Ở vai trò thủ lĩnh, cán bộ Công đoàn phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động

20:12 | 23/06/2021
(LĐTĐ) Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, người cán bộ Công đoàn thời kỳ mới muốn làm tròn vai trò thủ lĩnh phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động, vui niềm vui của công nhân lao động. Tạo sự gắn bó, sẻ chia chân thành với niềm vui và thấu hiểu những khó khăn của họ.
Hà Nội: Ban hành quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân phường khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc gội đầu, ăn uống trong nhà từ 0 giờ ngày 22/6

Giai đoạn hiện nay tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức Công đoàn Thủ đô nói riêng đang đứng trước những cơ hội, thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động. Trong bối cảnh đó, vai trò của cán bộ công đoàn càng trở nên quan trọng bởi cán bộ là gốc rễ của mọi phong trào. Người cán bộ Công đoàn thời kỳ mới có tri thức, hiểu biết, vận dụng được tri thức để phụng sự giai cấp công nhân sẽ thực sự là thủ lĩnh tin cậy của người lao động.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đã chỉ ra rằng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn hiện nay gồm 3 tiêu chí cơ bản: Thể lực, tâm lực và trí lực.

Ở vai trò thủ lĩnh, cán bộ Công đoàn phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ chỉ ra rằng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn hiện nay gồm 3 tiêu chí cơ bản: Thể lực, tâm lực và trí lực.

Trong đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ nhấn mạnh nâng cao trí lực là tiêu chí rất quan trọng biểu hiện chất lượng muồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc nâng cao tâm lực cũng là yêu cầu quan trọng để cán bộ Công đoàn hiểu được lòng người, hiểu được diễn biến tâm lý mà công nhân lao động đang phải trải qua. Để từ đó thông cảm, sẻ chia với những lo toan, vất vả của họ trong công việc và đời sống thường nhật.

Đúc rút từ thực tế, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, vấn đề ưu tiên số một của công nhân lao động là lương và thu nhập. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát đã công bố của Viện Công nhân và Công đoàn, số công nhân lao động có khoản thu nhập để sau khi chi tiêu có thể dành dụm không nhiều (không quá 30. Số lao động có thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống chiếm 50%, còn lại là thiếu, phải vay mượn để chi tiêu hằng ngày. %). Về cơ bản công nhân lao động đang ăn lạm vào thu nhập thực tế của họ, kể cả họ đã chi tiêu ở mức dè xẻn nhất.

“Ăn đong là từ để diễn đạt rõ nhất tình trạng đời sống của công nhân lao động hiện nay. Vì vậy hiểu rõ và thông cảm, sẻ chia với những khó khăn hiện nay của người lao động là yêu cầu số một của cán bộ Công đoàn - những người giữ vai trò là thủ lĩnh của công nhân lao động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ khẳng định.

Ở vai trò thủ lĩnh, cán bộ Công đoàn phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường thăm hỏi, trao hỗ trợ cho chị Nguyễn Thị Tằm bị tai nạn lao động.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn Thủ đô thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ cũng đưa ra quan điểm về yêu cầu đối với cán bộ Công đoàn, những người mà ông gọi là “ thủ lĩnh của công nhân lao động”.

Trước tiên, cán bộ công đoàn phải được số đông công nhân lao động tự nguyện suy tôn là thủ lĩnh. Người cán bộ Công đoàn phải từ lao động để trưởng thành lên, cũng từ lao động vất vả như những người thuộc giai cấp mình, thuộc đẳng cấp mình mới hiểu được giá trị của lao động. Không từ lao động, không thấu hiểu cái vất vả của lao động thì cũng không hiểu được đời sống của công nhân lao động. Và một logic hiển nhiên là cán bộ công đoàn sẽ không thể đấu tranh và bảo vệ tới cùng quyền được làm việc và lợi ích từ việc làm mà công nhân lao động đã và đang tiến hành. Đây cũng giải thích vì sao số đông công nhân lao động tự nguyện suy tôn người cán bộ Công đoàn là thủ lĩnh của họ.

Ngoài ra, cán bộ Công đoàn phải là người có học vấn, có tri thức, có hiểu biết, gọi chung là người có trình độ. Có thể nắm được, hiểu được quy luật vận động của quá trình kinh tế - xã hội. Người cán bộ công đoàn phải biết đem cái tri thức, sự hiểu biết đó phụng sự giai cấp công nhân và người lao động. Những tri thức này, cán bộ Công đoàn phải học từ trường lớp và học từ việc lăn lộn với công nhân lao động.

“Công nhân cần người sâu sát, thấu hiểu cuộc sống của họ. Người cán bộ Công đoàn phải trả lời được những câu hỏi hết sức bức xúc hiện nay đó là: Làm cách nào để công việc hằng ngày của họ bớt vất vả? Làm thế nào để thu nhập chính đáng của họ cao hơn? Làm cách nào để họ nâng cao được năng suất lao động? Có lẽ học vấn, tri thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm sống và làm việc của người cùng “đồng cam cộng khổ” với công nhân lao động sẽ giúp cán bộ công đoàn trả lời được những câu hỏi đó.

Vì vậy, hiểu được quy luật vận động của kinh tế, hiểu được cách làm việc, cách tổ chức cuộc sống và đem sự hiểu biết ấy cùng bàn luận, chia sẻ với công nhân lao động một cách bình đẳng… cũng là trách nhiệm của người cán bộ Công đoàn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ nói.

Ở vai trò thủ lĩnh, cán bộ Công đoàn phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động
Chia sẻ với đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, công nhân lao động là số đông, cán bộ công đoàn là số ít. Do vậy, cán bộ Công đoàn phải là người biết lắng nghe, biết chia sẻ chân thành với công nhân lao động... Bởi chỉ như vậy mới có thể hiểu những mong muốn của công nhân lao động. Từ chỗ hiểu sẽ nảy sinh các phương pháp, cách làm để đáp ứng những mong muốn chân thành của công nhân lao động.

Chẳng hạn vấn đề tiền lương và thu nhập luôn day dứt của công nhân và những người lao động. Những mối lo này luôn thường trực, nhất là ở những người lao động có thu nhập thấp, chi tiêu nhiều khiến họ phải lo nghĩ tới mức quẫn bách. Đây cũng là lúc người lao động cần những sẻ chia chân thành và hiệu quả nhất của cán bộ công đoàn. Cán bộ Công đoàn gần gũi công nhân lao động để bàn bạc, tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn một cách đúng đắn hợp pháp. Người lao động sẽ như đang gặp “quý nhân phù trợ”. Họ sẽ nghĩ rằng do “ở hiền” nên mới gặp được sự may mắn lớn như vậy. Đó là chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Trong những trường hợp như vậy rất cần đến sự “dấn thân” hành động của người cán bộ Công đoàn.

“Cán bộ Công đoàn muốn làm được vai trò thủ lĩnh, phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động, vui niềm vui của công nhân lao động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ đặc biệt nhấn mạnh.

Thực chất đó là sự gắn bó chia sẻ chân thành với niềm vui, hạnh phúc và thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của công nhân lao động. Muốn vậy phải tạo cho cán bộ Công đoàn chỗ đứng xứng đáng trong quản trị doanh nghiệp. Để là được điều đó cần tưởng thưởng cho chính cán bộ; tưởng thưởng trong đội ngũ những người làm phong trào để họ được khích lệ và thi đua lẫn nhau.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này