Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính

Bài 2: Mọi điều kiện sẵn sàng để vận hành thông suốt

21:30 | 01/07/2021
(LĐTĐ) Để tiến đến bước thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội đã có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng. Tất cả các phường trên địa bàn đã chuẩn bị xong xuôi điều kiện về con người, cơ sở vật chất... để triển khai mô hình quản lý có những đột phá mới, mang lại lợi ích cho nhân dân.
Từ 1/7, Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội làm việc theo chế độ thủ trưởng Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Tăng tính chủ động, hiện đại hóa nền hành chính

Sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng

Để tiến đến bước thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội đã có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng. Theo đó, chỉ ít thời gian sau khi có Nghị định số 32/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 để triển khai thực hiện Nghị định này. Đặc biệt, ngày 15/4/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP tới cơ sở.

Để thuận lợi cho các phường trong việc triển khai, ngày 22/4/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1184/UBND-NC về hướng dẫn nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu Ủy ban nhân dân phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP.

Bài 2: Mọi điều kiện sẵn sàng để vận hành thông suốt
Công tác bố trí cán bộ, sắp xếp cán bộ khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại các phường được quan tâm bố trí, vừa đảm bảo đúng luật, vừa đáp ứng nguyện vọng của cán bộ công chức.

Thành phố cũng đã ban hành quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Quy chế quy định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của Ủy ban nhân dân phường với các cơ quan, tổ chức liên quan, cũng như về chế độ hội họp, giải quyết công việc, quản lý văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

Sau đó, Thành phố Hà Nội đã có những bước chuẩn bị về đội ngũ, cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý đi kèm để có thể vận hành một mô hình mới thông suốt. Đặc biệt, trong công tác nhân sự, kiện toàn bộ máy cán bộ công chức phường, các quận triển khai quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn.

Điển hình như tại quận Ba Đình, Ủy ban nhân dân quận đã ban hành các quyết định chuyển công chức cấp phường thành công chức do Ủy ban nhân dân quận quản lý (đợt 1) đối với 173 công chức, trong đó có 14 Chủ tịch, 27 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, 133 công chức; quận Hoàn Kiếm cũng đã công bố quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về việc bổ nhiệm 16 Chủ tịch, 35 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trên địa bàn, chuyển đổi 165 công chức phường thành công chức do Ủy ban nhân dân quận quản lý; Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm cũng trao 35 quyết định bổ nhiệm với 11 Chủ tịch, 22 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, 2 Phó Chủ tịch giao phụ trách chung Ủy ban nhân dân phường…

Từ đó có thể thấy, thông qua các phần việc đã được triển khai thực hiện, Thành phố Hà Nội đã bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để bắt đầu vận hành thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bắt đầu từ ngày 1/7/2021.

Sẵn sàng “khởi động” mô hình mới

Ghi nhận tại quận Ba Đình, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị, các điều kiện cần thiết đều đã được Đảng ủy, chính quyền, cán bộ công chức tại 14/14 phường trên địa bàn quận chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ. Tại phường Quán Thánh, việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt, cán bộ chuyên môn đều đã sẵn sàng.

“Công tác bố trí cán bộ, sắp xếp cán bộ khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị được quan tâm bố trí, vừa đảm bảo đúng luật, vừa đáp ứng nguyện vọng của cán bộ công chức, nhất là đối với các đồng chí trong Hội đồng nhân dân phường trước đây. Ủy ban nhân dân phường cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác này, đến nay các bước theo kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, thời gian, quy trình”, ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh cho biết.

Tại các địa bàn khác của thành phố Hà Nội, hầu hết các phường cũng cơ bản đã xong các bước chuẩn bị, đảm bảo cho ngày thực hiện thí điểm mô hình mới diễn ra thông suốt, điển hình như tại Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm).

Bài 2: Mọi điều kiện sẵn sàng để vận hành thông suốt
Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đầu tư các trang thiết bị thuận tiện cho công dân đến làm thủ tục hành chính.

Theo bà Phùng Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo, công tác rà soát cán bộ công chức theo Nghị định 32/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai từ rất sớm. Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, thời gian qua, phường Trần Hưng Đạo cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; đầu tư hệ thống về công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của người dân; tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng như phường Trần Hưng Đạo, để thuận lợi cho việc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) đã có sự chủ động, chuẩn bị các bước trong triển khai. Qua quá trình chuẩn bị, các cấp cũng đã nghiên cứu để áp dụng thí điểm, có những cơ sở pháp lý nhất định.

Bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Tảo chia sẻ, đến nay, phường đã phối hợp với Phòng Nội vụ thực hiện chuyển các hồ sơ của cán bộ, công chức lên quận để đề xuất thành công chức quận, do quận quản lý từ ngày 1/7. Đồng thời, phường đã tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, nhân dân về trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong việc chuyển đổi chính quyền đô thị từ ngày 1/7. Những người thực hiện này là cánh tay nối dài, là cầu nối giúp người dân nắm bắt cũng như giải quyết vướng mắc của người dân thuộc thẩm quyền ở cấp phường. Quan điểm của phường là vận hành chính quyền mới làm sao đảm bảo quyền lợi của người dân cao nhất, đúng luật, giúp các cấp trong quá trình thực hiện giảm tải, tránh vượt cấp nhiều.

Ghi nhận tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), để sẵn sàng triển khai vận hành chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị, các công việc tại phường đã hoàn tất với không khí phấn khởi, kỳ vọng vào một mô hình mới có những đột phá mới, mang lại lợi ích cho nhân dân. Trong đó đặc biệt phường đã hoàn thiện toàn bộ công việc về ngân sách tài chính.

Bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa khẳng định, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị về cơ bản bộ máy hành chính, bộ máy tại bộ phận một cửa… không có gì thay đổi. Về các điều kiện cơ sở vật chất, ngay từ trước khi thực hiện chính quyền đô thị, phường cũng đã tự trang bị đầy đủ đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất, đội ngũ cán bộ công chức phường đã được đào tạo bồi dưỡng, sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền mới, chỉ đợi đến đúng thời gian “khởi động”. Trên cơ sở đó, phường đã quán triệt đến tất cả cán bộ công chức cần phải chuyên môn hóa hơn, tích cực nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, thực hiện công việc theo đúng trách nhiệm để tạo được sự thay đổi căn bản.

“Về tài chính ngân sách, Ủy ban nhân dân phường đã thực hiện các quy trình đảm bảo đúng tiến độ, chuyển giao chính quyền địa phương sang hoạt động theo chính quyền đô thị là đơn vị ngang với một phòng ban của quận”, bà Hoàng Hoài Loan thông tin.

Bài cuối: Người dân hưởng ứng, đồng tình

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này