Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

08:59 | 31/12/2014
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2014, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 105.000 lao động, vượt 10 % so với chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trong năm 2015, sẽ gia tăng số lao động có trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài. Trước thềm năm mới, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH đã chia sẻ những khó khăn và thuận lợi về hoạt động xuất khẩu lao động năm qua và triển vọng trong thời gian tới.

PV: Có ý kiến nhận định 2014 là năm tương đối thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam. Ông có bình luận gì ?

Năm 2014 không hoàn toàn là một năm thuận lợi đối với lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh một số thuận lợi như: Nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan tăng đáng kể trong năm nay; nguồn cung lao động cho thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam rất dồi dào; trình độ tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật của đại bộ phận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được cải thiện; Nhà nước ngày càng quan tâm tới hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động này... thì năm 2014, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp những khó khăn cả về khách quan và chủ quan. Đơn cử như, về nhu cầu tiếp nhận lao động của nhiều quốc gia chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới; cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia cung ứng lao động; chất lượng lao động xuất khẩu chưa cao, còn phát sinh các vụ việc liên quan đến vi phạm kỷ luật của lao động Việt Nam ở nước ngoài; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý lao động ở nước ngoài và còn chậm xử lý khi phát sinh vụ việc liên quan đến lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc; vẫn còn hiện tượng cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lợi dụng, thu tiền của người lao động một cách bất hợp pháp hay tình trạng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng vẫn diễn ra.

PV: Với những khó khăn mà ông vừa chỉ ra, hoạt động XKLĐ có đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra? Những thị trường lao động nào thu hút nhiều lao động Việt Nam trong năm qua?

56209
ông Tống Hải Nam,  Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Mặc dù có những khó khăn như vậy, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm qua vẫn vượt kế hoạch đề ra. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ước đạt 105.000 lao động (trong đó có 30% lao động nữ), đạt 110 % so với kế hoạch đề ra  là 90.000 lao động. Tại các thị trường trọng điểm truyền thống, số lượng lao động đưa đi tăng đáng kể so với năm 2013. Cụ thể: Thi trường Đài Loan tiếp nhận hơn 60.000 lao động  (trong khi năm 2013 chỉ đưa được 46.000). Đây là con số tăng trưởng ngoạn mục mà chúng ta có thể thấy tại thị trường lao động này trong 14 năm qua ; Nhật Bản gần 20.000 lao động (năm 2013 là 9.600 lao động);  Hàn Quốc gần 7.000 lao động  (năm 2013 là 5.500 lao động); Malaysia gần 5.000 lao động  (năm 2013 là 7.500 lao động);  Ả rập Xê  út gần 4.000 lao động và  Qatar gần 1.000 lao động.

PV: Bên cạnh những tín hiệu tích cực của các thị trường tiếp nhận nhiều lao động phổ thông thì cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam  như thế nào?

Nhu cầu tiếp nhận lao động trình độ cao của các quốc gia tiếp nhận lao động vẫn luôn có. Tuy nhiên lao động Việt Nam không có nhiều cơ hội do chưa được các quốc gia tiếp nhận tin cậy về trình độ, tay nghề, và ngoại ngữ. Trước đây, lao động trình độ cao của Việt Nam chỉ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc (theo chương trình thẻ vàng) nhưng với số lượng rất hạn chế, và một số chuyên gia đi làm việc ở các quốc gia nhưng theo hình thức cá nhân. Hai năm trở lại đây, lao động trình độ cao của Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài hơn khi Cục QLLĐNN được Bộ LĐTBXH giao trực tiếp thực hiện hai chương trình hợp tác với Nhật Bản và CHLB Đức trong việc tuyển chọn, đào tạo và đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang làm việc tại hai quốc gia này. Những chương trình này đang nhận được đánh giá rất tích cực từ phía các đối tác.

PV: Được biết, cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng? Nhận định của ông về bức tranh xuất khẩu lao động năm 2015?

Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN với dân số hơn 620 triệu người, thúc đẩy dòng trung chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Số người lao động Việt Nam trong 8 ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này. Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo sẽ có sự gia tăng trong năm 2015.      

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này