Người làm báo trước thách thức hội tụ truyền thông

07:03 | 21/06/2021
(LĐTĐ) Cùng với sự phát triển của xã hội, môi trường báo chí, phương tiện truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ. Hội tụ truyền thông trở thành xu thế vận động và phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông hiện đại. Đây là thách thức lớn và cũng là cơ hội để người làm báo tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung trên toàn cầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chúc mừng báo Lao động Thủ đô nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Hội tụ truyền thông tạo dấu ấn đặc biệt

Từ khi ra đời và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam là phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết nối xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Bước vào thời kỳ kỷ nguyên số, nền báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Hội tụ truyền thông là sự tích hợp các phương tiện báo chí khác nhau vào trong một phương thức hoạt động, mở ra kỷ nguyên mới của truyền thông đa phương tiện.

Người làm báo trước thách thức hội tụ truyền thông
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô.

Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo. So với các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới được truyền phát thông qua mạng Internet tạo ra một không gian rộng rãi hơn cho cuộc “cách mạng” của báo chí truyền thông hiện đại. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra sự kết hợp mềm mại về thời gian, không gian của các phương tiện truyền thông truyền thống vốn tồn tại đơn lẻ trước đây như báo in, phát thanh và truyền hình.

Thực tiễn cho thấy, hiện nay, tính năng hội tụ của các phương tiện truyền thông trên mạng Internet không ngừng nâng cao, cách thức, hình thức tiếp nhận và truyền phát thông tin ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều tòa soạn báo chí đã xây dựng các chương trình đa phương tiện để hấp dẫn công chúng. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt…

Các cơ quan báo chí và người lãnh đạo cần có các giải pháp để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Mỗi phóng viên báo in còn phải là người thông thạo làm báo mạng. Báo in hay báo mạng ở đây chỉ là cách thay đổi cho phù hợp. Công việc báo chí dù theo thể loại gì, cũng là một, nghĩa là phải đưa tin chính xác, trung thực, có kỹ năng viết thông tin hấp dẫn.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng đưa tin bài tùy tiện, vi phạm đạo đức, nguồn nhân lực báo chí phải được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp từ các cơ sở đào tạo hoặc các cơ quan báo chí cần đào tạo lại cho đội ngũ làm báo một cách chính quy, hiện đại về tất cả ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 này để tạo ra sản phẩm báo chí có chất lượng cao.

Tự đổi mới để bắt kịp xu thế

Trong môi trường hội tụ truyền thông, sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống luôn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự tác động của các phương tiện truyền thông mới. Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên phải rất nỗ lực, đầu tư nhiều công sức trong thời gian nhanh nhất để có được một tác phẩm báo chí đa phương tiện.

Để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống, phải biết xử lý ảnh và video, đặc biệt biết sử dụng mạng xã hội để tăng giá trị cho tờ báo điện tử của mình và coi công chúng là đối tác trong quá trình tác nghiệp.

Mặt khác, nhà báo “đa kỹ năng” cần phải hiểu công chúng và kiểm chứng thông tin từ truyền thông xã hội. Một trong những điều quan trọng kết nối giữa nhà báo với công chúng là có thể thu thập được rất nhiều kiến thức và giá trị từ công chúng qua nhiều “kênh” khác nhau.

Yêu cầu đối với một nhà báo “đa kỹ năng” cần phải linh hoạt để vừa có thông tin, vừa có hình ảnh tĩnh và hình ảnh động, và điều quan trọng là luôn ý thức về việc gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, nhà báo cần chú ý đưa tin nhanh, nhưng phải phản ánh đầy đủ sự thật, bởi không phải cái gì nhanh cũng đúng.

Trên thực tế, vẫn còn tồn tại tình trạng một số người làm báo chưa biết sử dụng các phần mềm điện tử để ứng dụng trong làm báo. Không ít biên tập viên lúng túng khi sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản, chỉnh sửa lỗi morat trên phần mềm thiết kế. Việc xử lý hình ảnh, dựng audio, video, đồ họa...còn là công việc khá lạ lẫm với nhiều người. Đây chính là những rào cản việc làm chủ công nghệ của các nhà báo hiện nay.

Thời gian gần đây, nhiều báo đã áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ. Đây là một mô hình tòa soạn hiện đại, trong đó có sự hợp nhất giữa các phòng (ban) chuyên môn trong tòa soạn. Thay vì tác nghiệp riêng rẽ từng mảng như truyền hình, phát thanh, báo in, báo mạng điện tử thì các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo cùng làm việc trong một không gian mở trên một mặt phẳng. Từ đó tạo ra một hệ thống giao tiếp mở, lãnh đạo tòa soạn có thể đưa ra chỉ thị kịp thời và thống nhất về nội dung đến từng thành viên trong tòa soạn. Các nhà báo có thể thu thập, xử lý thông tin ngay tại chỗ, sau đó thể hiện các bản tin qua các phương tiện truyền thông khác nhau.

Hội tụ truyền thông khiến mỗi thành viên trong tòa soạn không chỉ trau dồi nghiệp vụ mà còn nâng cao kỹ năng mềm, tính kỷ luật và tương tác đội nhóm. Thư ký tòa soạn chính là đầu mối quan trọng để liên kết các bộ phận chuyên môn với nhau, điều tiết công việc kết hợp giữa các bộ phận được ăn ý. Tòa soạn hội tụ đòi hỏi cao hơn ý thức kỷ luật vì chỉ một mắt xích trong hệ thống làm việc chậm chạp, vô kỷ luật cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xuất bản báo.

Biên tập viên báo in không chỉ đơn thuần biên tập tin bài, rà soát chính tả mà còn cần biết xây dựng kế hoạch cho từng trang báo mình phụ trách và có trách nhiệm theo sát từ đầu đến tận khâu cuối cùng trước khi chuyển nhà in. Việc áp dụng tòa soạn hội tụ đã khai thác triệt để năng lực của các biên tập viên, hướng đến sự chuyên nghiệp, tiết kiệm được chi phí và tăng năng suất lao động hơn trước đây.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Một số tòa soạn báo tại Hà Nội đã áp dụng mô hình làm việc tòa soạn “ảo”. Các biên tập viên, họa sĩ, thư ký trực làm việc tại nhà và kết nối với nhau qua không gian mạng. Điều đặc biệt là các tòa soạn này không chỉ xuất bản báo điện tử mà còn xuất bản báo in bằng hình thức này. Đây là cách làm việc linh hoạt, sáng tạo đáng ghi nhận của người làm báo trong tình hình đặc biệt.

Có thể nói, Ban biên tập và các phóng viên, biên tập viên đang đứng trước những thách thức của cách làm báo hiện đại thời kỳ công nghệ số. Mỗi người đều cần tự trau dồi thêm kỹ năng làm báo, nỗ lực vượt bậc để hòa vào dòng chảy phát triển toàn cầu của báo chí trong nước và thế giới./.

Lâm Bình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này