Tấm lòng nhân ái của cô giáo Phạm Bích Hạnh

07:14 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Với tâm niệm "lá rách ít đùm lá rách nhiều", những năm qua, cô giáo Phạm Bích Hạnh không chỉ làm tốt vai trò "người mẹ hiền thứ hai" của các cháu nhỏ Trường Mầm non Bình Yên B (huyện Thạch Thất, Hà Nội), mà còn là điểm sáng trong phong trào tương thân tương ái, hỗ trợ tiền và quà trị giá hàng trăm triệu đồng đến những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Người kỹ sư có sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng Đông Anh bảo đảm cho thí sinh thi trong điều kiện an toàn nhất Xây dựng kỹ lưỡng các kịch bản ứng phó dịch Covid-19

Vừa giỏi việc trường...

Tâm sự về nghề của mình, cô giáo Phạm Bích Hạnh cho biết, khoảng hơn 20 năm trước, khi mới bước chân vào nghề, dù gặp rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, cũng đôi lần cảm thấy chán nản, muốn chuyển sang nghề khác. Bởi công việc của người giáo viên mầm non rất vất vả mà lại ít có sự chia sẻ cảm thông. Nhưng sự hồn nhiên, vô tư của đám trẻ đã níu giữ trái tim cô ở lại với nghề.

"Thời gian thấm thoát trôi qua, thoáng cái đã hơn 20 năm, không lúc nào mình hết tình yêu với trẻ thơ. Coi các cháu như con đẻ, mọi lúc, mọi nơi mình đều cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con phát triển tốt để mai này trở thành người có ích cho xã hội. Những dịp 20/11, các học trò cũ đang làm ăn ở nơi xa, trở về chào cô mà lòng thấy hạnh phúc vô cùng", cô giáo Hạnh chia sẻ.

undefined
Cô giáo Phạm Bích Hạnh có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19: NVCC)

Là người chị cả trong trường, cô giáo Hạnh luôn nêu tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo. Cô luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy mới, tổ chức những trò chơi bổ ích dành cho các cháu nhỏ. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, nhất là những đồng nghiệp trẻ, mới bước chân vào nghề.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Bình Yên B cho biết: "Với năng lực chuyên môn vững vàng, nhiều năm làm tổ trưởng chuyên môn, chị Hạnh luôn kề vai sát cánh cùng đội ngũ giáo viên trong trường trên "mặt trận trồng người". Ai khó khăn ở đâu, vướng chỗ nào, khi tâm sự với chị đều nhận được những lời khuyên bổ ích. Ngoài ra, chị cũng rất quan tâm đến đời sống, hoàn cảnh của anh, chị, em đồng nghiệp. Chị luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không nề hà bất kể chuyện gì".

Đánh giá cao chuyên môn của cô giáo Phạm Bích Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Bình Yên B cho hay, trong nhiều năm liền cô giáo Hạnh đều có đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, được áp dụng phổ biến rộng rãi trên toàn huyện, luôn tạo niềm tin yêu từ các bậc phụ huynh, đồng nghiệp.

… vừa đảm việc nhà

Ở nhà, cô giáo Phạm Bích Hạnh là một người con hiếu thảo, một người vợ hiền thủy chung, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Chồng cô giáo Hạnh là sĩ quan trong quân đội thường xuyên phải công tác xa nhà, việc chăm lo gia đình và nuôi dạy các con gần như một tay cô gánh vác.

"Mình có 2 cháu gái, một cháu đang học Đại học, một cháu đang học Trung học phổ thông, các cháu đều lớn cả nên công việc nhà bây giờ cũng không còn vất vả như ngày xưa. Nhưng do nhiệm vụ nên chồng mình có rất ít thời gian ở nhà. Người ta bảo, làm phụ nữ thì chỉ lo việc bếp núc, thêu thùa, khâu vá, còn mình thì có khi phải đi sửa điện, sửa nước…", chị Hạnh cười.

Không chỉ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" mà cô giáo Hạnh - với tấm lòng tương thân tương ái, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh. Những năm qua cô đã hỗ trợ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình gồm tiền và quà với giá trị hàng trăm triệu đồng. Khi được hỏi, chị lấy đâu ra số tiền lớn như thế, cô giáo Hạnh tâm sự: "Toàn bộ số tiền và quà mình ủng hộ đều là của cá nhân. Những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống rất vất vả. Dựa vào số tiền lương của chồng và bản thân, ngoài khoản lo cho gia đình, các con ăn học, mình cố gắng tích lũy và mua một vài thửa đất. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, giá đất tăng lên, nên điều kiện gia đình mình cũng khá lên chút. Bởi vậy, với tâm niệm "lá rách ít đùm lá rách nhiều", mình luôn cố gắng hỗ trợ giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, nhất là các cháu nhỏ".

undefined
Cô giáo Phạm Bích Hạnh tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn xã Bình Yên (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19: Hải Yến)

Cô giáo Phạm Bích Hạnh cho biết, từ năm 2012 đến nay, chị đã tặng quà và tiền với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cháu nhỏ... trên địa bàn huyện Thạch Thất.

"Dịp Tết năm 2013, gia đình mình vào xã Thọ Xuân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để tặng 200 suất quà Tết trị giá 30 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, gia đình mình lại "hành quân" vào xã Cam Lộc, huyện Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để thăm và tặng quà tết cho 80 hộ nghèo ở đây. Trong chuyến đi này, gia đình mình đã đến xã Vạn Ninh, tỉnh Quảng Bình để tặng 60 triệu đồng cho 5 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong chương trình "Lục lạc vàng"... Thống kê trong năm 2017, gia đình mình đã tặng tổng cộng gần 1.000 suất quà với tổng giá trị gần 200 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và học sinh nghèo vượt khó", cô giáo Hạnh kể lại.

Với những công lao đóng góp và thành tích đã đạt được, cô giáo Phạm Bích Hạnh là điểm sáng trong phong trào tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa của Trường Mầm non Bình Yên B.

"Trong 10 năm liên tục cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi, "Lao động tiên tiến cấp huyện" và danh hiệu "Giỏi việc trường đảm việc nhà, cô giáo người mẹ hiền"... Đối với đồng nghiệp, cô giáo Hạnh vừa là tấm gương sách để noi theo, vừa là chỗ dựa tinh thần để mọi người chia sẻ chuyện buồn, vui", cô giáo Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Yên B khẳng định.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này