Hơn 150 người lao động của Công ty Mosfly khốn đốn vì bị nợ lương

20:53 | 30/06/2021
(LĐTĐ) Đã gần 3 tháng nay, người lao động đang làm việc tại Công ty Mosfly Việt Nam Industries (MVI) không được trả lương với lý do giám đốc đã xin nghỉ. Trong khi đó, đời sống người lao động rất khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Hà Nội yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 công nhân môi trường bị nợ lương Doanh nghiệp cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động Hàng trăm lao động bị nợ lương

Hơn 150 lao động bị nợ lương

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mosfly Việt Nam Industries (tên viết tắt MVI) có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh và nhà máy tại Bình Dương. Nhiều người lao động tại Mosfly cho biết họ bị nợ lương gần 3 tháng nay và gặp nhiều khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Theo tìm hiểu, Mosfly có hơn 150 người lao động, trong đó chủ yếu là nhân viên bộ phận bán hàng tại các siêu thị trên cả nước, nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Lương thực lĩnh của người lao động tại đây từ 4,7 - 5 triệu đồng. Nhiều lần người lao động ý kiến lên ban giám đốc, công ty đã tổ chức họp nhưng người đại diện trên pháp luật là ông Nguyễn Thân không tới dự mà ủy quyền cho luật sư để trả lời vấn đề nợ lương.

Theo chị T. - nhân viên bán hàng của Mosfly, ngày lãnh lương là vào mùng 5 hàng tháng, nhưng bắt đầu từ tháng 4/2021, người lao động tại đây chưa được công ty thanh toán lương. “Công ty lấy lý do là đang chuyển giao giám đốc, vì giám đốc cũ là ông Nguyễn Thân đã có đơn xin nghỉ việc từ hồi giữa tháng 4 nên không ai có thẩm quyền ký duyệt chi lương. Những người khác trong ban lãnh đạo công ty thì đùn đẩy cho nhau”, chị T. cho biết.

Mặc dù bị nợ lương gần 3 tháng, nhiều nhân viên bán hàng như chị T. lại không dám nghỉ việc, vì sợ sẽ mất luôn số tiền lương trước đó. “Bên công ty nói còn hợp đồng nên phải đi làm, nếu không đi làm thì sau này có vấn đề gì họ không chịu trách nhiệm. Giờ chúng tôi ở thế kẹt, đi làm thì không có tiền, mà nghỉ tìm công việc mới thì sợ mất số tiền mồ hôi công sức trước đó”, chị T. tâm tư.

Hơn 150 người lao động Công ty Mosfly bị nợ lương
Bị công ty nợ lương 2 tháng, chị Nhiên phải đi tìm công việc khác để lo cho 2 con và cuộc sống sinh hoạt.

Những người ở thế kẹt như chị T. vẫn cố bám trụ ở lại công ty để làm việc với hy vọng mong manh sẽ được nhận lương vào tháng 7. Còn những người vì đã hết sức chịu đựng, không còn biết vay mượn, bấu víu vào đâu để tiếp tục duy trì cuộc sống, họ đành tặc lưỡi chấp nhận số phận, xin nghỉ ra ngoài tìm công việc khác.

Chị Trương Thùy Nhiên (quận 7, sinh năm 1985) chia sẻ: “Công ty nợ từ hồi tháng 4, đến khoảng cuối tháng 5 tôi quyết định viết đơn xin nghỉ ở Mosfly. Lúc xin nghỉ tôi được bên phòng nhân sự báo nếu nghỉ thì không ai ký duyệt cho để tôi nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy dù tôi nhận được sổ bảo hiểm nhưng không nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp”, chị Nhiên kể.

Xin nghỉ việc khi công ty vẫn còn nợ 2 tháng lương, chị Nhiên chấp nhận mất tiền bảo hiểm thất nghiệp vì theo chị thì: “Họ không trả lương thì tôi không thể làm việc mãi ở đó được”.

Được biết, chị Nhiên có 2 con nhỏ 9 tuổi và 7 tuổi. Với mức lương chưa đến 5 triệu 1 tháng, chị chỉ vừa đủ lo tiền ăn học cho 2 con. “May tôi lấy chồng ở thành phố nên ở nhà chồng, mỗi tháng vợ chồng tôi góp với mẹ chồng 2 triệu tiền ăn. Mấy tháng nay bị nợ lương, tôi nói với mẹ nên mẹ thông cảm, giúp chuyện ăn uống nhưng không thể phụ thuộc mãi được”, chị Nhiên tâm sự.

Theo chị Nhiên, chị cùng các nhân viên trong công ty đã làm đơn gửi đến công đoàn cơ sở, nhưng đến nay chưa có phản hồi và cũng không gặp được giám đốc công ty. Tình trạng này cứ kéo dài, nhân viên tại thành phố thấp thỏm một vì nợ lương, thì những nhân viên ở các địa phương khác lại thấp thỏm mười.

Hơn 150 người lao động Công ty Mosfly bị nợ lương
Căn phòng trọ có chiều rộng chỉ 2m nhưng có đến 3 người ở của một nữ nhân viên Công ty Mosfly Việt Nam Industries, bị nợ lương trong thời gian dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của họ thêm chồng chất khó khăn.

Chị Đặng Thị Mỹ Phương - nhân viên bán hàng của Mosfly ở Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ, đến mùng 5/7 là tròn 3 tháng chị chưa nhận được lương. Trong thời gian công ty nợ lương, chị phải mượn tiền để ăn uống, sinh hoạt. “Tôi nợ tiền ăn 3 tháng nay rồi, chưa kể tiền vay mượn bên ngoài, chờ lương để trả nợ nhưng chưa có dấu hiệu nào là chúng tôi sẽ nhận được tiền. Chưa kể là không có bảo hiểm y tế, đau cũng không dám đi khám, rồi dịch đang phức tạp lỡ nhiễm Covid-19 hoặc phải đi cách ly thì lấy đâu ra tiền xét nghiệm?”, chị Phương lo lắng.

Trả lời phóng viên báo Lao động Thủ đô, bà Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin về sự việc này. Tuy nhiên, do nhà máy sản xuất của Công ty Mosfly Việt Nam Industries đặt tại thị xã Tân Uyên nên Liên đoàn Lao động tỉnh đang yêu cầu thị xã Tân Uyên báo cáo. “Chúng tôi đang yêu cầu Tân Uyên báo cáo và có hướng dẫn thủ tục cho người lao động. Khi có báo cáo chính thức, Liên đoàn sẽ thông tin cho báo”, bà Nhung cho biết.

Một lãnh đạo của Công ty Mosfly cho biết, ban lãnh đạo công ty đã nhận được các ý kiến từ người lao động. Tuy nhiên, hiện tại 2 nhà đầu tư của công ty chưa có phương án cụ thể để giải quyết. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhà đầu tư và Tổng giám đốc công ty chưa có tiếng nói chung. Vì thế, hiện không có người ký giấy tờ để vận hành, công ty đang bị ngưng trệ hoàn toàn. "Tôi đã có công văn gửi cho Ban Quản lý các khu công nghiệp rồi và họ đã tiếp nhận thông tin này. Đối với doanh nghiệp khác, nếu nợ lương nhưng hoạt động bình thường không sao. Đằng này, Mosfly vừa nợ lương vừa không hoạt động, gần như phía trước không biết như thế nào", vị lãnh đạo công ty chia sẻ.

Nợ cả bảo hiểm xã hội

Không chỉ nợ lương nhân viên, mà theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, Công ty Mosfly Việt Nam Industries hiện đang nợ bảo hiểm xã hội.

Hơn 150 người lao động Công ty Mosfly bị nợ lương
Chị Đỗ Thị Diệu (sinh năm 1997) mượn máy tính chị gái để tìm công việc làm thêm ngoài giờ vì không thể nghỉ làm tại Mosfly, cũng không nhận được lương.

Cụ thể, ngày 21/6, Công ty Mosfly Việt Nam Industries có văn bản do ông Đỗ Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc gửi Bảo hiểm xã hội thị xã Tân Uyên (Bình Dương) về việc trích đóng bảo hiểm. Theo đó, công ty này đề nghị được gia hạn thời gian đóng bảo hiểm, miễn tiền nộp chậm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngày 28/6, Bảo hiểm xã hội thị xã Tân Uyên có công văn số 123/CV-BHXH nêu rõ: Theo các chỉ thị, nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Công ty Mosfly Việt Nam Industries chỉ được giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất khi thuộc đối tượng và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định; không có quy định gia hạn thời gian nộp bảo hiểm, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng dịch Covid-19.

“Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thu, chi; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội; không có thẩm quyền giải quyết việc miễn, giảm lãi, giãn thời gian trả nợ, giãn thời gian nộp tiền”, Bảo hiểm xã hội thị xã Tân Uyên cho biết.

Hơn 150 người lao động Công ty Mosfly bị nợ lương
Công ty Mosfly Việt Nam Industries có nhà máy sản xuất tại thị xã Tân Uyên.

Theo đó, Công ty Mosfly Việt Nam Industries phải đóng bảo hiểm cho người lao động chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng. Nếu Mosfly chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Liên quan đến sự việc, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp phải trả lương đúng hạn, đầy đủ cho người lao động. Bên cạnh đó, kỳ hạn trả lương được quy định như sau:

Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do 2 bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của 2 bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Ngoài ra, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Như vậy, Công ty Mosfly phải trả lương đúng hạn theo quy định trên và chỉ được nợ lương không quá 30 ngày trong trường hợp bất khả kháng.

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau: Từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ dưới 10 lao động; từ 10 - 20 triệu đồng vớii phạm từ 11 - 50 lao động; từ 20 - 30 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 lao động; Từ 30 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 lao động; từ 40 - 50 triệu đồng với phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động, tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt. “Mức phạt trên được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp này là công ty nên mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt nêu trên”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Theo luật sư Bình, nếu còn phát sinh tranh chấp, người lao động có thể gửi đơn đến hòa giải viên lao động. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Trường hợp hòa giải không thành, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động can thiệp hoặc yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền nơi công ty có trụ sở giải quyết, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này