Đô thị hóa - Bản sắc văn hóa còn hay mất?

18:39 | 29/06/2021
(LĐTĐ) Nhiều người cho rằng, Hà Nội mở rộng, nông thôn cũng bị đô thị hóa làm phai nhạt bản sắc văn hóa, bản sắc con người ở vùng miền, thậm chí lo ngại những giá trị văn hóa truyền thống sẽ bị lung lay. Thực tế cho thấy, ở nhiều vùng nông thôn, bản sắc ấy vẫn giữ nguyên và phát huy cùng thời đại.
Nét đẹp văn hóa nhìn từ những khu dân cư Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân

Bài 1: Nông thôn mới và cốt cách làng quê

Quá trình “bê tông hóa”, đô thị hóa nông thôn đã giúp cho nhiều làng quê xóa được cảnh vách đất, mái tranh, đường sá mấp mô, lầy lội, thay vào đó là các ngôi nhà, những con đường, cầu bê tông kiên cố, giúp cải thiện điều kiện sống cho nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự phát triển kinh tế, xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cũng rất quan trọng vì nó tạo nên bản sắc của nông thôn Việt Nam. Chính những giá trị tinh thần ấy là hồn quê đất Việt qua hàng nghìn năm lịch sử.

Lưu giữ văn hóa đình làng

Không chỉ là kiến trúc, cảnh quan, những giá trị văn hóa nổi bật của làng quê là tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng cũng được nhiều nơi gìn giữ. Ở làng quê cũng thể hiện rất rõ thuần phong mỹ tục của dân tộc với nền nếp gia phong, tôn trọng hương ước, phản ánh cốt cách người nông dân cần cù, chất phác, đôn hậu, giàu lòng nhân ái.

Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì là một xã nằm gần với quận Hà Đông, quận Hoàng Mai. Tuy là một địa danh mang dấu tích “làng cổ”, nhưng tốc độ đô thị hóa trong nhiều năm khiến Thanh Liệt có cấu trúc giống như một quận nội thành. Vẫn còn đó những bóng dáng cây đa, giếng nước, sân đình nhưng những con đường nông thôn không còn nhiều. Nhưng không vì thế mà Thanh Liệt lại thiếu đi những cảnh quan, kiến trúc đặc trưng và đặc biệt là bản sắc văn hóa của con người vùng đất Thanh Trì đoàn kết, gắn bó.

Kỳ 1: Bê tông hóa nhưng không đánh mất bản sắc
Người dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cạo từng mét tường để vẽ tranh bảo vệ môi trường

Người dân đi qua vùng Thanh Liệt không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên nhiều con đường, người dân ra sức “cọ rửa” những bức tường bẩn, phủ rêu, dọn vệ sinh xung quanh để bắt đầu vẽ lên những bức tranh nông thôn tươi đẹp. Không ai bảo ai, những con người cần mẫn cạo từng mét tường đến khi trắng bong, rồi họ lại chở đến những thùng sơn để tiếp tục làm đẹp con đường. Trong lúc làm việc, qua những khoảng cách khá xa để phòng, chống dịch, những người “quét tường” không lương í ới trò chuyện với nhau khiến con nắng ban trưa vì thế mà dịu đi, để lại những giọt mồ hôi thấm qua nếp áo.

Một người dân chia sẻ rằng, ở Thanh Liệt, bà con không chỉ “tối lửa tắt đèn có nhau”, mà trong mỗi hoạt động đều chung sức đồng lòng. Chẳng bàn bạc quá nhiều, cũng chẳng bày vẽ to tát, chỉ cần những việc làm ấy có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội, với bản thân mỗi người dân là họ cùng nhau “ra quân”.

Vào những ngày này, quanh những gốc đa, những đoạn “bùng binh”, những khu vực vui chơi… sắc hoa hồng, hoa tím, hoa vàng rực rỡ. Không chỉ trồng hoa trên đất, người dân xã còn tạo ra những con đường hoa bằng những giỏ hoa treo cao. Hoa được treo trên những cột đèn, những giá đựng hoa hình tròn, hình vuông, hoa được treo trên những bức tường trong ngõ xóm, được treo trên tường rào của những cơ quan, doanh nghiệp… đến từng nhà dân; hoa được trồng trong chậu lớn, chậu nhỏ đặt quanh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng… Đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa.

Kỳ 1: Bê tông hóa nhưng không đánh mất bản sắc
Người dân xã Phú Xuyên cùng nhau trồng hoa làm đẹp cảnh quan nông thôn mới

Tự hào về con đường hoa với sự chung tay của bà con tạo nên, xua tan đi không khí ảm đạm của những ngày dịch bệnh, chị Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Liệt chia sẻ: “Người dân xã rất đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sạch đẹp, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, tập kết rác thải sinh hoạt không đúng giờ mất mỹ quan đô thị; và đây cũng là minh chứng trực quan sống động đối với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực trồng và chăm sóc các loại cây, hoa trên các tuyến đường làm đẹp cảnh quan môi trường quê hương Thanh Liệt”.

Vun đắp tình làng nghĩa xóm

“Dân ta nhớ một chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, đó là câu ca dao mang truyền thống văn hóa tốt đẹp của những người dân cho đến ngày nay, đặc biệt là ở những vùng nông thôn của Thủ đô. Nhưng cũng có một câu ca dao mà ai cũng nhớ, đó là “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Đến với xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), hỏi đâu người dân cũng biết nhà em Nguyễn Văn Duy bởi hoàn cảnh đặc biệt của em. Năm nay, tuy đã lên 8 tuổi nhưng Duy vẫn chưa được cắp sách đến trường vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ em sức khỏe yếu, lại bị ảnh hưởng thần kinh nên không nhận thức và chăm sóc bản thân. Hiện nay 2 mẹ con em phải ở nhờ nhà người thân. Thế nhưng, em không đơn độc. Hằng ngày, nhờ sự cưu mang của anh chị em, hàng xóm láng giềng, cuộc sống của Duy được đỡ đần phần nào.

Chia sẻ với hoàn cảnh của Duy, các chị em ở thôn, xóm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Yên và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Xuyên đã quyên góp, giúp đỡ, tặng xe đạp, bàn ghế, đồ dùng học tập, giúp em làm hồ sơ nhập học để em được đến trường. Không những thế, các bà, các mẹ trong Hội Phụ nữ xã còn thường xuyên đến dọn nhà, giúp đỡ nấu cơm cho Duy và hướng dẫn em học bài. Tinh thần tương thân, tương ái ấy đã động viên em để bước những bước đầu tiên trên chặng đường đến với con chữ.

Kỳ 1: Bê tông hóa nhưng không đánh mất bản sắc
Hình ảnh cảm động khi những phụ nữ mang khẩu trang tới đeo cho cụ già ở huyện Phú Xuyên.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, bác của Duy cho biết, nhờ có sự quan tâm của bà con xã nên Duy đã có sách vở đến trường, có đồ dùng học tập để học tiểu học ở Trường Tiểu học Phú Yên. Năm nay nếu dịch Covid-19 không quay trở lại thì Duy cũng đã được thi học kỳ và kết thúc năm học.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Yên cũng cho biết, cùng với sự giúp đỡ của địa phương, trong thời gian tới Hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ mẹ Duy được đi khám, điều trị bệnh và đồng hành cùng Duy trong chặng đường phía trước.

Tinh thần tương thân, tương ái của người dân Phú Xuyên còn được thể hiện khi ngày càng có nhiều mảnh đời khó khăn được nâng đỡ, chăm sóc. Đinh Đức Vinh (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A) bị ung thư máu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hoàn cảnh và bệnh tình của Vinh, các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên và nhân dân địa phương đã ủng hộ số tiền gần 170 triệu đồng, trong đó các cấp Hội giúp đỡ hơn 20 triệu đồng từ mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ vòng tay nhân ái” và số tiền vận động các nhà hảo tâm để giúp Vinh điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Chị Hoàng Thị Ngần, mẹ Vinh, chia sẻ: “Tình cảm mà các chị ở Hội Phụ nữ và bà con trong xã đối với gia đình đã động viên cháu Vinh và chúng tôi rất nhiều. Các chị đã rất vất vả, xin nhận của chúng tôi một lời cảm tạ”...

Còn rất nhiều những bản sắc văn hóa khác vẫn còn tồn tại trong đời sống mỗi người dân Thủ đô. Ví như ở làng quê Thạch Thất, người dân quay quần sớm tối bên nhau, cùng nhau sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của người Mường, cùng nhau ca những điệu chèo cổ để giao lưu, giữ gìn sự gắn kết. Ví như ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, người dân đã chung tay góp vào nguồn xã hội hóa để khôi phục Lễ hội đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân… Ở nhiều vùng quê được “bê tông hóa” khác, người dân vẫn có thói quen sinh hoạt văn hóa ở sân đình, cùng chơi những trò chơi dân gian, nghe già làng kể chuyện sự tích…

“Bê tông hóa” nhưng không đánh mất cây đa, giếng nước, sân đình; có bát ăn bát để nhưng tối lửa tắt đèn vẫn có nhau, đó mới chính là bản sắc văn hóa nông thôn Việt.

Bảo Thoa

Bài 2: Giữ hồn văn hóa khi “phố tiến về làng”

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này