Càng chung cư cao cấp, càng phải an toàn cháy nổ!

10:22 | 06/07/2021
(LĐTĐ) Chiều 4/7, hàng trăm cư dân tại tòa R2B khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã phải di chuyển khỏi căn hộ của mình sau khi hệ thống báo cháy phát tín hiệu cảnh báo. Vụ cháy nhỏ không gây thiệt hại về mặt tài sản, mức nguy hiểm cũng chưa cao do đã được xử lý kịp thời nhưng để lại nhiều bài học về công tác phòng, chống cháy nổ tại khu chung cư cao tầng.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy Thủ đô: Sẵn sàng đảm bảo cho ngày bầu cử an toàn An toàn cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng: Đề cao ý thức của mỗi người dân

Nhiều bất cập về phòng cháy, chữa cháy tại chung cư

Theo Ban Quản lý khu đô thị Royal City, vụ cháy ngày 4/7 xuất phát từ tủ đựng công tơ điện tại tầng 23, tòa nhà R2B. Sau khoảng 5 phút kể từ khi khói bốc lên, lực lượng tại chỗ đã xử lý sự cố. Nếu chỉ điểm qua như vậy, có lẽ mọi việc đều diễn ra hết sức suôn sẻ, song trên thực tế đám cháy tuy nhỏ nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá cho cả đơn vị quản lý và cộng đồng cư dân.

Một số cư dân cho biết, thời điểm đám cháy xảy ra, còi báo động cháy của tòa nhà vang lên, nhiều cư dân nhầm tưởng tòa nhà đang diễn tập phòng cháy, chữa cháy nên vẫn chủ quan. Chỉ đến khi mùi khét và khói bắt theo hốc thang máy lan sang các tầng khác mọi người mới “tá hỏa” gọi nhau và tìm hiểu các thông tin liên quan qua các trang mạng xã hội của tòa nhà và tổng đài chung cư. “Lúc đấy, nghe tiếng còi báo cháy rồi tiếng kêu la của hàng xóm nhưng không ai nghe thấy tiếng loa cảnh báo cả. Trong khi đó, tại các tình huống diễn tập, Ban quản lý đều phát loa thông báo cho người dân được biết để phòng tránh” - một cư dân cho hay.

Càng chung cư cao cấp, càng phải an toàn cháy nổ!
Kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại chung cư

Mặc dù đám cháy đã được dập tắt ngay sau đó nhưng vụ hỏa hoạn đã cho thấy một số bất cập trong công tác phòng, chống cháy nổ. Trước hết, cần phải nhắc đến đó là sự “bỡ ngỡ” của cộng đồng cư dân trong việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống cháy nổ tại nơi cư trú, một số cư dân còn “đổ lỗi” cho việc Ban quản lý không phát loa cảnh báo, hướng dẫn cư dân về vụ cháy.

Thực tế, công tác tập huấn, đảm bảo phòng cháy tại đây vẫn thường xuyên được tổ chức nhưng do một bộ phận không nhỏ người dân “thờ ơ” đã tạo thành những khó khăn nhất định khi sự cố không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, bỏ qua các phương án cứu nạn khẩn cấp như đu dây, leo thang... hệ thống lối thoát khẩn cấp bằng thang bộ của tòa nhà là rất quan trọng khi sự cố xảy ra, tuy nhiên, trong sự cố ngày 4/7, hệ thống thang thoát hiểm không hiểu sao bị “rò rỉ” khiến mùi khét và khói tràn vào. Việc này là rất nguy hiểm, nhất là đối với các đám cháy tại tòa nhà chung cư. Thực tế từ nhiều vụ cháy cho thấy, hệ lụy từ khói ngạt còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với cháy nổ.

Bất cập nữa là về kênh thông tin cập nhật khi sự cố xảy ra. Nếu như trong phòng, chống cháy nổ, công tác phòng cháy bao giờ cũng được nhắc đến nhiều hơn, thì khi sự cố xảy ra, việc cảnh báo, cập nhật thông tin là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ngay cả trước, trong và sau khi sự cố chập cháy, bằng nhiều cách, các cư dân đều cố gắng cập nhật thông tin cho mình, tuy nhiên, do quá nhiều thông tin đã tạo ra tình trạng “nhiễu” thông tin, lực lượng tại chỗ thay vì chỉ tập trung xử lý sự cố đã phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho từng cư dân, từng căn hộ...

Không phủ nhận “hiệu quả” từ hệ thống phòng, chống cháy nổ tại chỗ trong sự cố ngày 4/7 tại R2B khu đô thị Royal City, tuy nhiên, bài học từ thực tế cho thấy, để hệ thống vận hành một cách trơn tru như lý thuyết vẫn còn cần một chặng đường dài phải đi. Điều quan trọng là từ sự cố này, cư dân chung cư đã có ý thức và nghiêm túc hơn trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng cho những sự cố, rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Đẩy mạnh xử lý vi phạm

Qua 2 năm thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, số vụ cháy tại các công trình chung cư, nhà cao tầng năm 2020 trên địa bàn Thành phố đã giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy ở loại hình công trình này cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, năm 2020, số cơ sở bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tăng 86,3% so với năm 2019; số chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng cũng giảm 60% so với năm 2019…

Trong 2 năm triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, toàn Thành phố xảy ra 29 vụ cháy tại các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng (chiếm 2,9% tổng số vụ cháy trên địa bàn Thành phố), trong đó, không có vụ cháy lớn hoặc vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu là các vụ cháy trung bình và cháy nhỏ. So với 2 năm (2017, 2018), số vụ cháy tại các công trình chung cư, nhà cao tầng giảm 76,98% (năm 2017 xảy ra 60 vụ, năm 2018 là 66 vụ).

Để có được những hiệu quả tích cực trên, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp bảo đảm tuân thủ quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng chung cư, nhà cao tầng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, vẫn còn nhiều tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, nhà cao tầng, phổ biến, như: Đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy... Ngoài ra, vẫn còn chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện còn 31 nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu; 829 cơ sở còn tồn tại, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động có thể khắc phục được. “Trong khi đó, loại hình nhà cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, khi xảy ra sự cố có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”, Thượng tá Ngô Thanh Lâm bày tỏ lo ngại.

Trước tình hình này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm, kiên quyết không để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố nếu để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Trong thời gian tới, Công an thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, đề nghị xử lý hình sự chủ đầu tư 9 công trình vi phạm, gồm: Tòa nhà CT4 - Văn Khê, các chung cư: CT5AB, CT6 - Văn Khê, 89 Phùng Hưng, CT1 Usilk City (quận Hà Đông); chung cư CT3A (quận Nam Từ Liêm); nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân); các tòa nhà: Capital Garden (quận Đống Đa), Discovery Complex (quận Cầu Giấy)./.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này