Người kỹ sư có sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng

21:42 | 06/07/2021
(LĐTĐ) Mỗi ngày làm việc, kỹ sư Nguyễn Thế Quy (sinh năm 1970), Trưởng Phòng Bảo trì Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Somerset Hòa Bình đều tự hỏi bản thân làm thế nào để đạt được hiệu suất cao nhất? Đó là bí quyết giúp anh có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc và đề xuất những giải pháp hữu ích, giúp tiết kiệm cho công ty hàng tỷ đồng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Tạo đồng thuận để tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng Xây dựng kỹ lưỡng các kịch bản ứng phó dịch Covid-19 Hà Nội: Bổ sung phương án đón thí sinh trong điều kiện thời tiết xấu

Nhờ những sáng kiến, sáng tạo trong từng việc cụ thể, những năm qua, kỹ sư Nguyễn Thế Quy cùng các anh em kỹ sư Phòng Bảo trì đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Somerset Hòa Bình. Bản thân anh và Phòng Bảo trì luôn được Ban lãnh đạo công ty đánh giá cao và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng. Tiêu biểu như: Giải 3 tập thể cho sáng kiến "Tòa nhà quản lý năng lượng sáng tạo, độc đáo" năm 2013; giải 3 sáng kiến tiết kiệm năng lượng cho một tòa nhà 22 tầng với tổng diện tích sàn 23.800m2…

Đáng chú ý, năm 2015, với sáng kiến "Chuyển đổi mô hình cung cấp nước nóng cho tòa nhà", kỹ sư Nguyễn Thế Quy đã được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao chứng nhận "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" năm 2016.

undefined
Kỹ sư Nguyễn Thế Quy giới thiệu về hệ thống bơm nhiệt cung cấp nước nóng cho tòa nhà cao tầng. (Ảnh: NVCC)

Gặp anh Nguyễn Thế Quy vào một buổi chiều trong tuần mới thấy hết sự bận rộn trong công việc cũng như tinh thần coi trọng từng giây, từng phút của vị Trưởng phòng này. Với giọng nói mộc mạc của một người sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô Hà Nội, anh Quy cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh theo tiếng gọi của tuổi trẻ lên đường nhập ngũ. Những ngày tháng khoác trên mình chiếc áo xanh của người lính, với kỷ luật nghiêm minh, tác phong chuẩn chỉnh đã rèn cho anh những bài học đầu tiên về kỷ luật, giờ giấc nghiêm túc, sự nhẫn nại, kiên trì trong hành động.

Sau hai năm hết nghĩa vụ, anh Quy trở về quê nhà tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một người thợ kỹ thuật giỏi. "Thời ấy nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ tôi có 8 người con chỉ lo bữa cơm hàng ngày thôi cũng chật vật lắm rồi. Khi đó tôi quyết tâm phải học để thoát nghèo, lại được sự động viên của bố cũng là một công nhân kỹ thuật lành nghề, tôi quyết tâm vừa đi làm thêm, vừa tranh thủ tự ôn thi đại học", anh Quy kể lại.

Với những nỗ lực vượt khó không ngừng và tinh thần quyết tâm của người lính trẻ vừa rời quân ngũ, anh Quy đã thi đỗ vào khoa Nhiệt, Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1992. Đến năm 1997, sau khi tốt nghiệp đại học anh về đầu quân cho Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Somerset Hòa Bình. "Chính môi trường làm việc năng động, tôn trọng người lao động ở đây là cơ sở cho tôi cùng nhiều đồng nghiệp khác được thỏa sức sáng tạo, đưa ra được nhiều giải pháp hữu ích mỗi năm", kỹ sư Nguyễn Thế Quy chia sẻ.

Khi được hỏi bí quyết để có thể liên tục đưa ra nhiều ý tưởng hay trong công việc, anh Quy khiêm tốn đáp lời: Với tôi, kiên nhẫn, sáng tạo là hai phẩm chất hàng đầu trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Chỉ khi coi sáng tạo là công việc thường xuyên thì bản thân mới có trách nhiệm hơn với công việc. Chính vì vậy, mỗi ngày làm việc tôi đều tự hỏi bản thân làm thế nào để đạt được hiệu suất cao nhất? Khi đó, trong đầu luôn suy nghĩ về những ý tưởng mới, thú vị và cách để thực hiện trong thời gian sắp tới.

Một trong những sáng kiến được đánh giá cao về tính thiết thực của kỹ sư Nguyễn Thế Quy là giải pháp chuyển đổi hệ thống nồi hơi sang hệ thống bơm nhiệt cung cấp nước nóng cho tòa nhà cao tầng. Anh Quy cho biết, hệ thống nồi hơi có ưu điểm là thời gian đun nóng nước nhanh, khả năng cung cấp nước nóng với lưu lượng lớn tới 15m3 nước/giờ. Tuy nhiên, chi phí vận hành và bảo dưỡng lớn, nguy cơ cháy nổ cao, đòi hỏi người có chuyên môn về lò hơi vận hành thường trực. Thêm vào đó lượng phát thải CO2 vào môi trường lớn gây ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính.

"Tháng 7/2012, trong khi làm việc tôi đã phát hiện ra hệ thống nồi hơi có rất nhiều trục trặc, bộ phận bảo vệ quá nhiệt khói thải xảy ra sự cố gián đoạn nồi hơi. Sau thời gian mày mò tự tìm hiểu, tham khảo tài liệu trên internet, tháng 5/2015 tôi trình bày ý tưởng hệ thống bơm nhiệt (tên gọi tiếng Anh là Heat pump) với lãnh đạo công ty. Đến tháng 7/2016, giải pháp được phê duyệt, sau 18 tháng đi vào hoạt động, hệ thống bơm nhiệt đã hoàn vốn ban đầu, hiện đang tiếp tục sinh lợi kinh tế", anh Quy phấn khởi nói.

Phân tích sâu hơn về nguyên lý hoạt động hệ thống bơm nhiệt, kỹ sư Nguyễn Thế Quy cho hay: Dựa trên chu trình Carnot - động cơ Carnot "thuận - nghịch", lấy nhiệt từ không khí chuyển nhiệt qua chu trình kín của bơm nhiệt vào nước cần đun nóng. Nhờ hiệu xuất chuyển đổi nhiệt (COP) từ 399% lên 635% tiết kiệm 60 - 80% điện đầu vào so với dùng điện trở thông thường hoặc dùng dầu Diesel. Điều này đã tiết kiệm được 60% nhiên liệu đầu vào của dầu Diesel, nhân công và công tác bảo trì bảo dưỡng. Trước kia, chi phí vận hành của nồi hơi đốt dầu tốn gần 1.2 tỷ đồng/năm thì nay hệ thống bơm nhiệt giúp giảm chi phí xuống còn 394 triệu đồng/năm, tiết kiệm được hơn 975 triệu đồng, ngoài ra còn tránh được rủi ro cháy nổ, giảm phát thải CO2 ra môi trường.

Về những khó khăn trong quá trình lắp đặt hệ thống bơm nhiệt, anh Quy cho rằng yêu cầu phải có bể chứa 24m3 nước đặt ở vị trí cao nhất đã khiến anh mất nhiều thời gian thiết kế do không nằm trong kết cấu ban đầu của tòa nhà. Cuối cùng anh Quy quyết định, giảm dung lượng bể chứa nước hiện tại từ 80m3 xuống 56m3, nhường đất cho hệ thống mới và chọn khu vực cạnh thang máy, nơi có khả năng chịu được tải trọng cao nhất để xây dựng.

Đáng chú ý, giải pháp này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn giảm công sức lao động và số lượng người đứng trực khi vận hành hệ thống. Nhờ tính khả thi cao, lợi ích kinh tế thấy rõ nên hiện nay nhiều khách sạn, bệnh viện hoặc các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội đã áp dụng rộng rãi giải pháp của kỹ sư Nguyễn Thế Quy.

Không chỉ là người giỏi chuyên môn và trách nhiệm với công việc, anh Nguyễn Thế Quy còn rất tích cực tham gia các hoạt động công đoàn và phong trào thi đua do Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Somerset Hòa Bình phát động. Theo nhận xét của anh Nguyễn Huy Quang, Chủ tịch Công đoàn công ty, tưởng chừng những người làm chuyên môn kỹ thuật là khô khan, nhưng với anh Quy, lại luôn rất nhiệt tình trong các hoạt động, hòa đồng với đồng nghiệp. "Trong vai trò là Trưởng bộ phận bảo trì, anh Quy có nhiều sáng kiến, ý tưởng trong công việc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Quy cũng là một đoàn viên năng nổ, nhiệt huyết với các hoạt động phong trào, là hạt nhân tạo cảm hứng cho đồng nghiệp cả trong công việc và cuộc sống", anh Quang bày tỏ.

Hoàng My

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này