Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền

11:43 | 19/06/2021
(LĐTĐ) Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò và sứ mệnh đặc biệt quan trọng. Ngay tại các khu dân cư, tổ dân phố, báo chí cũng đóng vai trò là “cầu nối” giúp người dân đến gần hơn các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời, mang tiếng nói của người dân đến với các cấp chính quyền.
Phát huy vai trò của báo chí Cách mạng trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô Xây dựng đô thị thông minh không thể thiếu vai trò của báo chí ​Phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông dân số

Kênh thông tin quan trọng

Hiện nay, có thể khẳng định báo chí đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Ở mỗi loại hình, báo chí đều bám sát vào đặc điểm, tình hình thực tiễn của mỗi địa phương để thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”. Ví dụ điển hình như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền chủ trương, Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp chính quyền nhằm nâng cao ý thức người dân, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền
Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thông tin từ cơ sở. Ảnh: K.Tiến

Nói về vai trò của báo chí, ông Phạm Văn Hà, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Khu dân cư số 3 (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Có thể nói, chưa bao giờ thông tin báo chí lại được người dân theo dõi sát sao như thời điểm xảy ra dịch Covid-19 và cũng ít có khi nào thông tin trên báo chí lại dồi dào, minh bạch và đồng loạt như vậy.

Không chỉ chung sức, báo chí còn là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin với việc phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Đã có những tác phẩm báo chí ra đời trong thời điểm dịch căng thẳng, những phóng viên, nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để ghi nhận tình hình, công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly.

“Trước thực trạng “ma trận” thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng thì thông tin báo chí đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.

Thông qua báo chí, người dân không chỉ cập nhật kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trong nước, quốc tế mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng tránh dịch bệnh”, ông Phạm Văn Hà chia sẻ.

Bên cạnh nhưng tin tức thời sự, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, sự đồng hành của báo chí trong ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội…

Đặc biệt, khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì liên tục. Tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Đề cao vai trò của báo chí ngay từ cơ sở, bà Hoàng Thanh Mai, Tổ trưởng Tổ dân phố 19 (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, thời gian qua, bà cũng như những người dân tại địa phương luôn theo sát những thông tin từ các nguồn chính thống.

“Tôi nhận thấy, báo chí đã kịp thời bám sát các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Báo chí cũng quan tâm phản ánh những khó khăn của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối họ với những tấm lòng, sẻ chia trong cộng đồng.

Ngoài ra, báo chí cũng thể hiện tính chiến đấu trong việc phát hiện, phản ánh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát…”, bà Hoàng Thanh Mai chia sẻ.

Là “tiếng nói” của mỗi người dân

Từ trước đến nay, Báo chí Việt Nam được Đảng ta gọi là “báo chí cách mạng”. Do đó, hơn ai hết, đội ngũ người làm báo đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước thời đại mới. Mỗi người làm báo tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thần dũng cảm tiến công. Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, trên hành trình chinh phục đam mê nghề nghiệp của mình, những người làm báo chân chính đã chọn hướng “đi về phía nhân dân”, là tiếng nói của mỗi người dân.

Điển hình, mới đây, báo chí góp phần rất quan trọng vào thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vai trò của báo chí không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật nâng cao nhận thức của người dân. Báo chí đã tập trung đưa các thông tin tích cực để lấn át các thông tin tiêu cực, lan tỏa những thông tin tích cực trong xã hội…

“Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã góp phần đưa nguyện vọng, tiếng nói của người dân chúng tôi đến các cấp chính quyền”, bà Hồ Thị Thanh Tâm (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Trước đó, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội đã có sự khởi sắc nhất định. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đời sống của nông dân từng bước nâng lên. Các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư, triển khai thực hiện góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.

Theo ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đạt được kết quả đó, trước hết là công sức của nhân dân, sự của lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, những người làm báo góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để cán bộ và nhân dân thực hiện.

Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân thông qua việc phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của người dân về những bất cập, những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhiều chương trình được đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Thời gian qua, với những nỗ lực của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền kịp thời trong việc thực hiện chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các cấp chính quyền cũng như người dân đã ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan báo chí. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên các cơ quan báo chí đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến hình thức sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu thông tin của bạn đọc ngay từ cơ sở./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này