Quản trị doanh nghiệp linh hoạt do đại dịch

09:10 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Đứng trước khó khăn thách thức do dịch Covid-19, những người làm chủ doanh nghiệp bắt buộc phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Nâng cao hiệu suất làm việc bằng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS Đột phá từ ứng dụng công nghệ và quản trị doanh nghiệp

Những tác động “chưa từng có tiền lệ”

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021 có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Quản trị doanh nghiệp linh hoạt do đại dịch
Trước dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu tổ chức, chuyển đổi hình thức kinh doanh cho phù hợp.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 67.100 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tại cuộc tọa đàm kinh tế “Quản trị doanh nghiệp xuyên khủng hoảng” diễn ra mới đây, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đại dịch Covid-19 diễn ra năm 2020 với những tác động khủng khiếp, khiến chúng ta suy nghĩ nó giống như cuộc đại suy thoái năm 1930. Việt Nam cũng không ngoại lệ nằm trong cuộc khủng hoảng này với những con số về doanh nghiệp đóng cửa, số lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Tuy nhiên, đằng sau con số ấy, Việt Nam được nhiều chuyên gia, nhiều nước trên thế giới ca ngợi là điểm sáng bởi có những tăng trưởng dương, mặc dù mức tăng trưởng dương này thấp. Tăng trưởng dương và các dự báo tăng trưởng năm 2021 nói lên Việt Nam có bước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, sự phục hồi đó thể hiện qua đầu tư, qua xuất khẩu, qua thị trường… Theo những khảo sát đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào đà phục hồi trong năm 2021 sẽ tốt hơn, có mức tăng trưởng cao hơn ở một số ngành nghề, trong đó các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là sự thể hiện rõ nét nhất.

Nhưng cũng như năm 2020, bên cạnh bức tranh lạc quan thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, làn sóng dịch khiến cho nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro.

Chia sẻ về những khó khăn trong đại dịch, bà Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Phòng chính sách sản phẩm bán buôn Vietcombank cho biết, sau rất nhiều năm, Vietcombank đã có mức tăng trưởng âm trong năm 2020, tuy rằng đó cũng là trách nhiệm mà Vietcombank hưởng ứng những chính sách của Ngân hàng nhà nước, của Chính phủ để chia sẻ với các khách hàng của mình giữa đại dịch Covid-19 (tổng mức lợi nhuận mà Vietcombank đã chia sẻ rơi vào khoảng 3.700 tỷ đồng sau 5 đợt giảm lãi suất). Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn trong quá trình duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Chia sẻ về hai sự ảnh hưởng lớn của đại dịch đối với Tổng Công ty May 10, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10 cũng cho biết, là một doanh nghiệp có tới 12 nghìn cán bộ, công nhân viên, dịch bệnh ảnh hưởng đến sự an toàn cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trực tiếp. Ảnh hưởng lớn thứ hai liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi toàn bộ tiền vốn nằm hết trong nguyên phụ liệu, hàng hóa bị dừng sản xuất đột ngột, sản xuất xong không nhận được tiền từ khách hàng do khách hàng không được mở cửa hàng bán sản phẩm… Đó là sự ảnh hưởng chưa có tiền lệ trong suốt 75 năm hình thành và phát triển của May 10.

Vượt khủng hoảng bằng khả năng linh hoạt và thích ứng cao

Chia sẻ về cách làm của doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng Covid-19, đại diện May 10 cho biết, không như những doanh nghiệp khác có thể chuyển đổi hình thức làm việc sang online, May 10 chủ yếu làm việc theo hình thức trực tiếp sản xuất ra sản phẩm với số lượng công nhân lớn, chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho người lao động ngay lập tức phải được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, lần đầu tiên doanh nghiệp này thực hiện “kiểm hàng online” đối với các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài bằng hình thức quay video chi tiết sản phẩm để đối tác nước ngoài xác nhận chất lượng đơn hàng trước khi giao hàng. Doanh nghiệp cũng nhanh chóng chuyển đổi từ sản phẩm may mặc truyền thống sang may khẩu trang, quần áo bảo hộ… để duy trì việc làm cho người lao động, đồng thời chuyển đổi lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp với sản phẩm mới, tình hình mới.

“Chúng tôi có khái niệm, lãnh đạo như người làm vườn, làm sẵn để người nông dân chỉ việc trồng trọt thôi! Đúng hơn là lãnh đạo phải làm mẫu, làm gương, đầu tiên là lãnh đạo có dám đương đầu không? Muốn đương đầu thì phải thể hiện vai trò của lãnh đạo trong thời điểm quyết định. Một quyết định của người lãnh đạo ảnh hưởng đến rất nhiều người lao động và nhiều mảng kinh doanh. Ví dụ như ở quý 1 năm 2020, chưa bao giờ những người lãnh đạo như chúng tôi lại có những lúc không biết “tìm lối ra” ở đâu trong suốt một tháng khi đại dịch ập đến. Đặc biệt vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, giống như con tàu đang vận hành bị dừng đột ngột, không tìm được giải pháp tiếp theo.

Chúng tôi đã trăn trở tìm lối ra đối với khách hàng, đối với người lao động của mình. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chuyển sang những sản phẩm chưa bao giờ sản xuất như khẩu trang, đồ bảo hộ... để duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó chúng tôi xây dựng rất nhanh bộ tiêu chí đánh giá rủi ro bởi mọi quyết định lúc đó là phải “ngay và luôn”. Tôi cho rằng người Việt Nam có khả năng linh hoạt và thích ứng cao, đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết, doanh nghiệp này đã đưa ra các giải pháp internet banking mới nhất, giúp khách hàng thay đổi công nghệ truyền thống, thay đổi cách quản trị của mình, số hóa cách thức quản trị, sẵn sàng chuyển đổi linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.“Khó khăn nhất đối với lãnh đạo doanh nghiệp là sự sẵn sàng thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã quen với nếp cũ, ví dụ như việc sử dụng chứng từ giấy chẳng hạn, cứ phải nhìn thấy giấy mới yên tâm. Nhưng bây giờ chúng ta phải thay đổi theo hình thức mới, đặc biệt là việc cập nhật công nghệ số”, bà Vũ Thị Hồng Nhung nêu quan điểm.

Theo ông Võ Trí Thành, khi có quá nhiều thách thức, vai trò của người lãnh đạo, sự định hướng của lãnh đạo trong thời điểm dịch bệnh quyết định sự thành bại, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.“Tôi đã quan sát và làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp ở các hình thái ngành nghề khác nhau, thấy một điều rất rõ, đối với doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, trụ được, sống sót được, chưa nói đến là bước tiếp được, thì cái đầu tiên, chính là người lãnh đạo phải vượt qua được “nỗi sợ hãi”. Khó khăn đến quá lớn, quá dồn dập, quá bất ngờ, nếu không trụ vững, không dám đối mặt, không dám vượt qua sợ hãi thì cả doanh nghiệp sẽ bị cuốn theo chiều tiêu cực”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo ông Thành, qua điều tra trên diện rộng, doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh và có sáng tạo để vượt qua khó khăn đại dịch, đó là chuyển hướng kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm; tận dụng các kết nối mở, các hiệp định thương mại tự do để tìm các kết nối mới nhưng vẫn duy trì được quan hệ với các đối tác truyền thống; cắt giảm chi phí; các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, chia sẻ đơn hàng, cho phép nhau trả nợ chậm… để cùng nhau vượt qua đại dịch./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này