Cảnh báo “ma trận” mỹ phẩm giả

09:09 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Nhắm vào tâm lý của người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trên thị trường hiện nay ở Hà Nội, nhiều mặt hàng bị làm giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, trong đó có thực phẩm và mỹ phẩm. Trước thực trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Thu giữ hàng nghìn chai nước hoa, mỹ phẩm được pha chế, đựng trong các xô, chậu Hà Nội: Triệt phá đường dây sản xuất gần 1 tấn mỹ phẩm giả

Nhiều vụ việc được phát hiện

Ngày 2/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với nhóm đối tượng sản xuất hàng giả là thực phẩm và mỹ phẩm. 4 đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Bá Tuấn (sinh năm 1999; trú tại: Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), Trần Đức Quân (sinh năm 2002; trú tại: Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Thêm (sinh năm 1999; trú tại: Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) và Trịnh Xuân Quỳnh (sinh năm: 1999; trú tại: Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Cảnh báo “ma trận” mỹ phẩm giả
Cơ quan Công an thu giữ trên 20.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Theo tài liệu điều tra, ngày 21/6, tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Tổ công tác của Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Công an huyện Đông Anh phối hợp với Công an xã Đông Hội phát hiện Nguyễn Bá Tuấn, Trần Đức Quân, Nguyễn Thị Thêm đang đóng gói một số loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo bao gồm: Kem chống nắng - Trang điểm mang nhãn hiệu NIEL, lăn khử mùi cơ thể mang nhãn hiệu Sción, sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Đào Thi, thuốc giảm cân nhãn hiệu BASCHI, sản phẩm Cần tây mật ong, dung dịch vệ sinh Ric Skin... Qua kiểm đếm có trên 20.000 sản phẩm hàng hóa các loại. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong tang vật để xác minh, làm rõ.

Kết quả giám định sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Đào Thi cơ quan Công an thu được là giả. Quá trình điều tra, Công an huyện Đông Anh đã làm rõ các đối tượng có hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm đồng thời thu giữ các loại máy móc dùng để sản xuất hàng giả mang nhãn hiệu Đào Thi.

Trước đó, ngày 16/6, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Thanh Oai ập vào cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, phát hiện nhiều công nhân đang tiến hành sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài. Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang sản xuất mỹ phẩm đóng chai, hàng ngàn chai nhựa, nhãn mác, tem chống hàng giả, nắp chai và thùng bao bì có in tên của nhiều sản phẩm như: CHANEL Coco Mademoiselle, Pink Lady, serum Balance Vitamin C… phủ kín căn nhà 3 tầng.

Đại diện cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến số lượng lớn sản phẩm này, cũng như giấy tờ sản xuất, bao bì, chai lọ, các nhãn mác của các thương hiệu nói trên. Sau khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã niêm phong và thu giữ các thùng hàng, các nguyên liệu sản xuất, chai lọ, bao bì, nhãn mác với số lượng lớn để phục vụ công tác mở rộng điều tra. Ước tính giá trị hàng hoá tại cơ sở lên tới hàng tỷ đồng.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ, các hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại cũng giảm dần. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, số vụ vi phạm tăng lên, phương thức vi phạm cũng tinh vi hơn rất nhiều. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả của các doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại nước ngoài, thông qua các đường vận chuyển đưa vào tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng đến không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của Nhà nước.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng theo luật, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100-140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Trong đó, mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì là hàng hóa có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

Theo luật sư Phạm Hải Long - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng theo luật, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100-140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Trong đó, mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì là hàng hóa có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

Những vụ việc bị cơ quan chức năng thành phố Hà Nội phát hiện nêu trên là không đánh giá được hết diễn biến phức tạp của tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái nói chung, thực phẩm, mỹ phẩm giả nói riêng trên địa bàn Thủ đô. Vẫn còn nhiều đối tượng coi thường pháp luật, sức khỏe cũng như tính mạng người tiêu dùng. Bởi đây là mặt hàng siêu lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã bất chấp chạy theo lợi nhuận sản xuất, nhập lậu, tiêu thụ tiếp tay cho hàng giả, hàng không có nguồn gốc, coi thường sức khoẻ của người tiêu dùng. Đặc biệt thời điểm công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng qua mạng xã hội, các đối tượng lại càng có “đất” để thực hiện hành vi lừa đảo. Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội cần sự tỉnh táo của người tiêu dùng, tránh để “tiền mất, tật mang”.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này