Bài toán đầu ra cho sản phẩm sạch

11:06 | 27/01/2015
Ngày 25/01/2015, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn) đã phối hợp với UBND và Hội phụ nữ quận Hoàng Mai tổ chức chuyến đi thực tế tham quan một số mô hình kinh tế: vườn cây phật thủ, cơ sở làm miến, rau sạch trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). Bên cạnh những tin vui về năng suất, sản lượng...là việc giải bài toán giúp các cơ sở tìm được đầu ra sản phẩm ổn định .

Nhiều mô hình sáng tạo được nhân rộng

Thực tế cho thấy các mô hình sản xuất rau an toàn, trái cây... theo  tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP đã giúp đưa ra thị trường nhiều nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm tác động xấu đến môi trường. Ông Nguyễn Bá Sỹ - Trưởng ban khuyến nông xã Đắc Sở cho biết, hiện nay trồng cây phật thủ là mô hình chủ lực của xã và đang được nhân rộng xuống Yên Sở. Với cây phật thủ, nếu khéo chăm sóc thì một năm có thể cho 3 lứa gối tiếp nhau. Hiện loại quả này tiêu thụ tốt, trong đó 80%  vào mục đích tâm linh (thờ cúng). Trung bình một sào tùy quả đẹp hay xấu, chủ vườn  thu lợi nhuận từ 300 triệu – 600 triệu. Phật thủ khi xuất đi có nhiều mức giá, những quả có hình dạng múi xòe (tượng trưng cho ngón tay Phật), to, đẹp nên giá thường cao hơn là những quả cụp múi. Hình dạng này phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc. Trong quá trình vận chuyển nếu cẩn trọng trong việc bảo quản thì có thể tươi ngon tới vài tháng. Có những quả giá lên tới tiền triệu còn phổ biến từ 200 – 500 ngàn đồng/quả.

Là chủ vườn phật thủ 10 ha, anh Nguyễn Xuân Đáng cho biết, mô hình này anh đã làm thành công ở xã Đắc Sở từ 10 năm trước. 2 năm trở lại đây, anh tìm về Yên Sở thuê đất để trồng nhân rộng mô hình đồng thời sáng tạo thêm khâu sấy khô để cung cấp cho thị trường làm thuốc chữa các bệnh đau lưng, mỏi gối. Vừa giới thiệu những quả phật thủ vàng óng đang bung xòe những múi đầy đặn, anh Đáng cho biết  “Từ khi trồng loại quả này hầu như gia đình tôi không phải lo đầu ra. Đến khi thu hoạch có người đến tận vườn lấy mang đi bán. Quả phật thủ không chỉ bán trong nội thành mà được chở đi các tỉnh xa như Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng…”. Điểm mới trong mô hình này là hệ thống phòng sấy khô để tận dụng những quả nhỏ, lép. Phương châm của anh là không bỏ phí thành quả lao động của mình mà cố gắng chế biến để cho hiệu quả sử dụng cao nhất. Phật thủ sấy khô chủ yếu xuất sang Trung Quốc với giá gốc là 70 ngàn đồng/kg còn khi bán lẻ ra ngoài thị trường có giá 200 ngàn đồng/kg.

Cũng trên địa bàn huyện Hoài Đức, Công ty CPTP Minh Dương được biết đến là đơn vị sản xuất thực phẩm sạch, có công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại. Từng có nhiều năm gắn bó với nghề chế biến nông sản thực phẩm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Duy Hồng cho biết, “Năm 2013, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, đưa dây chuyền sản xuất miến công suất 2000 tấn/năm vào hoạt động. Tổng mức đầu tư cho dây chuyền này khoảng 5 tỷ đồng. Cuối tháng 1/2015, Công ty sản xuất hai sản phẩm mới là bún khô sạch và miến sạch để kịp thời cung cấp cho thị trường dịp Tết nguyên đán. Đây là những bước đi để phát triển bền vững, cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, từng bước khẳng định uy tín của thương hiệu...”. Để thực hiện công tác ra mắt sản phẩm mới thành công, công ty đã có sự phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, UBND và hội phụ nữ quận Hoàng Mai với mong muốn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công nghệ sản xuất miến sạch của công ty CPTP Minh Dương

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Mặc dù đã từng bước ổn định trên thị trường nhưng Công ty CP Minh Dương cũng như các hộ dân đang triển khai mô hình trồng cây phật thủ vẫn nỗ lực không ngừng để tìm kiếm, phát triển thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Duy Hồng, bên cạnh kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị thì việc tiếp thị đến từng hộ gia đình cũng là một chiến lược được chú trọng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có lẽ đáng lo ngại nhất là mô hình rau sạch đang được triển khai trên địa bàn xã Yên Sở. Thực tế tại HTX Tiền Yên (Yên Sở), anh Nghĩa – một thành viên tham gia sản xuất theo mô hình này cho biết, HTX có diện tích sản xuất 30 ha với 19 hộ. Đến nay cơ bản các hộ đều thực hiện tốt tiêu chuẩn VietGap. Giá rau hiện ở mức trung bình 10.000 đồng/kg. Với đặc thù không bảo quản được lâu như các sản phẩm đồ khô nhưng trên thực tế kênh phân phối của thị trường này vẫn chưa có sự ổn định và chuyên nghiệp. Hiện tại khách vẫn chỉ dừng lại ở những cửa hàng nhỏ lẻ nên mức giá nhập không  ổn định mà phụ thuộc vào thị trường. Anh Nghĩa cho biết: “ HTX chủ yếu trồng các loại rau ăn lá nên phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Có những thời điểm giá rau trên thị trường rẻ buộc HTX muốn bán được hàng cũng phải hạ giá theo để cạnh tranh. Mong muốn của người dân ở đây là tìm được những nhà cung cấp thực sự có nhu cầu làm hợp đồng giá theo năm, theo quý để nông dân yên tâm sản xuất, không lo bị ép giá...”

 Ông Đỗ Hoàng Thạch, Trưởng phòng thông tin – tư vấn, Trung tâm xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết:  Để làm tốt công tác này phía nông dân, các cơ sở sản xuất  cần phải có kiến thức và thường xuyên cập nhật thông tin, biết liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; nên nghĩ đến phương châm: Đầu ra của đơn vị, tổ chức này là đầu vào của đơn vị kia...”

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này