Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính

Bài cuối: Người dân hưởng ứng, đồng tình

09:30 | 02/07/2021
(LĐTĐ) Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Thủ đô là Ủy ban nhân dân phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính.
Bài 2: Mọi điều kiện sẵn sàng để vận hành thông suốt Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính Sẵn sàng vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Tạo những đột phá về cải cách hành chính

Trong những ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không khí làm việc tại các phường vẫn rất khẩn trương, nghiêm túc. Người dân bày tỏ sự hài lòng khi đến làm thủ tục hành chính. Chị Trần Thị An đến chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ, về cơ bản các bước thủ tục tại bộ phận một cửa không có nhiều xáo trộn. Người dân được cán bộ phường hướng dẫn nhiệt tình, trang thiết bị giải quyết thủ tục hành chính như máy tính và các phương tiện liên quan đến công nghệ đảm bảo.

Với việc mô hình mới được vận hành, chị An hy vọng rằng khi người dân đến cơ quan Ủy ban nhân dân các cấp, mọi việc đều sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Cán bộ, công chức sẽ đổi mới tư duy, năng động trong thực hiện công vụ.

Bài cuối: Người dân hưởng ứng, đồng tình
Mô hình chính quyền đô thị đòi hỏi sự trách nhiệm, năng lực, trình độ, phẩm chất của lãnh đạo phường và đội ngũ công chức.

Trên cơ sở những nội dung của mô hình chính quyền đô thị, có thể nhận thấy, việc càng phát huy được tính năng động của cán bộ công chức thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp phường ngày càng được nâng cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính sẽ giúp giảm tải được rất nhiều thời gian cho lãnh đạo phường và công dân cũng sẽ không mất nhiều thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, việc này lại đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch phải đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 32/2021/NĐ-CP, kỹ năng giải quyết công việc, kỹ năng thẩm định cần phải tốt hơn nữa.

Chia sẻ về việc được nhận ủy quyền từ lãnh đạo để ký và đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính, bà Đinh Thị Thanh Mai, công chức Tư pháp - Hộ tịch của Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết: “19 năm là công chức Tư pháp - Hộ tịch, đây có lẽ là lần đầu tiên vai trò có sự thay đổi như vậy. Trước đây, trách nhiệm đã cao rồi nhưng bây giờ được thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường đòi hỏi trách nhiệm phải cao hơn nữa. Trọng trách này tôi sẵn sàng tiếp nhận và sẽ cố gắng thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, theo đúng quy định của pháp luật, nỗ lực tạo sự hài lòng cho người dân”.

Ở góc độ người dân, ông Âu Văn Bàn (Tổ dân phố số 1, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho biết, những ngày qua, ông đã được nghe thông tin về việc Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Từ những điểm mới tiến bộ, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào mô hình chính quyền đô thị mới sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn, mang lại lợi ích cho nhân dân nhiều hơn nữa.

“Người dân rất đồng tình với mô hình chính quyền đô thị, trong đó có nội dung bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, làm tinh gọn bộ máy chính quyền, giảm bớt khâu hành chính. Qua đó vai trò tự giám sát của người dân ngày càng được củng cố, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc phường phải coi giám sát, thanh tra, phản biện, chất vấn là công tác trọng tâm”, ông Âu Văn Bàn nói.

Ông Bàn cũng chia sẻ thêm, do mô hình chính quyền đô thị mới đi vào vận hành thí điểm chính thức nên có nhiều người dân chưa hiểu rõ được những điểm mới, ưu điểm của mô hình. Do vậy, các cấp chính quyền cũng cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người nắm được.

Tháo gỡ vướng mắc, thực hiện thành công

Mô hình chính quyền đô thị đi vào hoạt động, đến thời điểm này, tất cả các phường đã đảm bảo những điều kiện để vận hành thông suốt mô hình mới. Tuy nhiên, theo nhận định khách quan, khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ có những khó khăn nhất định, bỡ ngỡ là điều khó có thể tránh khỏi. Do đó, cần phải có hướng dẫn để mô hình mới được vận hành hiệu quả trong thời gian sớm nhất có thể.

Lãnh đạo một số phường cho biết, hiện nay, số lượng công chức ở phường vẫn thiếu so với thực tế. Trong khi, khối lượng công việc nhiều lên, đòi hỏi cán bộ công chức phải sâu sát hơn, thực hiện một cách triệt để và kịp thời. Với những khu vực đông dân, nhiều khu chung cư, những vướng mắc tồn tại của người dân vẫn còn nhiều. Vì thế, cán bộ phục vụ những phần việc về đô thị đang quá tải.

Bài cuối: Người dân hưởng ứng, đồng tình
Người dân sẽ được giải quyết một số thủ tục hành chính nhanh gọn hơn.

Đơn cử như tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chia sẻ, một số cán bộ băn khoăn khi chuyển sang chính quyền đô thị, khối lượng công việc nhiều hơn, thu nhập của họ có tăng hơn không? Bởi với đặc thù của phường Xuân Tảo có hơn 30 chung cư, là 1 trong những phường top đầu của quận về đô thị, đòi hỏi con người cũng phải nhiều hơn để tổng hợp, nắm bắt các văn bản pháp lý nhanh chóng, kịp thời giải quyết vướng mắc tồn tại của người dân ở các khu đô thị.

Thực tế, hiện nay, có những tòa chung cư do sự chủ quan của chủ đầu tư, chưa có sự thống nhất giữa ban quản trị nên dẫn đến những mâu thuẫn, hậu quả phường phải giải quyết khá vất vả. Vì thế, cán bộ phục vụ những phần việc về đô thị đang quá tải. Mặt khác, phường Xuân Tảo chưa có thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân nên trong thời gian gần nhất, phường mong muốn được bổ sung đủ số cán bộ biên chế để phân công, đảm bảo trách nhiệm, tránh những tồn tại vượt cấp.

Đồng quan điểm, lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa cũng cho rằng với hơn 32 ngàn dân, phường có khối lượng công việc rất lớn, cán bộ phường đa số là kiêm nhiệm, với định biên không được quá 15 công chức nên việc giải vấn đề về an sinh xã hội hay trật tự đô thị sẽ nảy sinh nhiều khó khăn.

Ngoài ra, lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức phường cũng cần được tập huấn sớm, cụ thể về mẫu dấu và cách triển khai quy định ủy quyền cán bộ tư pháp ký hồ sơ chứng thực.

Bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo cũng chỉ ra, hiện nay, theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, vai trò của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vẫn giữ nguyên, nhưng có nghĩa cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đều có thể ký được một số văn bản theo thẩm quyền, nên cần có quy định rõ hơn về trách nhiệm, tránh trường hợp phát sinh vấn đề nhưng không rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Để tăng tính chủ động của mỗi cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thì phải bổ sung vai trò của cán bộ trên các phần mềm hành chính công. Ngoài ra, về thời gian ủy quyền cho cán bộ, một số phường chủ trương sẽ ủy quyền theo thời hạn để có đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp, vì vậy cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể để các phường có biện pháp thực hiện.

“Chúng tôi ý thức được rằng việc thực hiện thí điểm mô hình này ban đầu sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên mỗi cán bộ đều xác định sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, cố gắng để đảm đương trọng trách được phân công. Với quyết tâm chính trị cao cùng việc chuẩn bị có lộ trình một cách kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng, việc vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ đạt được kết quả, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển Thủ đô”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo nhấn mạnh.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này