Các cấp Công đoàn Thủ đô đã có sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động

19:29 | 14/06/2021
(LĐTĐ) Chiều 14/6, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới Chủ động, sáng tạo, phối hợp hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Nâng cao trí lực, tâm lực cán bộ Công đoàn

Cùng dự buổi làm việc, tại điểm cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các đồng chí: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu; đại diện lãnh đạo các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại điểm cầu Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố: Ngô Văn Tuyến, Phạm Bá Vĩnh, Lê Đình Hùng, Nguyễn Chính Hữu và các Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã có sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Hải Nguyễn)

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã khẩn trương tổ chức quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết bằng 6 Chương trình công tác toàn khóa, với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Về công tác đại diện và chăm lo cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung nguồn lực, đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Kết quả, đã có 2.983/5.240 (chiếm 56,9%) Công đoàn cơ sở thương thượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể. Hàng năm, có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 61,9% doanh nghiệp tổ chức được Hội nghị Người lao động; 82,4% cơ quan, doanh nghiệp xây dựng được Quy chế dân chủ ở cơ sở; 32,4% doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm.

Từ nguồn ngân sách Công đoàn và xã hội hóa các cấp Công đoàn đã hỗ trợ, chăm lo cho 425.648 đoàn viên, người lao động với số tiền trên 185 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 221 “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền hỗ trợ 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ 6.959 đoàn viên, người lao động tại 353 Công đoàn cơ sở vay vốn, giải quyết việc làm với số tiền 147,32 tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập tăng thêm mỗi hộ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Về công tác tuyên truyền, vận động, nửa nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức được 4.602 cuộc tuyên truyền đến hơn 734.000 lượt đoàn viên, người lao động; tổ chức 57.918 hoạt động văn hóa, thể thao trong công nhân, viên chức, lao động, thu hút trên 1,4 triệu lượt người tham gia; báo Lao động Thủ đô hàng năm phát hành miễn phí 7.260 tờ báo/kỳ tới công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; tổ chức 29 buổi giao lưu trực tuyến về pháp luật.

Về việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, qua các phong trào đã có 314.233 sáng kiến cấp cơ sở, 5.821 sáng kiến cấp trên cơ sở, 252 sáng kiến cấp Thành phố được công nhận và khen thưởng. Đặc biệt, từ “Hội thi thợ giỏi” do Liên đoàn Lao động Thành phố khởi sướng tổ chức hàng năm, đã được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định, lựa chọn trở thành phong trào chung của thành phố Hà Nội, được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần.

Về công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và 5 Tổ công tác; điều chỉnh bổ sung kịch bản; cử Tổ công tác là cán bộ các Ban, biệt phái hỗ trợ 9 Khu Công nghiệp và Chế xuất trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo thành lập 10.690 “Tổ An toàn Covid-19” tại 3.938 doanh nghiệp, với 47.821 người tham gia; bước đầu đã đem lại hiệu quả hoạt động tích cực.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã có sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Mai Quý)

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã ủng hộ hương trình “Vắc xin cho công nhân” với số tiền 12 tỷ đồng; ủng hộ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội 450 triệu đồng. Hỗ trợ, chia sẻ với công nhân lao động 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi địa phương 100 triệu đồng và 5.000 khẩu trang y tế. Hỗ trợ, động viên 590 cán bộ y tế tuyến đầu với số tiền 726 triệu đồng. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã quyết định hỗ trợ cho 4.000 đoàn viên, người lao động ở các lĩnh vực: Du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, các trường Mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với số tiền là 2 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ công đoàn để thống nhất thực hiện; nghiên cứu thành lập mô hình Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đa ngành nghề và hoạt động trên nhiều địa phương; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội được sử dụng nguồn tài chính tích lũy để tham gia hỗ trợ, đóng góp cùng các doanh nghiệp trên địa bàn mua vắc xin tiêm phòng dịch Covid-19 cho người lao động…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung như: Thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai các Chương trình công tác toàn khóa của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; các giải pháp và kết quả trong việc thành lập Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân lao động; thực hiện việc thương thượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh…

Trả lời về một số vấn đề mà Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra tại buổi làm việc, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, tổ chức Công đoàn Thủ đô xác định việc thành lập Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với quyết tâm không để khoảng trống, khoảng trắng, Liên đoàn Lao động Thành phố đã xây dựng Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”. Liên quan đến nội dung thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể”, kèm theo đó là quy chế tài chính hỗ trợ.

Hà Nội đã thành lập được 8.083 "Tổ An toàn Covid-19" trong doanh nghiệp
Mô hình "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội triển khai đã được nhiều tỉnh, thành khác áp dụng

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các cấp Công đoàn Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời đánh giá cao những Đề án thí điểm, những nhiệm vụ trọng điểm mà tổ chức Công đoàn Thủ đô đang triển khai và việc Liên đoàn Lao động Thành phố thành lập 10 Tổ công tác để chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực vượt khó, thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được giao; có sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động Công đoàn. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình sáng tạo, như mô hình “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp đã được nhiều tỉnh, thành khác học hỏi, triển khai” - đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, từ đó có những giải pháp hữu hiệu để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn; tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng mô hình Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại các doanh nghiệp; triển khai thí điểm thành lập Trung tâm hỗ trợ người lao động trên tinh thần đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người lao động; hỗ trợ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc tham gia vận động thành lập Công đoàn cơ sở, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể…; tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố để tạo nguồn lực cho hoạt động Công đoàn…

Thay mặt Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhất các kế hoạch, nhiệm vụ được giao; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này