Hướng lập nghiệp mới cho các bạn trẻ

10:21 | 06/07/2021
(LĐTĐ) Sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, thông thường, hầu hết các em học sinh đều tiếp tục học lên Phổ thông trung học để thi vào Đại học, Cao đẳng, song vẫn có một bộ phận các em học sinh vì nhiều lý do khác nhau không tiếp tục theo con đường học hành mà tham gia thị trường lao động khi chưa có kỹ năng nghề nghiệp trong tay. Trước thực tế này, chương trình đào tạo nghề hệ 9+, chương trình đào tạo cho cả Trung cấp hoặc Cao đẳng liên thông từ Trung cấp cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đang được triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ mang tới cơ hội cho rất nhiều học sinh có thể học tập và đào tạo nghề từ rất sớm.
Hợp tác đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp Cơ hội tiếp cận thực tiễn, làm giàu thêm hành trang vào đời cho sinh viên Chương trình 9+: Hướng đi mới lập nghiệp 4.0

Nhu cầu tăng, cơ hội rộng mở

Mặc dù kết quả thi vào Trung học phổ thông của con trai không tốt nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hương (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) không buồn bã hay thất vọng. “Lực học của cháu bình thường mà việc thi vào lớp 10 công lập bây giờ rất khó khăn. Nếu cháu học cấp 3 dân lập thì gia đình tôi lại không đủ chi phí.

Chính vì thế, chúng tôi đã xác định từ đầu là tốt nghiệp Trung học cơ sở xong nếu không đỗ cấp 3 công lập thì sẽ đi học nghề. Tôi đã biết về chương trình vừa học nghề, vừa học phổ thông trung học (chương trình học nghề hệ 9+) ở một số trường nghề nên rất yên tâm. Giờ chỉ là lựa chọn trường và ngành nghề phù hợp” - chị Hương cho biết.

Hướng lập nghiệp mới cho các bạn trẻ
Ảnh minh họa: Học sinh hệ 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19)

Cũng giống như chị Hương, gia đình anh Nguyễn Văn Khanh (huyện Hoài Đức) cũng có định hướng sẽ cho con học nghề ngay sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở. “Gia đình làm ruộng, kinh tế khó khăn không phù hợp để đeo đuổi mấy năm học cấp 3 rồi học Đại học, nhưng chúng tôi vẫn muốn con được học hành, có nghề nghiệp ổn định, chính vì thế chúng tôi đã tìm hiểu và biết đến chương trình đào tạo nghề hệ 9+ ở một số trường nghề vừa rút ngắn thời gian học tập, thành nghề, vừa giảm chi phí chúng tôi sẽ tìm hiểu và cho con theo học” - anh Khanh nói.

Đúng như tìm hiểu của các phụ huynh, hiện nay, việc thu hút học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học văn hóa Trung học phổ thông song song với học nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (hệ 9+) mang lại lợi ích cho nhiều phía, nên được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo.

Đây cũng là một con đường lập nghiệp cho giới trẻ. Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc học nghề hệ 9+ giúp người học được rút ngắn thời gian, giảm chi phí học tập, tiếp cận với thị trường lao động sớm… Do đó, con đường này ngày càng được nhiều thí sinh, gia đình lựa chọn và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang triển khai rộng rãi với chỉ tiêu tuyển sinh tăng cao, tạo cơ hội rộng mở cho thí sinh.

Ông Nguyễn Yên Thắng - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm 2021, nhà trường dự kiến tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ 9+, bằng 25% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Các em có cơ hội đăng ký vào nhiều ngành, nghề thị trường lao động đang cần như: Cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện- Điện tử Công nghệ thông tin, Chăm sóc sắc đẹp...

Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 270 chỉ tiêu hệ 9+ cho các nghề: Công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, cơ khí, kinh tế, điện tử - điện lạnh, tăng 15% so với năm trước. Đến thời điểm đầu tháng 7, nhà trường đã nhận được 170 hồ sơ đăng ký tuyển sinh. Theo kế hoạch, tân học sinh hệ 9+ của nhà trường sẽ nhập học vào cuối tháng 7. Bước vào năm học, học sinh hệ 9+ sẽ học 7 môn văn hóa theo quy định.

Còn chương trình trung cấp nghề 2 năm được nhà trường phân bố đều cho 2,5 năm (nửa năm còn lại được dành để ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Chương trình học tập linh hoạt giúp học sinh vừa hoàn thành tốt chương trình văn hóa, vừa thực hành rèn luyện kỹ năng nghề. Còn tại Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, dịp này, trung bình mỗi ngày nhà trường tiếp nhận 40-50 bộ hồ sơ đăng ký học hệ 9+.

“Chúng tôi đã nhận được hơn 300 hồ sơ ứng tuyển hệ 9+. Với kết quả này, tôi tin nhà trường sẽ tuyển đủ hơn 700 chỉ tiêu hệ 9+ vào cuối tháng 7/2021” - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng thông tin. Ngoài những cơ sở nêu trên, năm 2021, đa số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo hệ 9+.

Học bằng nỗ lực và đam mê

Nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học nghề nói chung, người học nghề hệ 9+ nói riêng, các nhà trường chủ động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo sát nhu cầu của thị trường lao động. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội… đang liên kết đào tạo với nhiều doanh nghiệp.

Năm 2021, Hà Nội có hơn 110.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở. Trong đó, hơn 17.000 học sinh (tương ứng với 16%) học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được phân luồng vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.

Đây là nguồn đầu vào chất lượng, ổn định cho hệ đào tạo 9+, nên được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tập trung, ưu tiên tuyển sinh.

Cùng với đó, thông qua các hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội hỗ trợ hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố kết nối với gần 600 doanh nghiệp để tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động trẻ, đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng nghề cho lực lượng lao động đã tham gia vào thị trường việc làm.

Lợi ích của việc học nghề hệ 9+ đã được khẳng định trên thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, tâm lý mong muốn con học trung học phổ thông, sau đó mới học tiếp lên cao đẳng, đại học vẫn còn phổ biến đối với các phụ huynh. Hầu hết các bậc phụ huynh đều có suy nghĩ, khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các cháu mới 15 tuổi.

Ở độ tuổi này, các cháu chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Những nghề hiện tại các cháu thích, có thể một vài năm nữa sẽ không thích, dẫn đến lãng phí. Ở góc độ tổ chức đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng, tâm lý lo lắng của phụ huynh là dễ hiểu. Thế nhưng, phụ huynh có thể yên tâm, vì các nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo hệ 9+ phù hợp với độ tuổi của các em.

Để tránh tình trạng chọn nhầm nghề, phụ huynh nên đồng hành với con, cùng con tìm hiểu kỹ về khả năng, nguyện vọng của con cũng như chất lượng đào tạo của các nhà trường, bảo đảm thí sinh chọn đúng ngành, nghề, đúng nhà trường, còn nhà trường có được những học sinh đam mê học nghề.

Dưới góc độ người học và đạt những thành công bước đầu, em Nguyễn Đắc Huynh, hiện là học sinh hệ 9+, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nhắn nhủ, điều quan trọng nhất với người học nghề hệ 9+ đó là phải học bằng sự nỗ lực và đam mê nghề nghiệp. Khi có đam mê, người trẻ sẽ có đủ động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện.

Với cá nhân Đắc Huynh, tinh thần cố gắng không ngừng đã giúp em giành giải Nhất kỳ thi Kỹ năng nghề thành phố Hà Nội và Huy chương đồng tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nghề lắp cáp mạng thông tin khi mới 16 tuổi.

Tương tự, việc học nghề hệ 9+ đã giúp Nguyễn Phạm Minh Đức, lớp Trung cấp Điện 12, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội tìm được việc làm đúng nghề điện công nghiệp được đào tạo ngay khi tốt nghiệp vào tháng 5 vừa qua…Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ hơn, dù học nghề theo hình thức nào, nếu người học nghiêm túc học tập, có kỹ năng nghề, thì cơ hội việc làm luôn rộng mở./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này