Tiếp sức đoàn viên, người lao động vượt khó thời dịch bệnh

21:34 | 01/07/2021
(LĐTĐ) Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp ở Thủ đô bị ảnh hưởng, hàng chục ngàn công nhân lao động Thủ đô mất việc hoặc thiếu việc làm, đời sống khó khăn. Trước tình hình này, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh việc hỗ trợ, tiếp sức cho người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó giúp đoàn viên, người lao động được ấm lòng, có động lực vươn lên, vượt qua khó khăn thời kỳ dịch bệnh.
Ấm lòng với đề xuất gói hỗ trợ mới Bảo hiểm xã hội phải thực sự trở thành trụ cột Trên 45 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và ủng hộ công tác phòng, chống dịch

Hỗ trợ kịp thời, thiết thực

Theo nhận định của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ 27/4) có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, nguy cơ lây lan trong các khu công nghiệp, khu chế xuất rất cao.

Tính đến cuối tháng 6, trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô có 88 trường hợp F0, 1.870 trường hợp F1, 5.500 trường hợp F2, 13.532 trường hợp F3, F4. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến 232 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.201 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; 5.272 công nhân mất việc làm; 34.522 công nhân thiếu việc làm.

Trước tình hình này, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, ủng hộ quỹ vắc xin và phòng chống dịch của Thành phố thông qua sử dụng ngân sách Công đoàn và vận động các nguồn lực xã hội hóa. Tính từ ngày 27/4 đến 25/6, tổng số tiền hỗ trợ 45 tỷ 681,950 triệu đồng cho 13.135 đoàn viên và người lao động, trong đó có 26 tỷ 706,55 triệu đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa.

Tiếp sức đoàn viên, người lao động vượt khó thời dịch bệnh
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến trao quà động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch ở Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai

Cụ thể, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chi 15 tỷ 619,400 triệu đồng hỗ trợ cho 4.030 người lao động và 165 đơn vị đã thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi 3 tỷ 561 triệu đồng để hỗ trợ 5.284 người lao động và 165 đơn vị đã thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp. Đồng thời, Công đoàn cấp trên cơ sở cũng hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, bằng nhiều hình thức khác, như: 351.227 khẩu trang, 372 thiết bị đo thân nhiệt; 40.105 chai nước rửa tay sát khuẩn, 2.507 chai nước súc miệng, 1.350 tấm chắn giọt bắn; 200 bộ bảo hộ và các nhu yếu phẩm khác... Công đoàn cơ sở hỗ trợ 3.821 người, với số tiền: 3 tỷ 191 triệu đồng.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô vận động nguồn lực xã hội hóa để ủng hộ lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các khu cách ly tập trung là 22 tỷ 107,789 triệu đồng (tiền mặt) và các trang thiết bị phòng, chống dịch và nhu yếu phẩm thiết yếu quy đổi thành tiền là 4 tỷ 598,761 triệu đồng.

Bảo vệ sức khỏe đoàn viên, người lao động

Cùng với hỗ trợ, tiếp sức cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, các cấp Công đoàn Thành phố cũng chú trọng tăng cường các giải pháp phòng, chống Covid-19, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tạo môi trường làm việc an toàn cho đoàn viên, người lao động. 5 Tổ công tác của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã được kiện toàn, duy trì hoạt động liên tục, kết nối thông suốt tới cơ sở nắm bắt và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch ở cơ sở.

Chủ trương thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong các doanh nghiệp được triển khai nhanh chóng, phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 45/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và một số công đoàn cơ sở của các Tổ Công tác cho thấy, mô hình “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp do Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo thành lập đã phát huy hiệu quả, nhất là tại những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Tiếp sức đoàn viên, người lao động vượt khó thời dịch bệnh
Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm trao hỗ trợ cho đoàn viên khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

Tại Công ty cổ phần Xây dựng số 5 thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, từ hoạt động của các “Tổ An toàn Covid-19” đã xây dựng các kịch bản chi tiết ứng phó với dịch bệnh, có biện pháp cách ly theo từng tình huống xảy ra và đối với từng bộ phận khác nhau như công trường, văn phòng. Hằng ngày, “Tổ An toàn Covid-19” của Công ty cổ phần Dây cáp điện Cadisun thuộc Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân ghi nhật ký sức khỏe, trích xuất camera để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, sử dụng hệ thống loa truyền thanh nội bộ thường xuyên tuyên truyền đến từng bộ phận làm việc về việc bảo đảm các quy định phòng, chống dịch...

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ba Vì Phan Thị Hoa cho hay, thông qua kiểm tra, giám sát của “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp, 100% người lao động đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ khi đến nơi làm việc, thực hiện khai báo y tế khi đi ra khỏi địa bàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, do số doanh nghiệp hoạt động theo quy mô gia đình nhiều nên việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” chưa đạt 100%. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường yêu cầu các cấp Công đoàn nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tuyên truyền tới các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19” - tấm lá chắn bảo vệ công nhân, bảo đảm sản xuất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Về phía Liên đoàn Lao động thành phố, đã quyết định hỗ trợ “Tổ An toàn Covid-19”, 2 triệu đồng/doanh nghiệp.

Tiếp sức đoàn viên, người lao động vượt khó thời dịch bệnh
Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai chung tay phòng, chống dịch Covid-19

Mới đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất kế hoạch ổn định quan hệ lao động và chăm lo cho đoàn viên bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với việc đầu tiên là ưu tiên nguồn lực tài chính Công đoàn để thực hiện nhiệm vụ chăm lo các đối tượng là đoàn viên Công đoàn, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở, nhưng đã thực hiện đóng kinh phí Công đoàn.

Đặc biệt, Công đoàn các cấp nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng cứu khẩn cấp” để cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị cách ly, phong tỏa, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công đoàn còn lập các nhóm Zalo, xây dựng lực lượng “Công nhân nòng cốt” ở doanh nghiệp có đông công nhân, các khu công nghiệp và chế xuất để nắm bắt kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động và giải quyết kịp thời.

Song song đó, Công đoàn cấp trên cơ sở sẽ hỗ trợ công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án sản xuất, phương án sử dụng lao động phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, trong bối cảnh những tác động của dịch Covid-19, hạn chế tới mức thấp nhất việc cắt giảm lao động.

Có thể nói, với những biện pháp sát sao, thiết thực, tổ chức Công đoàn đã và đang chăm lo, bảo vệ tốt nhất cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, qua đó ngày càng khẳng định rõ và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này