Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

18:15 | 22/06/2021
(LĐTĐ) Mặc dù trong xu thế đô thị hóa nhưng hiện nay thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn giữ được khá nhiều nét cổ với hình bóng cây đa, sân đình. Cùng với đó, dấu ấn của làng nghề nhiếp ảnh có lịch sử 120 năm cũng được người dân nơi đây chung tay bảo tồn thông qua Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.
Hà Nội mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc gội đầu, ăn uống trong nhà từ 0 giờ ngày 22/6 Loay hoay tìm việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được biết đến là một làng nghề độc nhất vô nhị, chuyên "lưu giữ" khoảnh khắc thời gian. Nếu không rành lai lịch của Lai Xá, thật khó hình dung được rằng đây lại là nơi "phát tích" của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã có lịch sử 120 năm.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Uống nước nhớ nguồn, nhân dân Lai Xá đã đóng góp xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá để kể câu chuyện làng, câu chuyện nghề, về niềm tự hào của các thế hệ tiếp nối đã và đang gìn giữ, phát huy nghề ảnh của cha ông để lại. Đến tháng 5/2017, Bảo tàng được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là Bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn (một làng) được xây dựng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của mình. Đây cũng là Bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Bảo tàng là một tòa nhà 2 tầng, tọa lạc ở giữa làng với tổng diện tích trưng bày gần 300m2 với khoảng 150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày; 15 tủ kính, bàn trưng bày với trên 100 hiện vật gắn với lịch sử phát triển của nghề. Tầng 1 là nơi đón tiếp khách và là phần mở đầu của Bảo tàng, nơi giới thiệu chung về Bảo tàng; tầng 2 chia thành nhiều không gian nhỏ, mỗi không gian là một chủ đề riêng.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông Tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta?
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Người làng đã dành hẳn một không gian để kể về “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá” - đó là cụ Nguyễn Đình Khánh. Từ những năm 1890, cụ Khánh Ký học nghề ở hiệu ảnh Du Chương của người Hoa. Sau đó, học trò của cụ đã gây dựng nên một mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh lớn mạnh trong cả nước.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Mặc dù có diện tích không lớn nhưng không gian trưng bày của Bảo tàng vẫn rất đa dạng. Từ không gian của tổ nghề nhiếp ảnh, nhiếp ảnh xưa, không gian bếp núc của người thợ ảnh truyền thống cho tới không gian của nhiếp ảnh hiện nay của làng Lai Xá.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Để có được những tư liệu hết sức quý giá đó là nhờ ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng đã cùng một số nhiếp ảnh gia của làng... tổ chức một “ban vận động” để đi tìm kiếm và thuyết phục các gia đình còn sở hữu hiện vật nhiếp ảnh của làng Lai Xá đóng góp.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Không gian về các hiệu ảnh xưa chứa đựng nhiều tư liệu về một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ XX cho đến năm 1975. Nhiều gia đình có truyền thống ảnh như con cháu của ông Phạm Văn Tám, Phạm Văn Mười (hiệu ảnh Tân Lai, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Bối (hiệu ảnh Minh Tân, Nam Định) mang đến cho Bảo tàng nhiều bức ảnh quý được chụp vào những năm 1940
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Đặc biệt, cuối tháng 2/2020, ông Nguyễn Văn Thắng đã liên hệ và gặp được vợ chồng chủ hiệu ảnh Mỹ Lai ở thành phố Hồ Chí Minh để đón nhận 2 máy ảnh gỗ cổ có giá trị lịch sử rất lớn mang về trưng bày tại Bảo tàng.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Những tác phẩm tiêu biểu của các nhiếp ảnh gia Lai Xá được trưng bày tại Bảo tàng.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Máy ảnh gỗ chụp ảnh bằng phim kính hiệu Lumière của Pháp được thợ ảnh Lai Xá sử dụng trước 1945.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Không gian buồng tối được Bảo tàng mô phỏng lại cho khách tham quan.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Một cuốn album ảnh gia đình thời xưa. Những câu chuyện được kể trong Bảo tàng sẽ giúp khách tham quan trong và ngoài nước hiểu sâu sắc hơn về con người và văn hóa Việt Nam qua trải nghiệm về một làng nghề trong suốt hơn một thế kỷ đầy biến động.
Dấu ấn vàng son của nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Từ khi đưa vào hoạt động, Bảo tàng đã đón nhiều lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan. Sự xuất hiện của Bảo tàng dù nhỏ hay lớn, ở quy mô thôn làng hay quốc gia cũng có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, đến ý thức của người dân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử.

P.Ngân - K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này