Cách nào để “cứu” thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc?

10:43 | 09/12/2014
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiềm năng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng người lao động (NLĐ) hết thời hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại cư trú trái phép đang khiến cho thị trường này có nguy cơ đóng cửa. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quyết liệt song để “cứu” được thị trường này rất cần sự tự giác của NLĐ.

Biết bị phạt vẫn tìm cách ở lại

Sau hơn 4 năm làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn vào tháng 8/2013, anh Kiều Cao Thuấn, xã Đông Chúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự: “Vẫn biết ở lại sẽ có thu nhập cao, giải quyết được những khó khăn kinh tế của gia đình, song ở lại làm việc bất hợp pháp, phải trốn chui trốn lủi, gặp rất nhiều rủi ro trong công việc và cuộc sống. Hơn nữa, tôi cũng ý thức việc ở lại bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng đến cơ hội công việc của những LĐ khác nên đã quyết định về nước đúng thời hạn”. Nhờ nhận thức và hành động đúng đắn, tháng 4/2014 vừa qua, anh Thuấn lại có cơ hội tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc có suy nghĩ như anh Thuấn không phải là nhiều. Nhiều người dù biết không về nước đúng thời hạn là sai phạm và sẽ bị phạt, song vì nhiều lý do khác nhau, nhất là động cơ kinh tế, họ vẫn cố tình ở lại. Anh Thuấn cho biết: “Từ đầu năm 2013, LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc đã biết thông tin về việc sẽ bị xử phạt nếu bỏ trốn. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ về nước, sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm nên cố ở lại làm việc. Nơi tôi làm việc có 3 người hết hạn hợp đồng thì 2 người đã trốn ra ngoài làm việc và ở lại Hàn Quốc, chỉ mình tôi về nước theo đúng hạn”.  

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân khiến LĐ Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do động cơ kinh tế. Hầu  hết LĐ xuất khẩu là người nghèo ở nông thôn, để có chi phí ra  nước ngoài làm việc, họ phải chạy vạy, vay mượn hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, việc mau chóng hoàn trả vốn, có tiền gửi về gia đình và tích lũy một khoản tiền để làm ăn khi về nước trở thành gánh nặng, áp lực, khiến một số LĐ Việt Nam bất chấp luật pháp cố bám trụ tại nước bạn làm việc. Ngoài ra, do thu nhập của NLĐ Việt Nam ở Hàn Quốc - dù chỉ là LĐ phổ thông rất cao, thấp nhất là 1.000USD/tháng, có người hơn 2.000USD/tháng, nên nhiều NLĐ đã sẵn sàng phá hợp đồng, ở lại làm việc bất hợp pháp. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) hiện có 75.000 LĐ Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc; khoảng 22.000 LĐ Việt Nam (chiếm 34%) đã hết hạn hợp đồng và cư trú bất hợp pháp.

Giải pháp nào cho thị trường tiềm năng?

Việt Nam bắt đầu đưa LĐ sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) từ tháng 8/2004, đến năm 2010 có hơn 71.000 LĐ Việt Nam đã làm việc tại nước này. Tình trạng NLĐ Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp bắt đầu phát sinh từ cuối năm 2010. Vì vậy, năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam khiến nhiều hồ sơ của kỳ thi tiếng Hàn từ cuối năm 2011 được gửi lên mạng nhưng chưa được chủ sử dụng LĐ lựa chọn, chỉ những LĐVN trở về nước đúng hạn mới được ưu tiên tái tuyển dụng.

Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp như tăng cường các biện pháp quản lý  LĐVN làm việc tại Hàn Quốc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, phối hợp chặt chẽ với phía Hàn Quốc để quản lý và xử lý nghiêm những LĐ vi phạm và cuối năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa LĐVN sang làm việc với điều kiện số LĐ cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30% (thời hạn từ ngày 31-12-2013 đến 31-12-2014). Đây là giải pháp mở tạo điều kiện cho thị trường XKLĐ Hàn Quốc của Việt Nam tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện theo bản ghi nhớ là không dễ dàng. Theo thống kê, 11 tỉnh trong cả nước có LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu tháng 12/2013 tỷ lệ cư trú bất hợp pháp là 40% thì tháng 2/2014 tăng lên 40-42%. Từ tháng 4 đến 6/2014 xấp xỉ 39-40% và đến nay là 34% sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Riêng Hà Nội có 28 quận, huyện có LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong năm 2014 vẫn còn 100 LĐ đã hết hạn hợp đồng không chịu trở về nước và dự kiến trong năm 2015 có 667 LĐ hết hạn hợp đồng phải trở về.  Gần đây, Chính phủ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn như quy định về ký quỹ khi đi XKLĐ; ban hành Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ. Theo đó, NLĐ làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, LĐ còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị phía Hàn Quốc thay đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc; cụ thể đề nghị giữ một phần tiền lương của NLĐ và chỉ thực hiện hoàn trả sau khi NLĐ về nước đúng hạn; tăng cường truy quét, xử phạt LĐ bất hợp pháp và có biện pháp xử phạt đối với chủ sử dụng LĐ này.

Chỉ còn ít ngày nữa, biên bản ghi nhớ đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc về việc đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc sẽ hết thời hạn. Liệu số LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có giảm xuống thấp hơn 30% để “cứu” được một thị trường lao động đầy tiềm năng hay không vẫn chỉ là hy vọng. Để điều này thành hiện thực, ngoài những hành động cương quyết của chính phủ và các cơ quan chức năng, thiết nghĩ rất cần ý thức tự giác của NLĐ và thân nhân họ.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này