Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”

13:13 | 18/06/2021
(LĐTĐ) Kể từ tháng 2/2020, khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát tại Việt Nam ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), và sau này là những địa điểm được nhắc đến với những ngày tháng không thể nào quên trong trận chiến chống dịch của Việt Nam, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội), Bắc Ninh, Bắc Giang… tôi đều có “may mắn” được đặt chân đến những nơi được coi là “tâm dịch” vào thời điểm cam go nhất.
Bác sĩ tự sáng tạo phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin ở tâm dịch Covid-19 Chỉ biết nói đến hai từ: Cảm kích! Tăng cường tuyển dụng trực tuyến trong mùa dịch Chuyện những chiến sĩ áo trắng chia lửa trong tâm dịch
Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao 200 triệu đồng, động viên cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chiều 25/3/2020. Ảnh: B.D

14/2/2020: Chiều muộn ở Sơn Lôi

Hơn 14h ngày 14/2/2020, tôi nhận được tin nhắn từ Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn hỏi “có thể đi Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và trao quà hỗ trợ cho người dân, công nhân, viên chức, lao động tại đây không. Nếu đi được, 15h có mặt ở 16 Lê Hồng Phong”.

Tôi đã nhắn tin nhận lời không hề có chút đắn đo, mặc dù biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ chiều 12/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi. Cũng thời điểm đó, chỉ nghe nhắc đến ai đó quê ở Vĩnh Phúc, người ta đã e ngại, tìm cách phòng bị và đứng nói chuyện xa xa.

Đúng hẹn, 15h tôi có mặt ở 16 Lê Hồng Phong - nơi Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đang ghi hình trực tiếp một chương trình của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trên đường đi, tôi được biết, chỉ có mình tôi đại diện cho anh em phóng viên tham gia chuyến công tác này. Và khi biết tôi đi Vĩnh Phúc, không ít bạn bè, đồng nghiệp đã tỏ ý e ngại và dặn dò tôi phải hết sức giữ gìn, đảm bảo khoảng cách an toàn.

16h, tôi và Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu có mặt tại Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc. Rất nhanh chóng, đoàn triển khai nắm tình hình dịch bệnh tác động đến đời sống nhân dân và đặc biệt là công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh; sau đó, tiếp tục di chuyển đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình tại Ga Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Khối thi đua 9 Công đoàn Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã trao tặng tỉnh Vĩnh Phúc quà tặng gồm khẩu trang, nước sát khuẩn và tiền mặt trị giá 500 triệu đồng, giúp nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có thêm nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.

Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”

Phát biểu tại lễ trao quà ngày 14/2/2020, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia của tổ chức Công đoàn. Ảnh: B.D

Phát biểu tại lễ trao tặng hôm đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng Công ty đã vào cuộc khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Việc 100% đơn vị trong khối thi đua tham gia, thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, sẻ chia của tổ chức Công đoàn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho đoàn viên, người lao động.

Đây là nghĩa cử cao đẹp của tổ chức Công đoàn, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia tới đoàn viên, người lao động tỉnh Vĩnh Phúc. Mong rằng sẽ tiếp tục có thêm những nghĩa cử đẹp của các cấp Công đoàn chung tay cùng tỉnh Vĩnh Phúc”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận tình cảm của tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, Đảng bộ, nhân dân và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai phòng chống dịch, tuy nhiên, tỉnh đang thiếu và rất cần hỗ trợ thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch, nhất là khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt... Do đó, mọi sự ủng hộ về vật chất, tinh thần tới nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc lúc này đều rất quý giá.

Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”
Thay mặt lãnh đạo Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh thăm hỏi, trao quà động viên y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình - nơi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: B.D

Hơn 1h ngắn ngủi làm việc tại Vĩnh Phúc, tôi có sứ mệnh chuyển tải thông điệp đến báo chí trong và ngoài hệ thống Công đoàn về tình hình dịch bệnh tại Vĩnh Phúc, nhu cầu hỗ trợ của đoàn viên, người lao động tại “tâm dịch”, thông tin về hoạt động chung tay ý nghĩa đầu tiên của tổ chức Công đoàn và tiếp tục kêu gọi, lan tỏa những nghĩa cử đẹp của các đơn vị trong và ngoài hệ thống cùng hướng về nhân dân và công nhân, viên chức, lao động tỉnh Vĩnh Phúc bị ảnh hưởng bởi dịch bênh…

Và rất mừng, sau chuyến công tác “thần tốc” gói gọn trong 3h đồng hồ cả đi và về đó của tôi và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn, đã có thêm nhiều công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động kết nối lên Vĩnh Phúc, sẵn sàng chung tay hỗ trợ để tỉnh có thêm nguồn lực nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

25/3/2020: Buổi chiều đáng nhớ ở Bạch Mai

Chiều 25/3/2020, nhận lời mời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tôi tháp tùng đoàn công tác của Tổng Liên đoàn do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang làm trưởng đoàn đến thăm, động viên và trao quà tới những cán bộ y tế, chiến sĩ công an, quân đội đang ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu chống “giặc” Covid-19.

Các điểm đoàn đến thăm gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Quốc phòng; trao quà hỗ trợ tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (thông qua Công đoàn Y tế Việt Nam). Tổng số tiền Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao động viên tới 6 đơn vị là 2 tỷ đồng - được trích từ nguồn ủng hộ, chung tay đóng góp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước.

Tại những nơi đến thăm, thay mặt tổ chức Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đều khẳng định: Tổ chức Công đoàn rất tự hào vì trong số những đồng chí đang nỗ lực cống hiến nơi tuyến đầu có nhiều đồng chí là cán bộ, đoàn viên công đoàn. Xin gửi tới các đồng chí một phần quà nhỏ, giá trị vật chất tuy không lớn nhưng đó là tình cảm của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đội ngũ đoàn viên, người lao động cả nước.

Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình tiếp nhận ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Nguyễn Công

Cũng trong chuyến công tác đó, tôi được nghe Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ những câu chuyện xúc động về sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch: “Hơn 1 tháng qua, nhiều đồng chí đã không được về nhà, xa người thân, gia đình, không được nghỉ ngơi. Mỗi đồng chí, khi đã khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, đều cố gắng gác lại các nhu cầu cá nhân, tận dụng làm việc đến hết ca, với tinh thần tiết kiệm nhất và đảm bảo công tác phòng dịch cao nhất…”.

Và cả đoàn công tác chúng tôi cũng không ngờ khoảng 30 phút trao đổi, trò chuyện với các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai buổi chiều 25/3/2020 đó, sau này đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ, khi đoàn vừa rời khỏi viện thì nhận được thông tin: Trước 2 ca bệnh mới phát sinh từ “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai, tại cuộc họp chiều 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nộị phát đi thông điệp khẩn: Tất cả những người đến bệnh viện thăm người thân, khám chữa bệnh tại các khoa Tim mạch, Thần kinh trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 trở lại đây (ngày 25/3), phải ngay lập tức thông báo với cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.

Báo cáo lịch trình công tác chiều hôm đó, tôi và nhiều anh em phóng viên trong đoàn như: Thông tấn xã Việt Nam, báo Lao Động, Tạp chí Lao động và Công đoàn… đều được lãnh đạo khuyến cáo cách ly ở nhà, theo dõi sức khỏe. Mặc dù vào viện với tâm thế chủ động và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn… nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng khi sau đó liên tiếp những ca bệnh mới được công bố khởi nguồn từ Bệnh viện Bạch Mai.

Vài ngày sau đó, cả đoàn chúng tôi được gọi đến xét nghiệm tại CDC Hà Nội. Mất 24 giờ thắc thỏm, lo âu, sau đó vỡ òa cảm xúc khi hay tin cả đoàn công tác đều có kết quả âm tính. Nhưng nói thật, cả 14 ngày tiếp tục theo dõi sức khỏe sau đó, tôi âm thầm nhốt mình ở nhà, đeo khẩu trang 24/24h, kể cả khi đi ngủ. Rồi cơn lốc Bạch Mai cũng qua nhanh, khi mỗi người dân Việt Nam chọn cách thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.

Sau Bệnh viện Bạch Mai, tôi có thêm nhiều chuyến tháp tùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đi thăm, trao hỗ trợ nhu yếu phẩm tới người dân đang thực hiện cách ly y tế, phòng, chống dịch tại Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh), xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội), Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và gần đây nhất là điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang…

Tôi nói mình “may mắn”, bởi sau mỗi chuyến công tác đi vào “tâm dịch”, tôi đã có dịp được tận mắt chứng kiến và ghi lại những câu chuyện cảm động về nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đang căng mình nơi tuyến đầu chống dịch; thấu hiểu thêm nhiều nỗi vất vả, và những lo toan của người lao động nơi tâm dịch khi việc làm của bản thân, đời sống của cả gia đình đang bị đe dọa bởi dịch bệnh; từ đó tiếp tục lan tỏa thông điệp: Hơn lúc nào hết, mọi người dân Việt Nam cần chủ động, tự giác nâng cao ý thức phòng, chống dịch; mọi nỗ lực của cá nhân, dù về vật chất hay tinh thần, đều đang nỗ lực chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà báo

Gần đây nhất, trong chuyến công tác đi cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tới 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, qua nắm tình hình, chúng tôi được biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất; hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động. Công nhân lao động, nhất là công nhân lao động ngoại tỉnh phải ở lại trong các khu nhà trọ, khu vực cách ly, đời sống gặp rất nhiều khó khăn…

Nhật ký những chuyến công tác vào “tâm dịch”
Cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô (phải ảnh) trao quà hỗ trợ công nhân lao động thông qua Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang. Ảnh: B.D

Nhằm kịp thời động viên các lượng lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô đã quyết định thực hiện chương trình thiện nguyện kêu gọi nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ từ các tập thể, nhà hảo tâm.

Theo đó, chỉ sau vài ngày phát động, cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm thực hiện 3 chuyến đi thăm, trao hỗ trợ hàng trăm thùng hàng là vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Giang thông qua các “Siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang quản lý và thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) với trị giá hỗ trợ hơn 300 triệu đồng.

Trực tiếp đi vào vùng “tâm dịch”, là phóng viên, hơn lúc nào hết, chúng tôi luôn hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình, không chỉ là người lính trên mặt trận thông tin, mà còn tích cực chung tay kêu gọi các nguồn lực ủng hộ từ xã hội, cộng đồng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này