Xã hội hóa phát triển du lịch Thủ đô

11:44 | 01/07/2021
(LĐTĐ) Hiện nay, tại các vùng ngoại thành Hà Nội, cùng với quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp hiếm dần, người dân thiếu kế sinh nhai. Vì vậy, phát triển du lịch đang là một hướng mới cho những vùng đất vốn giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Việc huy động cộng đồng cùng tham gia vào phần việc này là hướng đi thuận lợi cho các địa phương.
Hà Nội chủ động các giải pháp phục hồi du lịch trước đại dịch Covid19 Đổi mới để hút khách nội địa Chủ động xúc tiến để phát triển du lịch Thủ đô

Từ chuyện cộng đồng xây dựng bảo tàng

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nằm bên quốc lộ 32 với những khu công nghiệp, khu chung cư, trường đại học, nhà cao tầng mọc san sát xung quanh. Nhiều năm nay, người ta biết đến làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá là nơi ra đời bộ môn nhiếp ảnh sớm nhất của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm làng nghề (1892 - 2017), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập. Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng đầu tư xây dựng để trưng bày, giới thiệu về truyền thống của một làng nghề nhiếp ảnh.

Xã hội hóa phát triển du lịch Thủ đô
Bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá do nhân dân Lai Xá tự nguyện, đồng lòng xây dựng. Ảnh: K.Tiến

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có diện tích 300m², gồm 2 tầng, trưng bày những bức ảnh, hiện vật, panô bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gói gọn 125 năm nghề nhiếp ảnh hình thành và phát triển ở làng. Mỗi tầng trưng bày đều đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách, như được chụp ảnh theo phong cách xưa, khám phá phòng tối...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá do nhân dân Lai Xá tự nguyện, đồng lòng xây dựng, để kể với du khách câu chuyện đầy tự hào về các thế hệ tiếp nối đã và đang gìn giữ, phát huy nghề ảnh của cha ông. Kể từ năm 1892, khi ông Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) - người đầu tiên khai mở nghề ảnh, đến nay, các hiệu ảnh của người Lai Xá được mở ở khắp nơi trên cả nước. Hàng nghìn người trong làng đã trở thành những thợ ảnh lành nghề với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Cách đây nhiều năm, những người yêu nhiếp ảnh ở Lai Xá ngày càng nhận ra sự mai một của nghề nhiếp ảnh truyền thống, điều đó sẽ khiến vài chục năm nữa, những người con Lai Xá sẽ chỉ còn nghe nói về làng nghề này, nếu như tập thể không lưu giữ lại hiện vật, ký ức về làng nghề.

“Từ nhận thức đó, các thành viên của câu lạc bộ yêu nhiếp ảnh Lai Xá đã trao đổi với người dân trong thôn và lãnh đạo thôn về việc xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh dựa trên tư vấn của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) và cũng là một người con của làng Lai Xá”, ông Thắng cho biết.

Để có được những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, ông Thắng đã cùng một số nhiếp ảnh gia của làng như ông Nguyễn Văn Nhật, Phạm Văn Nên, Lê Đình Thái... tổ chức một “ban vận động” để đi tìm kiếm và thuyết phục các gia đình còn sở hữu hiện vật nhiếp ảnh của làng Lai Xá đóng góp. Họ đã tự bỏ kinh phí và đi tìm gặp các gia đình người Lai Xá giờ làm nhiếp ảnh ở tận Hải Dương, Sơn Tây, Yên Bái... hay thành phố Hồ Chí Minh.

“Phải mất gần một năm trao đi đổi lại, vì họ vẫn còn phải “nghe ngóng” xem chúng tôi đang làm gì thì mới tin tưởng giao kỷ vật. Và khi đã xây dựng được lòng tin rồi, thì có những hiệu ảnh mang tới cả... một ba lô chứa hàng chục hiện vật quý giá để đóng góp cho bảo tàng”, ông Thắng chia sẻ.

Nguồn lực xây dựng bảo tàng hoàn toàn từ đóng góp của cộng đồng: Đất của các cụ, tiền xây dựng được lấy từ quỹ của thôn, số tiền còn thiếu được đóng góp từ các hộ gia đình trong thôn. Đến cuối năm 2017, bảo tàng đã thành hình và đón những lượt khách đầu tiên và cho đến nay vẫn tự vận hành bằng nguồn kinh phí và nhân lực của thôn. Nhật ký bảo tàng đã ghi lại những dòng lưu bút đầu tiên của các gia đình làm nghề nhiếp ảnh đưa con cháu trở về thăm lại nơi phát tích của nghề hay những đoàn học sinh tiểu học và mẫu giáo của xã Kim Chung tới tham quan.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Cách Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá không xa là một bảo tàng thứ hai của làng - Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Đây là bảo tàng tư nhân mà phần trưng bày như câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giáo dục của nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa giai đoạn 1946-1975. Bảo tàng được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy (con trai Giáo sư Nguyễn Văn Huyên), Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và người thân xây dựng ngay trên phần đất của gia đình.

Các hiện vật ở đây được sắp xếp theo chủ đề riêng, như những câu chuyện kể từ góc nhìn của những người con về cha mẹ của mình, nên khá sinh động và ấm cúng. Điểm thú vị là hiện nay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động cho hệ thống hiện vật. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và tải phần mềm miễn phí, du khách có thể nghe lời thuyết minh về 74 hiện vật của bảo tàng với song ngữ Việt - Anh.

Nói về việc phát triển du lịch tại Lai Xá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho biết, du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, một ngôi làng, một nghề sẽ góp phần giúp khách tham quan hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hóa của một thời kỳ, một đất nước. “Về việc phát triển du lịch tại làng Lai Xá, tôi cũng đã trao đổi với các công ty du lịch của Hà Nội để có những kế hoạch phát triển du lịch tại đây”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho hay.

Có thể thấy, hiện nay, du lịch cộng đồng là mô hình du lịch tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực... thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Đây là xu thế đang phát triển mạnh trên thế giới khi nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch ngày càng tăng. Trái với các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, khám phá, ở mô hình du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò trung tâm trong hướng dẫn khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống, ẩm thực… cũng như cung cấp các dịch vụ du lịch khác cho khách.

Tại Hà Nội, khu phố cổ, các làng nghề, làng cổ, danh lam, thắng cảnh nằm trong cộng đồng dân cư là những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng rối nước Đào Thục (Đông Anh), làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín)... Các mô hình này do chính người dân địa phương thực hiện và thụ hưởng lợi ích. Thực tế đã chứng minh, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng. Ở nhiều nơi, nhờ hoạt động du lịch, sinh kế của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước bắt kịp các địa phương có hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

Được biết, những năm qua, các cấp chính quyền cũng đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương. Ví dụ, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân ở các điểm du lịch, các làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch cộng đồng. Hay tại làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), nơi được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng du lịch với đậm dấu tích văn hóa cổ, địa phương cũng đã có kế hoạch cụ thể trong việc phát triển du lịch tại đây.

Anh Nguyễn Xuân Việt, Công chức văn hóa - xã hội (Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ) cho biết: “Hiện tại, Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ đang có rất nhiều chương trình bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể như: Các bức hoành phi, câu đối, các văn tự Hán nôm đều được dịch ra và bảo quản, lưu trữ, giữ lại cho muôn đời sau. Đồng thời, xây dựng và viết cuốn lịch sử văn hóa, truyền thống để đưa vào các nhà trường giảng dạy cho các thế hệ học sinh hiểu về lịch sử của địa phương”. /.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này