Học thật, nghiên cứu thật và năng lực thật!

10:30 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mục đích là để tăng cường quy định bảo đảm liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao phục vụ cho quá trình phát triển đất nước.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ khoa học, khách quan, công bằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không phải cứ đào tạo ồ ạt, rồi tiến sĩ tự đi tìm việc Sẽ đào tạo khoảng 9.000 tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Học thật, nghiên cứu thật và năng lực thật!
Ảnh minh họa.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực.

Do vậy, có một số quy định trong Quy chế không còn phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Giáo dục Đại học. Bên cạnh đó, sau 4 năm thực hiện, qua kiểm tra, giám sát, căn cứ vào báo cáo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ cho thấy một số quy định trong Quy chế cần được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tế triển khai, nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Vì vậy, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng và ban hành Quy chế này là kế thừa những quy định tích cực và khả thi gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại các cơ sở trong thời gian qua. Đồng thời khắc phục một số hạn chế trong thực tiễn triển khai. Đặc biệt, tăng cường quy định bảo đảm liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật và nhấn mạnh vào vai trò tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục Đại học.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, ngoài các quy định khác, Quy chế bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ (sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL…).

Không những thế, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3-4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thành các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến một năm theo tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định…

Với tư cách là Bộ quản lý nhà nước và hoạch định chính sách về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc cho ra đời Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ là một bước tiến lớn để siết chặt công tác đào tạo tiến sĩ vốn được xem là “khá dễ” trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, vấn đề mà người dân quan tâm là đã đến lúc chúng ta phải ra được bộ tiêu chí về vấn đề bằng cấp nói chung, văn bằng tiến sĩ nói riêng. Cụ thể, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ về việc lĩnh vực, ngành nào thì cần văn bằng tiến sĩ?

Hiểu theo góc độ khoa học, học vị tiến sĩ, văn bằng tiến sĩ là một công trình khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng (mang tính chất học thuật và ứng dụng vào thực tiễn), chứ không phải “tiêu chí” để xem xét vị trí công tác.

Chính vì thế, học vị tiến sĩ chỉ nên áp dụng các cơ quan nghiên cứu (viện, học viện, hệ thống trường đại học, hệ thống bệnh viện…). Còn các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính không nên áp dụng tiêu chí học vị tiến sĩ. Vì một khi còn áp dụng nội hàm “học vị” vào công tác tổ chức, vị trí trong các cơ quan hành chính... thì cũng sẽ nảy sinh những bất cập trong công tác đào tạo.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này