Kỷ niệm không bao giờ quên

11:42 | 19/06/2021
(LĐTĐ) Trong một năm rưỡi qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí. Đối với đội ngũ những người làm báo, đây chính là khoảng thời gian tác nghiệp “không bao giờ quên”.
Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn Phóng viên các cơ quan báo chí Thủ đô đi thực tế tại một số đồn Biên phòng tỉnh Điện Biên

Dịch Covid-19 đã làm nhiều ngành, nhiều giới phải điều chỉnh hoạt động của mình thì chính báo chí cũng phải tự điều chỉnh để không chỉ thích nghi mà còn phải thực hiện tốt vai trò thông tin, định hướng của mình. Thực tế cho thấy, báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực để góp phần cùng cả nước vượt qua từng đợt dịch và chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng trước đại dịch này.

Kỷ niệm không bao giờ quên
Các phóng viên, nhà báo đã có những tháng ngày làm việc không quên

Còn nhớ, khoảng cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, báo chí nước ta đã thông tin rất sớm, kịp thời tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và có những cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam. Bối cảnh bùng phát dịch ở nước ta vào những thời điểm dường như dễ xảy ra mất cảnh giác, đó là ngay vào lúc đang nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đi khắp nơi du xuân, còn lực lượng báo chí vẫn hằng ngày theo dõi tin tức, cảnh báo đến người dân. Cũng như các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch, đội ngũ phóng viên, báo chí đã trải qua 2 cái Tết “đặc biệt", vừa ăn Tết, vừa “trực chiến”.

Cũng như những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, các phóng viên đã có những ngày tháng không quên khi tác nghiệp ở những tuyến đầu chống dịch. Trong thời điểm có dịch, mọi biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan báo chí đều đã được kích hoạt ở mức cao nhất. Trước những diễn biến khôn lường của dịch bệnh, mỗi cán bộ, phóng viên đều có nguy cơ trở thành F1, F2, F3… bất cứ lúc nào. Nhưng không vì thế mà những cán bộ, phóng viên rời “trận địa”, và luôn quyết tâm “còn dịch còn chiến đấu”…

Các tòa soạn báo chí, các đài phát thanh - truyền hình cũng đã trải qua những ngày tháng làm việc xuyên đêm để có được những bản tin cập nhật về dịch bệnh nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất. Một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chưa từng có về dịch Covid-19 ở Việt Nam và toàn cầu đã được tái hiện sinh động, chân thực và đầy ấn tượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong gần 2 năm qua. Và để có được điều đó, những người làm báo chuyên theo dõi mảng sức khỏe, những phóng viên thời sự đã xác định tâm thế tác nghiệp mới.

Đây cũng chính là thời điểm các phóng viên, nhà báo bước vào đợt làm việc căng thẳng nhất. Toàn bộ tòa soạn được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phóng viên, “trực chiến” ngày đêm để có được bản tin tổng hợp cập nhật nhất theo từng múi giờ. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã liên tục làm nhiệm vụ cập nhật nhanh nhất về các thông tin chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; về ghi nhận những ca mắc mới, tình hình điều trị của Việt Nam; về những chính sách của Việt Nam đối với công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch; về chính sách nhân đạo của Việt Nam trong những chuyến bay quốc tế đưa công dân Việt Nam về nước…

Thậm chí, nhiều tờ báo, nhiều đài truyền hình sẵn sàng “cài cắm” phóng viên sống tại tâm dịch để có những bản tin trực tiếp hằng ngày. Ở đó, họ không chỉ ghi nhận câu chuyện vất vả, khó khăn của các y, bác sĩ, các cán bộ y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, các cán bộ địa phương tại vùng dịch, mà họ còn ghi lại những câu chuyện đẹp trong hành trình người dân cả nước cùng đồng lòng, chung sức, tuân thủ cách ly để thực hiện thắng lợi cuộc chiến Covid-19.

Có thể nói, đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí, đó là những ngày tháng không chỉ sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của loại dịch bệnh mới Covid-19, mà còn là những thách thức trên mặt trận thông tin. Để có được những điểm riêng, độc đáo trong những tác phẩm báo chí, thậm chí, nhiều phóng viên đã xung phong nhận nhiệm vụ đến vùng tâm dịch, lăn xả vào điểm nóng, chấp nhận thiệt thòi xa gia đình làm việc ngày đêm khi cả xã hội đang giãn cách xã hội.

Họ cũng chính là những người đã và đang sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, đồng cam, cộng khổ cùng các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch để đóng vai là “người kể chuyện”. Họ sẵn sàng xa gia đình cả tháng, chấp nhận cách ly tập trung hoặc thuê phòng trọ ở riêng, phải thu xếp gửi con cái về nội, ngoại… và họ cũng chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, để có được những câu chuyện để lan tỏa cảm xúc tích cực đến với mọi người cùng đồng hành trong cuộc chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Và trong trước tình hình đó, nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, phóng viên, nhiều tòa soạn cũng đã chia đội ngũ làm việc ra các nhóm tách biệt, không tiếp xúc giữa các nhóm để giảm xác suất rủi ro lây nhiễm. Từ phía sau, các tòa soạn báo làm việc online ngày đêm, xuất bản nhiều chuyên trang tuyên truyền riêng về dịch bệnh Covid-19.

Cũng như nhiều tờ báo khác, các ấn phẩm của báo Lao động Thủ đô cũng nhanh chóng vào cuộc, coi nhiệm vụ thông tin về dịch bệnh đến người dân là cấp bách hàng đầu. Báo Lao động Thủ đô điện tử đã đưa tin nhanh, thành lập Tổ công tác tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19, xuất bản hàng nghìn tin, bài thời sự, chuyên sâu, các bài phân tích đánh giá từ phía cơ quan quản lý, các chuyên gia y tế trong công tác phòng, chống dịch.

Những đóng góp của các cơ quan báo chí, với những cách làm sáng tạo đã góp phần cùng cả nước vượt qua từng đợt dịch, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng trước đại dịch này. Và những người làm báo hôm nay luôn chắc tay bút vững tin vào những điều tốt đẹp phía trước, nỗ lực mang thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 đến gần hơn với độc giả...

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này