Hậu quả từ nhiễu thông tin: Minh bạch thông tin bằng cách nào?

11:32 | 16/01/2015
Trong bối cảnh thông tin về thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị nhũng nhiễu thì mong muốn di cư ra nước ngoài tìm việc để thoát nghèo của nhiều người lao động (NLĐ) đã bị trục lợi. Vì thế, thúc đẩy di cư an toàn từ Việt Nam thông qua thí điểm thành lập “Văn phòng thông tin di cư" bước đầu đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho NLĐ và các cơ quan quản lý.

Lợi dụng cả chương trình hợp tác Chính phủ

Ngoài những thủ đoạn như LĐTĐ đã nêu, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) -Bộ LĐTBXH, thời gian gần đây, Cục tiếp nhận được nhiều phản ánh về những chương trình thí điểm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước (mà Bộ LĐTBXH là đầu mối tổ chức duy nhất) như chương trình hợp tác với  Chính phủ Đức, Nhật về tuyển chọn, đào tạo và đưa ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc tại hai quốc gia này cũng đang bị nhiều cá nhân và Cty mượn danh công khai rao tuyển.

Điều đáng chú ý, thông tin tuyển dụng của các công ty (phần lớn là các trường nghề, trung tâm tư vấn du học hay công ty truyền thông) này đều nêu chi tiết số lượng các ứng viên cần tuyển, cùng các chế độ và thủ tục tuyển tương tự như chương trình của Bộ LĐTBXH đang thực hiện. Đơn cử như Trung tâm hợp tác Việt Đức Fuu Sachsen Viet Nam, hay Bệnh viện Thái Hòa và Công ty cổ phần công nghệ Truyền thông Tương Lai (Đồng Tháp) đăng thông báo tuyển 30 ứng viên điều dưỡng sang CHLB Đức học tập và làm việc trong năm 2015.

Những ứng viên đầu tiên được cấp chứng chỉ tiếng Đức

57078

Còn Trường cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo thông tin tuyển sinh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại CHLB Đức với mức lương hấp dẫn, liên tục mở lớp khi có đủ số lượng học viên đăng ký… Theo ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN: “Cả 2 chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức đều đang được người lao động rất quan tâm, bởi mức lương ở các quốc gia này khá cao, từ 35- 50 triệu đồng/tháng. Thực tế, Bộ LĐTB&XH vẫn đang triển khai thí điểm và chỉ có Cục QLLĐNN là đầu mối duy nhất được tuyển chọn điều dưỡng viên đi làm việc tại 2 quốc gia này. Tất cả các hoạt động tuyển dụng đều là chương trình phi lợi nhuận và các ứng viên không mất chi phí, ngoại trừ chi phí làm visa. Trong trường hợp, các doanh nghiệp chưa được cấp phép mà vẫn ra thông báo tuyển, tổ chức tư vấn và tuyển chọn, thu phí của người lao động là hoạt động trái pháp luật, cần phải xử lý nghiêm”.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Cục QLLĐNN khuyến cáo: NLĐ không nên nộp hồ sơ qua các tổ chức, cá nhân mà không biết rõ thông tin. NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ cần tìm hiểu thêm thông tin trên trang website của Cục QLLĐNN: http://www.dolab.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý Lao động ngoài nước theo số ĐT 04.3936.66333 hoặc 04.3824.9517 (số máy lẻ 511, 513) để biết thông tin chính thức, tránh bị lừa đảo.

Hiện Cục QLLĐNN đã có danh sách 9 đơn vị (phần lớn có địa chỉ đăng ký tại Hà Nội) đang rao tuyển nguồn LĐ đi Đức và Nhật để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. Thậm chí, Cục cũng đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh các công ty nêu trên đang hoạt động không đúng với chức năng, có dấu hiệu lừa đảo và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc chương trình hợp tác, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng sự cả tin của người dân trong việc tham gia XKLĐ.

Cần thông tin di cư  chính thống

Một khảo sát độc lập của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với 97 lao động Việt Nam đang làm việc ở Malaysia cho thấy, có tới 50% trong số đó lấy thông tin từ những lao động khác hoặc là từ những tổ chức phi chính phủ, chỉ có 10% lấy thông tin từ tổ chức công đoàn. Điều này cho thấy, việc tiếp cận với nguồn thông tin chính thống của Nhà nước về việc làm ngoài nước của NLĐ vẫn vô cùng hạn chế.

Trước nhu cầu bức thiết của người di cư về quyền được tiếp cận, sử dụng kênh di cư chính thống, hợp pháp để được bảo vệ tốt hơn, mô hình Văn phòng thông tin di cư (MRC) đã ra đời và thí điểm triển khai tại Việt Nam (2012 - 2014)  với mục tiêu là trung tâm thông tin chính thống duy nhất để NLĐ có thể tự tìm kiếm thông tin tin cậy liên quan đến thị trường lao động ngoài nước.

Trong thời gian thí điểm, MRC đã tư vấn hỗ trợ thông tin về di cư cho 3.500 lượt lao động (mục tiêu trước đó là 1.000 lượt). Bình quân hằng tháng tư vấn cho khoảng 150 lao động, trong đó 70% số lượt tư vấn qua điện thoại. Ngoài ra, số lượng người truy cập trang web để tham khảo thông tin cũng rất lớn. Sau 2 năm hoạt động, đến nay có trên 100.000 lượt người truy cập, tra cứu thông tin và hỏi đáp. Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình MRC khi đã giải đáp, hỗ trợ về pháp luật, thị trường XKLĐ, hồ sơ nước đến, địa chỉ các văn phòng, tổ chức trợ giúp liên quan trong và ngoài nước… cho những người đã, đang và sẽ đi XKLĐ.

Đặc biệt, đề án chú trọng tới những nhu cầu riêng biệt của các nhóm dễ bị tổn thương, gồm người di cư không có giấy tờ, những người khuyết tật hoặc chịu các tổn thương nghiêm trọng do quá trình di cư, những người sống chung với HIV/AIDS, các nạn nhân bị mua bán người hay bị bóc lột và những người di cư không thành công thuộc các huyện nghèo theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ. MRC cũng đã thực hiện khảo sát với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và thân nhân NLĐ tại một số tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; đồng thời cũng thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương để đáp ứng thông tin nhanh cho NLĐ.

Dù những thông tin về di cư an toàn chưa thực sự "phủ sóng" được tới tất cả NLĐ trong cả nước nhưng hiệu ứng của nó đã thực sự đi vào cuộc sống. Hy vọng trong thời gian tới, MRC sẽ duy trì và mở rộng hoạt động như một bộ phận trong đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, là một đơn vị thông tin chính thống giúp NLĐ di cư an toàn.

Cty CP Da giầy Việt Nam (Leaprodexim) bị tạm dừng cung ứng LĐ

Cục Quản lý lao động ngoài nước  (Bộ LĐTBXH) vừa ban hành văn bản  tạm dừng cung ứng lao động sang làm việc tại Đài Loan, có thời hạn 45 ngày (kể từ ngày 30/12/2014) đối với Công ty Cổ phần Da giầy Việt Nam (Leaprodexim),  vì lao động do công ty và Công ty môi giới HHCP quốc tế Thánh Lực đưa đi làm việc tại Công ty HHCP công nghiệp điện tử Hệ Thống bị khấu trừ tiền ăn, ở không đúng quy định.  Cục QLLĐNN yêu cầu công ty không triển khai việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan và không tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động để đưa sang làm việc tại Đài Loan trong thời gian bị tạm dừng để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên và báo cáo Cục xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này