.Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề từ cấp xã trở lên...

 Xin trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Diệp (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này