Để lại ngư trường truyền thống

19:06 | 01/07/2021
(LĐTĐ) Ngư trường truyền thống (khu vực tập kết tàu, thuyền cả mặt nước lẫn trên cạn) không chỉ là nơi để người dân ra khơi đánh bắt thủy sản làm kế sinh nhai mà còn góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Quy hoạch biển Sầm Sơn trên nguyên tắc gìn giữ và phát triển Ngư dân làm giầu từ biển 50 tàu Việt Nam đấu tranh đòi ngư trường
Để lại ngư trường truyền thống
Ảnh minh họa.

Mỗi một con thuyền khi ra khơi đánh bắt hải sản bao giờ cũng kèm theo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc “bay lượn” giữa đại dương mênh mông. Khi nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay đồng nghĩa nơi đó chính là chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế, đa số những địa phương bám biển, từ xã, phường, huyện, thị xã… đã quy hoạch làm du lịch. Làm du lịch để phát huy lợi thế cạnh tranh nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế là đúng, nhưng không ít địa phương không tính đến yếu tố lợi ích của ngư dân và thậm chí của quốc gia.

Quy hoạch du lịch, lấy đất ven biển, rồi lấy cả đất ngư trường cho doanh nghiệp làm du lịch. Hệ quả, một số nơi ngư dân không có ngư trường đánh bắt hải sản làm kế mưu sinh, khiếu kiện cũng vì thế được gửi đi nhiều nơi.

Hãy tưởng tượng một ngày nào, trên hệ thống ven biển ở các bãi ngang ven biển được lấp kín bởi các dự án du lịch, ngư trường truyền thống “biến mất” thì liệu trên biển chúng ta có nhìn thấy những con thuyền cắm cờ Tổ quốc hay không?

Và vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4215/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc lập các hợp phần tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Y tế khẩn trương xây dựng và hoàn thành các hợp phần quy hoạch.

Sau đó gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia như được giao tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng, hoàn thành hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách, các Bộ nêu trên gửi các thông tin, dữ liệu và các nội dung quy hoạch của quy hoạch ngành quốc gia trong phạm vi không gian biển để Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời triển khai xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia theo đúng tiến độ theo quy định.

Được biết, theo Nghị định 37/2019/NĐ-CP, không gian biển quốc gia được hiểu là khoảng không gian bao gồm vùng đất ven biển, đảo, quần đảo, mặt nước, khối nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùngtrời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Quy hoạch không gian biển quốc gia được xác định là một công cụ để quản lý biển. Đồng thời sẽ phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Ngoài ra cũng xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam…

Hy vọng tới đây, khi Bản Quy hoạch không gian biển được thông qua sẽ là một trong những cơ sở pháp lý để các địa phương trong quá trình kêu gọi đầu tư du lịch phải để lại ngư trường truyền thống cho ngư dân bám biển.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này