Những con số ấn tượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam

10:22 | 06/07/2021
(LĐTĐ) Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Điều gì đã tạo nên những con số ấn tượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam và điều đó có bất bình thường hay không?
Liệu có “bong bóng” chứng khoán? Biến động mạnh có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt tuần này

Nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh

Theo Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, chốt phiên giao dịch ngày 25/6, chỉ số VN - Index đạt 1.390 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng 5/2021 và tăng 23,5% so với cuối năm 2020. Trong đó, chỉ số HNX - Index lên mức 318 điểm, tăng 56,2% so với cuối năm 2020. Đặc biệt hơn, thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng rất mạnh, kể từ đầu tháng 6 đến nay, giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên.

Vậy, điều gì đã tạo nên những con số ấn tượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam? Những kỷ lục bất ngờ trên thị trường chứng khoán Việt Nam có bất thường không?

Những con số ấn tượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán và những con số” diễn ra mới đây, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, có một số lý do chủ yếu để lý giải cho việc “tăng điểm” thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, đó là do sự kỳ vọng của các doanh nghiệp vào việc thế giới có thể kiểm soát được dịch Covid-19; một số doanh nghiệp tìm được hướng đi mới trong phát triển thị trường; đối tượng đầu tư cá nhân tăng vọt trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Hiếu phân tích, với nguyên nhân thứ nhất, qua các cuộc điều tra diện rộng gần đây trên các doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết, cho thấy đại đa số đều bị tác động bởi dịch Covid-19 như giảm doanh thu, mất cơ hội kinh doanh, nhiều doanh nghiệp rút lui, đóng cửa. Tuy nhiên đó là bức tranh chung của thế giới.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán có vẻ khả quan khi nhìn vào các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng mạnh. Điều này dẫn đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư, của các doanh nghiệp niêm yết vào thị trường chứng khoán. Niềm tin này được củng cố thêm khi dịch Covid-19 và các diễn biến về vắc-xin được kiểm soát trên thế giới.

“Covid-19 thì vẫn rất khó dự đoán, nhưng nhiều nước trên thế giới kỳ vọng vào vắc-xin khi sự kiểm soát bắt đầu tốt hơn ở các quốc gia. Một số quốc gia bắt đầu mở cửa lại hoạt động kinh doanh bình thường, lần mở cửa này được dự đoán bền vững hơn trước đây, dẫn đến kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực hơn và bền vững hơn”, ông Hiếu phân tích.

Một nguyên nhân khác đó là mặc dù tác động của Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 này lại có điểm khác, qua trò chuyện với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết họ nhận được nhiều đơn hàng, ví dụ như doanh nghiệp dệt may và một số ngành khác. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán “tăng điểm” mà ông Hiếu cho rằng, rất đáng lưu ý, thậm chí bất thường, đó là sự tăng mạnh các nhà đầu tư cá nhân. Thời gian vừa qua số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân tăng rất lớn, hoạt động mạnh mẽ, nhộn nhịp.

Lý giải về sự “bùng phát” của các nhà đầu tư cá nhân, ông Hiếu phân tích: Do dịch Covid-19 tác động trực tiếp lên nền kinh tế, nhiều cá nhân mất việc làm, không có thu nhập, các hộ kinh doanh cá nhân mất cơ hội kinh doanh, tuy nhiên các nhà đầu tư này vẫn có một khoản tiết kiệm, họ cần một dòng tiền để chi tiêu, và họ nghĩ đến việc kiếm tiền bằng cách đầu tư chứng khoán. Yếu tố này đã tác động đến thị trường chứng khoán rất lớn.

“Tuy nhiên, theo tôi thì yếu tố này lại rất khó đoán định. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán hôm nay có những dấu hiệu tích cực về mặt lâu dài, trong đó có sự gia nhập của nhóm đầu tư cá nhân, nhưng họ lại không phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Diễn biến này có bất thường hay không, rất khó đoán định trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiếu cảnh báo.

Do sự kỳ vọng phục hồi nền kinh tế

Tiếp tục bàn về diễn biến tăng trưởng của thị trường chứng khoán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng có 3 nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 diễn ra tác động tiêu cực đến toàn cầu, đến nền kinh tế khu vực, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm nay có sự bất ngờ. Vì trước đó, gắn với các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008 và cuộc khủng hoảng châu Á diễn ra vào năm 1997, chứng khoán Việt Nam và chứng khoán trong khu vực lao dốc rất nhanh, kéo dài ít nhất 1 năm. Nhưng lần này chứng khoán Việt Nam mới chỉ lao dốc trong vòng hơn 1 tháng, sau đó không chỉ phục hồi mà còn thăng hoa, đó là yếu tố có sự bất ngờ.

“Bất bình thường một chút là ở chỗ, với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, cho đến thời điểm này là diễn biến về cuộc khủng hoảng vẫn còn đeo bám chúng ta, hình như thị trường chứng khoán này chưa phải là hàn thử biểu cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng như một số nước Đông Bắc Á, Hoa Kỳ… trước đây hàn thử biểu rất tốt cho nền kinh tế”, ông Thành so sánh.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trong yếu tố “bất bình thường” trên lại có những yếu tố “không bất bình thường”, đó là năm 2021 được coi là năm phục hồi kinh tế, bằng chứng là các dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021, sự kỳ vọng vào vắc-xin, sự phục hồi của những “đầu tàu” kinh tế như châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc tăng trưởng thị trường chứng khoán, đó chính là những “trò chơi” về chính sách, đó là sự nới lỏng tiền tệ đối với nhiều quốc gia chưa từng có trong tiền lệ, sự bành trướng của chính sách tài khóa… Nới lỏng tiền tệ kéo theo lãi suất thấp, đối với Việt Nam, thị trường chứng khoán là kênh được quan tâm, nhất là đối với giới trẻ, tầng lớp trung lưu.

“Nếu như cách đây 2 năm, hỏi đầu tư tài chính nên chọn gì, thì bitcoin là sự lựa chọn rất cao, thì nay chứng khoán lại là lựa chọn số một”, ông Thành cho biết.

Lý do thứ 3, theo phân tích của ông Võ Trí Thành, Covid-19 đã tạo nên một “cách chơi mới” đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ số, lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hai lực lượng doanh nghiệp này có sức nặng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đánh giá về sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số cổ phiếu, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tạ Thanh Bình cho rằng, diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong xu hướng tăng chung của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Tính đến ngày 15/6/2021, thị trường chứng khoán Mỹ tăng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%; Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng trên 12% so với đầu năm 2021. Các nền kinh tế lớn trên thị trường đều có sự hồi phục do đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, do vậy niềm tin của nhà đầu tư được củng cố.

Xét về khía cạnh nội lực, sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là do kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam rất tích cực. Năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế hiếm hoi giữ được tăng trưởng dương, những tháng đầu năm 2021 các chỉ số vĩ mô cũng rất ổn định và có tiềm năng. Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế, vì vậy việc tăng điểm của thị trường chứng khoán thể hiện rõ kỳ vọng của doanh nghiệp về sự hồi phục của nền kinh tế./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này