Đề phòng nguy cơ nhập khẩu lạm phát trong 6 tháng cuối năm

16:14 | 03/07/2021
(LĐTĐ) Bước sang quý 3, kinh tế - xã hội Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nền kinh tế khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng.
Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Không thể lơ là, chủ quan với lạm phát trong năm 2021

Nhiều thách thức đối với việc đạt mục tiêu kép

Sáng 2/7, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” kết hợp trực tuyến.

Các tham luận tại hội thảo cho thấy, kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng đạt được của năm 2020, tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục tác động và đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, điều hành để đạt mục tiêu kép.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Đề phòng nguy cơ nhập khẩu lạm phát trong 6 tháng cuối năm
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2021 tăng 2,41% so với tháng 6/2020.

Trong mức tăng của CPI tháng 6/2021 so với tháng trước, Tổng cục Thống kê đánh giá, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07%, làm CPI chung tăng 0,1 điểm; do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 12/5/2021, ngày 11/6/2021 và ngày 26/6/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 3,45%, dầu diezen tăng 4,71%...

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, mặt bằng giá diễn biến 6 tháng đầu năm theo hướng tăng cao theo quy luật vào dịp lễ, tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và 4 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và 6. Cục Quản lý giá dự báo, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát bình quân cả năm 2021 ở mức 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.

Đề phòng lạm phát nhập khẩu

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Bá Minh, nửa đầu năm 2021, CPI bình quân tăng chủ yếu do giá xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, giá gạo, giá vật liệu xây dựng tăng. Trong đó, các yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI 6 tháng đầu năm là giá các mặt hàng thực phẩm; nhu cầu đi lại của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 với những biến chủng mới rất nguy hiểm, hạn hán, xâm nhập măn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hoá trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 2,5%, dao động 0,3%.

Đề phòng nguy cơ nhập khẩu lạm phát trong 6 tháng cuối năm
Giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bước sang quý 3, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt, bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, từ đầu năm đến nay, sắt thép tăng 25-30%, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đầu vào, đều tăng giá. Bên cạnh đó, từ năm 2020, nhiều quốc gia trên thế giới đều bơm tiền với những gói hỗ trợ lớn về tài khóa, tiền tệ để phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của quốc gia đó. Các tổ chức quốc tế cho rằng Mỹ có thể tăng trưởng từ 6-7% trong năm nay nhưng lạm phát tăng “chóng mặt”. Đến tháng 6, lạm phát của Mỹ tăng 5%, mức cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của của giới chuyên gia. Ông Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, khi nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hàng hóa tương đương GDP, không khéo sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Định - Cục Quản lý giá cũng cảnh báo, rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta, khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm còn có áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong thời gian tới. Trong đó, phải tính đến việc triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với sự nghiệp công lập và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ trong năm 2021.

Ông Nguyễn Xuân Định lưu ý: “Việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu, đó là thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022”.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này